Thế giới ngày càng biến đổi không ngừng…
Những điều phổ biến hiện nay thì 10 năm trước còn chưa xuất hiện và có 65% những công việc sẽ bị thay thế bởi công nghệ trong những năm tới.
Chỉ mới đây thôi, đại dịch Covid-19 khiến cho thế giới phải thay đổi toàn bộ, những lối sống cũ, những công nghệ cũ không thích nghi được sẽ bị đào thải. Và để thích nghi được thì không gì khác, chúng ta phải luôn sẵn sàng học những cái mới, phải luôn mang trong mình tinh thần học tập suốt đời.
Học tập suốt đời là một cụm từ thường nghe hiện nay. Nhưng làm sao có thể học suốt đời được khi phần lớn thời gian sống của mình con người còn phải đi làm, lập gia đình và nuôi con cái? Rồi khi về già, đầu óc chậm chạp làm sao đi học được, nói chi là tự học? Băn khoăn khá phổ biến này xuất phát từ quan niệm rằng đi học là phải đến trường, có thầy dạy, học theo lối chính quy, không đến trường nữa thì xem là thôi học.
Có thể thấy khái niệm học bị hiểu sai đã kéo theo khái niệm tự học bị hiểu sai luôn. Bởi từ xa xưa trước khi có sự xuất hiện của chữ viết, trong khi tiếp xúc với thiên nhiên, xã hội và bản thân mình, con người đã phải học – đó là tự học qua quan sát, qua rút kinh nghiệm từ “thử và sai”, tự học kiểu “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.
Tinh thần tự học – “cái lõi” của học tập suốt đời
Nói đến tự học là nói đến việc tự mình nghiên cứu, tìm tòi học hỏi, tiếp thu kiến thức của nhân loại trong sách vở, trong nhà trường, ngoài đời, mà không có thầy trực tiếp hướng dẫn, giảng dạy. Khác với trong nhà trường, người học luôn có thầy giáo trực tiếp giảng dạy.
Học tập suốt đời tức là việc học tập đối với một con người không chỉ dừng lại ở một giai đoạn, thời gian nhất định trong nhà trường lúc học phổ thông, đại học, mà còn phải học tập ngay cả khi đi làm, lúc về già. Điều đó có nghĩa là học bất cứ lúc nào, ở đâu, luôn duy trì việc học ngay cả khi đã đạt được những thành tựu, mục tiêu trong cuộc sống, miễn là khi có điều kiện thuận lợi, đặc biệt là còn sức khoẻ.
Việc này đơn giản là mỗi cá nhân hiểu ra rằng những gì chúng ta đang biết là rất nhỏ bé như hạt cát trong sa mạc. Vì vậy nên việc học sẽ không dừng lại ngay cả khi chúng ta đã rời ghế nhà trường, đã có những chức vụ hay nắm giữ cho mình những trọng trách quan trọng của đất nước. Với tư duy này, con người ta sẽ trở nên khiếm tốn, bao dung, cởi mở đón nhận những quan điểm mới và không nổi cáu với những câu hỏi vì sao đến từ người khác.
Chúng ta ai cũng cần học tập mỗi ngày bởi vì thế giới hiện tại biến đổi từng ngày và người không cập nhật tức là đang lạc hậu với thế giới.
Mỗi cá nhân học tập phải có tinh thần tự học và học tập suốt đời vì kiến thức của nhân loại là vô bờ. Trong cuộc đời của một con người, không phải lúc nào cũng có điều kiện thuận lợi để được thầy giảng dạy trực tiếp, đặc biệt khi đã rời khỏi ghế nhà trường, khi đi làm việc, khi về già. Do đó, học để bổ sung thêm những hiểu biết cho cuộc sống.
Hơn nữa, việc tự học còn giúp cho công dân khắc sâu, nhớ lâu hơn kiến thức đã tự tìm hiểu được. Việc nâng cao trình độ hiểu biết sẽ giúp cho công dân có nhiều thuận lợi hơn trong cuộc sống như tìm kiếm việc làm; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác; giúp công dân trở nên năng động, sáng tạo, không phụ thuộc vào người khác. Bên cạnh đó, sẽ góp phần hoàn thiện nhân cách và làm cho công dân được mọi người kính nể hơn.
Khi cuộc cách mạng khoa học – công nghệ 4.0 đang phát triển nhanh chóng, công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước đang được đẩy mạnh và trước đòi hỏi của nền kinh tế tri thức, để thích ứng với những biến đổi của xã hội và hội nhập sâu rộng vào trường quốc tế, hơn bao giờ hết mỗi công dân phải chủ động nâng cao nhận thức, trình độ; do vậy, không gì khác hơn là phải học tập, tự học tập, học tập thường xuyên.
Để cho việc tự học, học tập suốt đời đạt kết quả tốt thì cần xác định mục đích, động cơ học tập đúng đắn. Đây là nhân tố có tính xuyên suốt, là kim chỉ nam cho các yếu tố khác liên quan đến học tập; không bao giờ tự cảm thấy thoả mãn với những gì bản thân biết được, phải luôn nêu cao tác phong độc lập trong suy nghĩ, không tin mù quáng; có tính kiên trì, lòng quyết tâm, sự say mê giúp công dân học tập không cảm thấy chán nản trong quá trình học tập.
Cùng với đó, căn cứ vào trình độ nhận thức, năng lực tiếp thu, yêu cầu của công việc đang làm, vị trí, nhu cầu của bản thân để lựa chọn những nội dung cơ bản, thiết thực, những vấn đề cần cho lĩnh vực công tác để tự học tập. Có như thể mới tránh lãng phí thời gian; tận dụng mọi điều kiện, phương tiện thuận lợi (internet, các phần mềm, đĩa, băng, truyền hình, sách, báo…), bằng nhiều hình thức khác nhau: học chính quy, tại chức, từ xa, trực tuyến… để học tập.
Cần áp dụng kiến thức học được vào thực tế cuộc sống, vào công việc đang làm, có như vậy mới khắc sâu cũng như kiểm nghiệm giá trị đích thực của lý thuyết; phải biết rèn luyện tốt các kỹ năng như đọc, cập nhật thông tin trên sách, báo, các phương tiện thông tin; xây dựng kế hoạch học tập một cách khoa học, sắp xếp hợp lý thời gian, thời khóa biểu…, xây dựng ý thức, tinh thần động viên người thân trong gia đình, đồng nghiệp học tập thường xuyên.
Hiện nay, việc tự học của các bạn trẻ dường như rất hạn chế. Điều này làm cho các em sinh ra bệnh lười suy nghĩ, thiếu tự tin khi gặp một vấn đề mới. Do vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời các em về sau khi bắt đầu bước vào đời để tự lập. Đối với người lớn tuổi, vẫn còn bộ phận không nhỏ chưa có ý thức học suốt đời, chỉ thoả mãn đối với những gì học ở nhà trường, thiếu sự cập nhật kiến thức mới cho nên có ảnh hưởng đến kết quả giải quyết công việc.
Để xây dựng được kỹ năng học tập suốt đời thì không thể thiếu tinh thần tự học.
Tầm quan trọng của tự học
Đời người có 3 giai đoạn quan trọng để học: Từ lúc ra đời đến khi đạt trên dưới 20 tuổi, từ lúc đi làm cho đến tuổi về hưu và từ lúc về hưu cho đến khi xuôi tay.
Nếu phần lớn giai đoạn đầu người ta chủ yếu học chính quy tại trường thì trong phần lớn giai đoạn thứ hai, người ta học chủ yếu tại nơi làm việc còn trong phần lớn giai đoạn cuối thì học tại “nhà”. Trong cả ba giai đoạn thì tự học đều có vị trí quan trọng.
Tự học phải là một quá trình tự thân vận động của người học. Nếu khi ta học trong trường thì người thầy là người đưa ra nội dung học, tài liệu học, giải thích các nội dung cho người học hiểu rõ và kiểm tra xem người học lĩnh hội được những gì thì khi tự học, người học phải tự lo những việc ấy với sự gợi ý, kiểm tra trực tiếp hoặc gián tiếp của người thầy, dù đó là thầy bằng xương bằng thịt hay thầy ảo.
Người học phải tích cực, chủ động trong học tập, làm chủ và tự quản lý việc học của mình. Người tự học trở thành chủ thể, tự xác định động cơ học, chọn mục tiêu học, tự vạch kế hoạch đi đến mục tiêu, điều chỉnh và đeo đuổi nó, chọn thời gian và nhịp điệu học, biết tự đánh giá mức độ lĩnh hội các kiến thức, kỹ năng cần có của mình một cách độc lập hoặc kết hợp với người, sách hay thiết bị học tập.
Tự học là mặt thứ hai không thể tách rời của quá trình học tập. Ngay trong giai đoạn đến trường, được thầy giảng bài thì người học cũng không thể bỏ qua việc tự học. Đọc lại vở ghi, làm bài tập, học bài là các việc tối thiểu mà bất cứ học sinh nào muốn hiểu kỹ bài, nắm chắc kiến thức, rèn luyện kỹ năng cũng phải thực hiện. Bỏ qua các bước này thì những điều thầy giảng sẽ như “nước đổ lá khoai”. Tự học khiến cho kiến thức được lĩnh hội sâu sắc hơn, nhớ lâu hơn, vận dụng nhuần nhuyễn hơn.
Tự học giúp cập nhật kiến thức, bù đắp cho những khiếm khuyết, thay thế những nội dung lạc hậu, lỗi thời trong quá trình học tại trường. Thế kỷ 21 là thế kỷ của thời đại thông tin, thời đại số nên kiến thức thì tăng lên theo cấp số nhân còn thời gian đi học ở trường thì chỉ có thể tăng tuyến tính. Ai thôi nâng cao trình độ, ngừng bổ sung hiểu biết, kỹ năng thì sớm muộn gì cũng bị lạc hậu. Không chỉ lạc hậu về kiến thức mà còn lạc hậu cả về kỹ năng làm việc lẫn trong sinh hoạt thường ngày.
Những người học đại học trước những năm 90 không hề được tiếp xúc với máy vi tính, điện thoại thông minh, nếu không tự bù đắp chỗ khiếm khuyết này, họ có thể bị xem là người mù chữ trong xã hội thông tin ngày nay.
Bác Hồ căn dặn “học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời… Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi”. Học suốt đời nay đã trở thành mệnh lệnh của thời đại nhưng con người thì không thể cứ kéo dài mãi tuổi đến trường với một thời gian biểu gò bó vì còn phải mưu sinh. Hơn nữa điều mà nhà trường dạy hôm nay vài năm nữa có thể thành lạc hậu, lỗi thời thậm chí vô dụng.
Người ta thì không thể cứ mỗi lúc lại trở vào trường để cập nhật kiến thức, kỹ năng. Cách chủ yếu là tự cập nhật lấy, tự học lấy trong khi vẫn đi làm.
Những tấm gương tự học
Nhiều người đã trở thành danh nhân không phải vì được học cao mà chủ yếu vì năng lực tự học xuất sắc.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp vốn là người tốt nghiệp đại học ngành Luật và Kinh tế chính trị năm 1937, không được đào tạo tại bất cứ trường võ bị nào. Vậy mà ông đã chỉ huy quân đội nhân dân Việt Nam đánh thắng đội quân viễn chinh Pháp do những tướng tá tốt nghiệp các trường võ bị danh tiếng chỉ huy. Thành công đó gắn liền với năng lực tự học của ông.
Giáo sư Toán học Nguyễn Cảnh Toàn, do hoàn cảnh chiến tranh nên không thể học trọn đại học. Vậy mà ông nhờ nỗ lực tự học phi thường đã đủ trình độ dạy toán bậc đại học, tự nghiên cứu công trình để bảo vệ luận án phó tiến sĩ rồi luận án tiến sĩ, đóng góp đáng kể vào bộ môn hình học xạ ảnh của toán học thế giới.
Nguyễn Ái Quốc – Nguyễn Tất Thành lúc 18-19 tuổi (năm 1908-1909) đang học lớp nhì Trường Quốc học Huế thì phải vào Phan Thiết dạy học ở Trường Dục Thanh, đến năm 2011 thì qua Pháp. Suốt cuộc đời bôn ba hoạt động cách mạng, ngày thì lao động, đêm thì học tập, Người tự học, trưởng thành và tốt nghiệp trường “Đại học cuộc đời”.
Người học ngoại ngữ, học viết báo, nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin, nghiên cứu và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại. Người biết và sử dụng thông thạo trên mười ngoại ngữ nhờ tự học mà không qua một trường đào tạo chính quy nào.
Năm 1935, dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII, Người ghi vào phiếu lý lịch của mình như sau: Trình độ học vấn – tự học. Phát biểu với sinh viên Trường Đại học Băng Đung trong chuyến thăm In-đô-nê-xi-a năm 1959, Người nói đại ý: Khi còn trẻ, tôi không có dịp đến trường học. Cuộc sống, du lịch và làm việc là trường đại học của tôi. Trường học ấy đã dạy cho tôi khoa học xã hội, khoa học quân sự, lịch sử và chính trị. Nó dạy cho tôi yêu nước, yêu loài người, yêu dân chủ và hòa bình; căm ghét áp bức, ích kỷ…
Vai trò của người thầy rất quan trọng, đặc biệt là trong giai đoạn đi học đầu đời. Người thầy mà chỉ biết truyền dạy kiến thức, kỹ năng cho học trò thì chỉ là người thầy bình thường. Người thầy biết dạy cách học và cách tự học mới là người thầy giỏi.
Ngay từ khi đứa bé đọc thông, viết thạo, người thầy đã phải dạy cho học sinh cách tự học, không phải đợi đến khi thành sinh viên rồi mới dạy điều đó. Đặc biệt người thầy phải là người thắp ngọn lửa đam mê hiểu biết trong đứa trẻ, có đam mê thì học mới tích cực, học tích cực thì mới hiệu quả, học có hiệu quả thì mới tự tin.
Thật chí lý khi chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang được dự thảo đã nêu cao mục tiêu giúp “học sinh trở thành người học tích cực, tự tin, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời” và xếp năng lực tự chủ và tự học ở vị trí số 1 trong hệ thống các năng lực cốt lõi.
Ý thức tự học
Tự học là một loại lao động vất vả, đầy gian nan thử thách, đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn gấp bội so với được nghe giảng. Người tự học gặp muôn vàn khó khăn về sức lực, thời gian, phương pháp và nhất là ý chí.
Người dìu dắt (cha mẹ, thầy cô, bạn bè, sách vở, phương tiện truyền thông…) phải tạo ra cú hích đầu tiên, thắng sức ỳ về tâm lý ở người học, chỉ ra lợi ích của việc học, bày vẽ cách tự học và động viên thực hiện.
Người học, bất kể là trẻ em hay người trưởng thành, đều phải nhận thức được học tập đem lại lợi ích gì cho chính mình. Khi nhận thức được lợi ích này, người học sẽ có động cơ mạnh mẽ để vượt qua những khó khăn tất yếu gặp phải khi tự học, thúc đẩy người học chủ động đào sâu kiến thức, tự học không ngừng. Động cơ càng mạnh, ý chí sẽ càng cao, khả năng vượt khó càng lớn và cơ hội thành công càng cao. Mỗi thành công dù nhỏ bé sẽ tiếp thêm sức mạnh cho quá trình tự bồi dưỡng năng lực tự học, khiến người học càng tự tin hơn.
Rèn luyện các kỹ năng tự học như kỹ năng định hướng, chọn mục tiêu, tìm kiếm và sử dụng thông tin; kỹ năng xây dựng và tự điều chỉnh kế hoạch học tập, thời gian và nhịp điệu học tập; kỹ năng vận dụng và thực hành thường xuyên, tự kiểm tra mức độ thành thạo; kỹ năng phối hợp các thao tác trí tuệ như so sánh, phân tích, tổng hợp, diễn giải, suy luận, phản biện; kỹ năng huy động hai bán cầu não, phát huy tối đa năng lực não bộ; kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông; kỹ năng ngoại ngữ…
Thời đại hiện nay là thời đại mà kiến thức, hiểu biết sẽ giúp con người phát huy cao độ tiềm lực nhằm đối phó hữu hiệu với các thách thức đồng thời tận dụng tốt các cơ hội nảy sinh để phát triển bền vững.
So với khối lượng kiến thức đồ sộ đang tăng lên nhanh chóng của nhân loại thì khối lượng kiến thức thu được từ số năm học chính quy tại nhà trường ngày càng nhỏ đi và mau chóng lỗi thời. So với tuổi thọ trung bình của con người Việt Nam hiện nay là 75,8 năm còn tiếp tục tăng thêm thì giai đoạn học chính quy tại trường sẽ ngày càng rút ngắn lại.
Thống kê cho thấy số năm đi học tại trường của người Việt Nam là 7,5 năm vào năm 2014. Vậy người Việt Nam còn cả một giai đoạn dài hơn 9/10 cuộc đời là không đến trường để học chính quy nữa. Đây phải là giai đoạn “lấy tự học làm cốt” bởi “học hỏi là việc phải tiếp tục suốt đời” như Bác Hồ đã đúc kết. Mà muốn tự học có hiệu quả, phải có năng lực tự học.
Xây dựng ý thức và năng lực tự học, học tập suốt đời là một trong các tiêu chí cốt lõi tạo nên năng lực và thành công của mỗi cá nhân.
Xây dựng năng lực học tập suốt đời bằng cách nào?
Cho dù bạn vẫn còn là sinh viên hay đã có một công việc ổn định thì tự học vẫn luôn là chìa khoá để dẫn đến thành công trong lĩnh vực của mình. Khả năng tự học ngoài trường lớp giúp mỗi cá nhân tạo ra sự khác biệt và làm đầy thêm kiến thức cho bản thân. Tuy nhiên, để duy trì quá trình tự học là không hề dễ dàng.
1. Duy trì tính hiếu kỳ
Tính hiếu kỳ là động lực chính thúc đẩy sự phát triển trong quá trình học tập. Hãy đặt câu hỏi thật nhiều với bất kỳ điều gì khiến bạn tò mò hoặc chưa sáng tỏ. Việc này giúp bạn nuôi dưỡng tính hiếu kỳ, luôn muốn khám phá thế giới xung quanh và thực sự mở mang hiểu biết.
Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng đặt ra câu hỏi quá nhiều với mọi người xung quanh có thể khiến họ cảm thấy khó chịu, đặc biệt là những người chưa có câu trả lời cho bạn.
Vậy nên, cách tốt nhất bạn tự dấn thân vào con đường tìm kiếm chân lý và làm phong phú kiến thức cho chính mình.
2. Đọc sách và xem phim tài liệu
Bạn nên cố gắng mở rộng suy nghĩ của mình bằng cách tìm hiểu cách mà những người khác nghĩ, nhận thức và hiểu về một vấn đề mà bạn cũng đang quan tâm.
Thay vì ngồi hàng giờ xem phim tình cảm lãng mạn hoặc hài kịch, bạn nên dành chút thời gian để xem phim tài liệu về lịch sử, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ.
Sinh động hơn, ví dụ nếu bạn đam mê về xe hơi, tại sao không thử đến tham quan bảo tàng xe, xem bản tin, đọc tạp chí về xe, tìm hiểu lịch sử, sự phát triển, những công nghệ tân tiến, thiết kế ấn tượng trong ngành công nghiệp xe bốn bánh.Tương tự, hãy thay truyện tranh giải trí bằng việc tập thói quen đọc các tài liệu nghiên cứu khoa học, sách mang tính học thuật hoặc tiểu thuyết văn học.
3. Nâng cao kiến thức cơ bản
Đọc tài liệu ngoại văn và mở rộng vốn từ vựng. Rất nhiều bộ sách, tài liệu có giá trị học thuật cao được dịch ra thứ ngôn ngữ chung là tiếng Anh. Nếu biết thêm nhiều ngôn ngữ khác, bạn vẫn được khuyến khích đọc để phục vụ cho tri thức của mình. Bạn đừng nên chỉ giới hạn đọc các tài liệu, bộ sách thuộc phạm vi ngôn ngữ mẹ đẻ.
Bằng việc đọc sách từ những tác giả đến từ những nền văn hóa khác nhau, có quan điểm khác nhau, kiến thức của bạn cũng được mở rộng một cách đa diện nhiều chiều, sâu sắc và phong phú hơn là chỉ trung thành với một ngôn ngữ hay một tác giả.
Và đương nhiên, đọc sách ngoại văn cũng là một quá trình học ngôn ngữ vô cùng bổ ích.
4. Không phụ thuộc vào trường lớp, giáo viên
Tại trường lớp, bạn được cung cấp các kiến thức nền tảng, cơ bản. Giáo viên không thể có đủ thời gian để dạy nhiều hơn cho học sinh, sinh viên.
Chính vì thế, tự bản thân biết mở rộng, nâng cao kiến thức dựa trên tảng kiến thức cơ bản sẽ giúp bạn tạo ra sự khác biệt so với bạn bè trong lớp, giúp giáo viên phân loại học sinh của mình. Đừng quá bị động và phụ thuộc quá nhiều vào trường học và giáo viên mà chỉ học những gì được dạy, được giao.
Đây còn là một cách để người học tự đánh giá được năng lực của bản thân và tiến xa hơn họ tưởng. Ngoài ra, những bài tập nâng cao hay những buổi thực hành được xem là một hình thức học tập mang lại nhiều thử thách cho chính bản thân người học. Nó sẽ thú vị hơn nhiều so với những bài học ban đầu.
5. Đọc sách hằng ngày
Không phải tự nhiên mà sách được ví với “túi khôn” của nhân loại. Đọc sách lịch sử về một vấn đề mà bạn đang quan tâm hoặc lịch sử về các nền văn hóa trên thế giới là một cách học quan trọng. Bởi, hiểu về quá khứ là chìa khóa quan trọng để bạn tiếp thu các thành tựu hiện đại. Đó cũng là lý do vì sao khi học bất kỳ một môn học nào, đặc biệt là bậc đại học, bài học đầu tiên mà các bạn được dạy là nói sơ lược về lịch sử ra đời và phát triển của môn học hoặc ngành học đó.
Ngoài tạo ra thói quen đọc sách bổ ích, đọc sách hằng ngày giúp bạn mở mang kiến thức, duy trì tính kiên trì, sự hiếu kỳ với kiến thức và giúp não bộ liên tục hoạt động.
6. Kỷ luật với bản thân
Nguyên tắc vàng đối với những người muốn phát triển khả năng tự học chính là tính kỷ luật cao.
Bởi lẽ, tự học là vấn đề riêng của mỗi người, không có giáo án, không có người giảng dạy, không có quy định thời gian cũng như không có giới hạn hay chuẩn mực nào để đánh giá, kiểm tra. Vậy nên, tính kỷ luật và sự tự giác càng cao, hiệu quả học tập càng lớn.
7. Xây dựng môi trường học
Có rất nhiều cách để tạo cho mình môi trường tự học mà không gây nhàm chán. Bạn có thể đăng ký vào các khóa học với môn hoặc ngành học yêu thích, tham gia các buổi hội thảo, đến triển lãm, đi bảo tàng, thư viện, lập nhóm tự học trực tuyến hoặc quy tụ những người bạn có cùng mục đích học tập giống mình.
Thay vì học tập theo thời khóa biểu với thầy cô ở trường, bạn hãy dành thời gian để lắng nghe những câu chuyện và kinh nghiệm của người lớn tuổi, những người có trải qua quá trình tự học.
8. Lắng nghe lời khuyên của người có kinh nghiệm
Ở những người này, bạn có thể học thêm được nhiều mẹo học tập có ích, những cuốn sách cổ quý giá hay những bậc thầy mà bạn có thể đến để thỉnh giáo.
9. Học trực tuyến
Trong thời đại công nghệ có mặt ở mọi nơi, bạn có thể tận dụng việc học trực tuyến trên bất kỳ thiết bị nào. Đây là một tài nguyên học tập vô hạn, tiết kiệm được nhiều chi phí và thời gian học tập.
Thậm chí nếu chịu khó săn tìm, bạn sẽ tìm thấy những khóa học miễn phí từ xa phù hợp với nhu cầu cá nhân của bạn. Qua các lớp học trực tuyến, bạn cũng có thể tìm kiếm được thêm những người bạn có cùng sở thích và mục đích học tập với mình.
Từ đó , quan sát thói quen và hành vi từ người học cao. Những người tự học thường có những thói quen như sau: thường xuyên ghi chép sổ tay, luôn lắng nghe, quan sát kỹ, đến thư viện hoặc hội thảo chuyên đề, đọc sách báo nhiều,…
10. Tìm người truyền cảm hứng
Quan trọng, nếu có cơ hội, bạn nên học tập ở những người này cách tư duy logic cho một vấn đề, làm sao ghi chép nhanh được những ý chính, cách phản biện và đặt câu hỏi… Đây là những kỹ năng mà những người tự học hay học dưới sự hướng dẫn của giáo viên đều phải có và phải rèn luyện trong suốt quá trình học tập. Bởi, nếu thuần thục được các kỹ năng này, bạn có thể ứng dụng để tự học tất cả những kiến thức nào mà mình theo đuổi.
Người truyền cảm hứng học tập cho mọi người thường là những vị lãnh đạo trong giới chính trị, doanh nhân thành đạt, nhà khoa học hoặc bất kỳ ai, miễn là họ khiến bạn phải chú ý lắng nghe, muốn được trở thành người giống họ, bắt chước việc làm của họ và luôn nghĩ đến họ mỗi khi việc học làm bạn cảm thấy mệt mỏi và không có lối thoát.
11. Biết vận dụng kiến thức tự học: Ứng dụng thực tế
Không phân biệt kiến thức học từ người khác hay kiến thức tự học, giá trị của kiến thức phải được thể hiện qua hành động hoặc sản phẩm. Vì thế để tự đánh giá được thành tựu học tập của mình, bạn nên tìm cách đưa các kiến thức đã học vào cuộc sống.
12. Chia sẻ kiến thức cho mọi người
Để giúp đỡ các thế hệ sau có thể phát triển được khả năng tự học, bạn nên tích cực chia sẻ kiến thức cũng như phương pháp và mẹo học của mình.