Thư viện “Người thật – Việc thật” là tập hợp các buổi trao đổi thực tế, những câu chuyện nghề được chia sẻ từ những khách mời đang làm về chính công việc đó. Thư viện được thu thập và sắp xếp theo các nhóm ngành nghề trên Bản đồ thế giới nghề nghiệp để các bạn có thể tham khảo được dễ dàng hơn.
Bài viết có tham khảo nội dung từ Hướng nghiệp Sông An.
Thông tin căn bản – Khách mời: Nguyễn Ngọc Tú
- Tuổi: 44 tuổi (năm sinh 1977)
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 21 năm
- Trình độ học vấn & chuyên ngành: Kiến trúc sư (Đại Học Kiến Trúc TP.HCM)
- Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có): Chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng do Sở Xây Dựng TP.HCM cấp và Chứng chỉ các khóa học chuyên môn (Chủ nhiệm đồ án, Thiết kế đô thị, Quy hoạch vùng, Quy hoạch đô thị, Thiết kế thị giác,..v.v…)
- Số giờ làm hằng tuần: do tính chất công việc quản lý nên không xác định cụ thể thời gian cố định, tùy theo nhu cầu công việc (thường là nhiều hơn 8 tiếng/ngày), công việc của mình thường đi công tác nhiều. Các bạn Kiến trúc sư đang làm việc trực tiếp tại công ty hiện làm 8 tiếng/ngày và 5 ngày/tuần theo giờ hành chính từ 8h đến 17h hàng ngày (thứ 7 và chủ nhật nghỉ).
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): công ty tư vấn thiết kế, quy mô khoảng 30 nhân sự
Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?
- Trách nhiệm của vai trò Kiến trúc sư
- Nghiên cứu ý tưởng thiết kế và triển khai cụ thể ý tưởng đó thành các bản vẽ kỹ thuật kiến trúc theo các quy định của Nhà nước về xây dựng (bản vẽ mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt, phối cảnh công trình,…);
- Phối hợp với các kỹ sư (chuyên ngành kết cấu, điện, nước, kinh tế) để tính toán và thiết kế các hạng mục xây dựng có liên quan (bản vẽ kết cấu, bản vẽ cấp thoát nước, bản vẽ cấp điện và viễn thông, dự toán vật tư và kinh phí xây dựng);
- Làm việc cùng khách hàng về phương án thiết kế nhằm trình bày ý tưởng thiết kế, tiếp thu ý kiến góp ý từ khách hàng và hoàn thiện đồ án (trong quá trình này rất dễ xảy ra xung đột do không thống nhất ý kiến giữa Kiến trúc sư và khách hàng hoặc do bạn không biết cách trình bày và bảo vệ ý tưởng thiết kế của mình);
- Phối hợp với đơn vị, đội ngũ thi công xây dựng, họ sẽ căn cứ trên bản vẽ thiết kế để triển khai xây dựng công trình ngoài thực tế. Kiến trúc sư có trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn và kiểm tra quá trình xây dựng có đúng bản vẽ thiết kế không;
- Các nội dung khác có liên quan như: hỗ trợ khách hàng về pháp lý (xin giấy phép xây dựng, thủ tục hoàn công), nghiên cứu tư vấn về Phong thủy trong quá trình thiết kế hoặc kết hợp với chuyên gia Phong thủy (sự va chạm giữa Kiến trúc sư và Chuyên gia Phong thủy trong thực tế là rất dễ xảy ra do không đồng nhất quan điểm thiết kế nên bạn rất cần có kỹ năng này, nhưng hiện nay trường Đại học lại không đào tạo);
- Trách nhiệm của vị trí hiện tại
- Quản lý chuyên môn mảng kinh tế – kiến trúc cho các dự án của công ty: cụ thể là chịu trách nhiệm hướng dẫn và kiểm soát chất lượng công việc của nhân viên cũng như chất lượng hồ sơ thiết kế khi xuất xưởng, hỗ trợ mình còn có bộ phận quản lý kỹ thuật;
- Quản lý nhân sự, đào tạo nhân sự: mình chịu trách nhiệm xây dựng các chương trình đào tạo nội bộ theo quý và theo năm để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật tình hình, thông tin mới có liên quan đến công việc cho anh em trong công ty. Có khi mình hướng dẫn trực tiếp, có khi mời chuyên gia bên ngoài. Trong trường hợp cần nhân sự, mình cũng phụ trách tuyển dụng;
- Xây dựng chiến lược khai thác thị trường: mình chịu trách nhiệm nghiên cứu thị trường về thiết kế và thị trường về đào tạo, dự báo các xu hướng và chiến lược khai thác, tiếp cận trong từng giai đoạn khác nhau, từ đó, cùng anh em trong ban giám đốc lên kế hoạch triển khai cụ thể;
- Đối ngoại, quan hệ với các đối tác: công tác giao dịch, kết nối với các đối tác, khách hàng (tổ chức hoặc cá nhân) là công việc thường xuyên của mình và anh em trong ban giám đốc để đảm bảo có hợp đồng, doanh thu cho công ty.
- Giá trị đem lại cho công ty và các bên liên quan
- Đối với công ty, đảm bảo doanh thu, hoạt động ổn định, nâng cao uy tín và thương hiệu công ty, đồng thời đảm bảo phát triển theo đúng chiến lược của công ty;
- Đối với nhân viên công ty, qua đào tạo và qua công việc thực tế, bản thân nhân viên được nâng cao trình độ và phát triển trong nghề nghiệp của mình, có nguồn thu nhập ổn định;
- Đối với khách hàng, góp phần giải quyết các vấn đề mà khách hàng đang gặp phải, cung cấp các dịch vụ tư vấn thiết kế có chất lượng đáp ứng nhu cầu của khách hàng, mang lại những giá trị thiết thực và sự an tâm, tin tưởng cho khách hàng.
Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
Mình may mắn sinh ra trong gia đình có cha là Kiến trúc sư và mẹ là Kỹ sư xây dựng, nên được tiếp cận môi trường nghề nghiệp này từ nhỏ, được cọ xát và dần dần hiểu nghề. Thế hệ của mình không được hướng nghiệp nhưng may mắn là khả năng, sở trường của bản thân phù hợp với nghề Kiến trúc, lại sinh trưởng trong gia đình có cha mẹ làm nghề nên con đường phát triển nghề nghiệp của mình không bị lệch hướng.
Trong quá trình lớn lên và tiếp cận với công việc của cha mẹ, mình thấy thích thú với công việc mang tính chất được tưởng tượng, sáng tạo, được vẽ, được làm việc với những hình khối, màu sắc và được đi nhiều nơi. Vì vậy, khi thi Đại học, mình quyết định đăng ký thi Đại học Kiến trúc TP.HCM và Đại học kinh tế TP.HCM (để dự phòng). Sau đó, mình đỗ cả 2 trường và chọn học Đại học Kiến trúc.
Mình có kết quả Holland theo thứ tự từ cao đến thấp là NGHIÊN CỨU – XÃ HỘI – NGHỆ THUẬT – QUẢN LÝ – KỸ THUẬT – NGHIỆP VỤ nên việc học ngành Kiến trúc là phù hợp (thực ra sau này khi đi làm khá lâu mình mới biết về Holland nên sự trùng hợp này là do may mắn). Sau này khi đi làm, nhờ các nhân duyên, mình bén duyên với lĩnh vực Đào tạo nên hiện nay mình đang phát triển thêm mảng này song song với mảng Kiến trúc. Với đặc điểm Holland sẵn có của mình, 2 lĩnh vực công việc mình đang theo đuổi đều phù hợp (Kiến trúc và Đào tạo), nó đã mang lại cho mình niềm vui, sự đam mê và cả yếu tố kinh tế. Và đương nhiên, những khó khăn, trở ngại trong quá trình phát triển nghề là không thể tránh khỏi, nhưng do 2 lĩnh vực này đều là thế mạnh nên mình có đủ động lực vượt qua được các trở ngại.
Khi ra trường, mình làm ở một Viện thiết kế của Bộ Xây Dựng. Nhờ đó, mình được cọ xát rất nhiều trong công việc vì đây là một Viện lớn nên có nhiều cơ hội học hỏi và phát triển chuyên môn. Nhưng về thu nhập trong những năm đầu tiên thì khá bấp bênh (đối với tất cả anh em mới ra trường lúc đó), vì kinh nghiệm còn non nên chưa được làm những công việc chính và đồng nghĩa với thu nhập không cao. May mắn là mình chịu khó làm thêm ngoài giờ và lại có gia đình bên cạnh nên không đến nỗi khó khăn.
Mình cũng có duyên gặp được những cô, chú, bác là những đồng nghiệp giỏi tay nghề và nhiều kinh nghiệm chỉ dạy, họ là những người Thầy của mình. Với tính cách luôn cầu tiến của mình, hầu như mình đã khai thác được hết các kinh nghiệm của họ trong quá trình làm việc cùng nhau. Kể cả các sếp, mình cũng có duyên với họ và hay được họ giúp đỡ, chỉ dẫn. Nên xét trong cùng một thế hệ ngang mình, mình là người có tốc độ tiến bộ khá nhanh so với anh em. Điều này đồng nghĩa là mình được sếp tin tưởng giao cho nhiều việc hơn, thu nhập tốt hơn nhiều anh em và mặt trái là cũng gây nên những sự đố kỵ nhất định. Tuy nhiên, mình tự đánh giá là người hòa đồng và chân thật nên hầu như mình hòa nhập tốt với tập thể, hầu hết anh em đồng nghiệp đều quý mến, còn một số ít “tiểu nhân” thì mình coi đó cũng là một yếu tố động lực để kích thích khả năng phản vệ, giúp chúng ta phát triển tốt hơn khi gặp trở lực.
Tuy nhiên, với tính cách của mình là không thích “an phận”, môi trường cơ quan nhà nước bộc lộ những hạn chế riêng của nó, nên sau 15 năm công tác, mình quyết định ra ngoài, khởi nghiệp cùng với một người bạn và vẫn làm lĩnh vực chuyên môn Kiến trúc. Sau đó, mình phát triển thêm mảng Đào tạo. Hiện nay, mình vẫn đang làm cùng lúc 2 công việc này. Công việc tuy có vất vả lúc ban đầu (do mình không mạnh về Quản lý, người bạn cùng khởi nghiệp của mình làm Quản lý rất giỏi, anh ấy là điểm tựa và hỗ trợ tốt cho mình) nhưng khi đã quen dần thì đỡ vất vả hơn, giá trị mình thấy lớn nhất là được “thỏa sức tung cánh bay trong bầu trời của mình”, đây là một cảm xúc rất tuyệt vời nhưng không thể diễn tả bằng lời và đương nhiên, kinh tế dần dần phát triển tốt hơn các giai đoạn trước đây. Nếu có ai hỏi mình là “nếu được chọn lại thì mình có chọn công việc đang làm không?” thì câu trả lời là có, mình vẫn chọn vì những lý do mình đã chia sẻ ở trên.
Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
Giai đoạn khi còn làm cơ quan Nhà nước, mình làm theo giờ hành chính với 8 tiếng/ngày. Sau này, khi làm Quản lý thì thời khóa biểu khá linh động tùy theo công việc. Anh em nhân viên thì làm “hết giờ”, còn mình phải làm “hết việc” nên không thể tính chính xác thời gian. Tuy nhiên về cơ bản, thời khóa biểu một ngày của mình sẽ như sau:
5:00 –6:30 | Thức dậy, ngồi thiền, đi bộ hoặc đạp xe thể dục buổi sáng |
6:30 – 7:30 | Nghỉ ngơi, ăn sáng và chuẩn bị đi làm |
8:00 – 12:00 | Làm việc tại công ty (nếu không có các cuộc họp, cuộc hẹn hoặc đi công tác) |
12:00 – 13:15 | Ăn trưa, nghỉ trưa |
13:15 – 17:00 | Tiếp tục làm việc buổi chiều tại công ty |
17:00 – 19:00 | Về nhà, nghỉ ngơi, ăn tối cùng gia đình |
19:00 – 21:00 | Sinh hoạt cùng gia đình |
21:00 – 22:00 | Đọc sách, tự học |
22:00 – 22:30 | Tập Yoga khoảng 15-20 phút, nghỉ ngơi và chuẩn bị đi ngủ |
Ghi chú: | Thực ra, lịch trình công việc của mình khá bận rộn và đa dạng tùy theo điều kiện công việc trong một thời điểm nhất định nào đó, nên lịch trình trên không phải đều đặn. Tuy nhiên, mình luôn cố gắng hết sức để duy trì mức độ ổn định nhất có thể. |
Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
- Thứ nhất, công việc thiết kế cho mình được tưởng tượng, phát huy sáng tạo, từ đó tạo nên các đồ án thiết kế có ý tưởng tốt và được khách hàng đánh giá cao (đây là cái mà máy móc không thể làm được, dù công nghệ có hiện đại, máy móc chỉ hỗ trợ mà thôi). Mỗi khi nghĩ ra một ý tưởng nào đó, mình có một cảm giác lâng lâng khó tả. Khi đó, mình hay đứng bật dậy hoặc đôi khi nhảy lên với cảm xúc vui sướng. Sau này, khi làm công việc quản lý, mình ít tham gia chuyên môn hơn (chủ yếu là hướng dẫn cho anh em nhân viên làm) nhưng mình vẫn giữ một mức độ tham gia chuyên môn nhất định chứ không bỏ hẳn để giữ lại những cảm xúc đó.
- Thứ hai, công việc quản lý giúp mình trải nghiệm trong một môi trường mới, rất khác môi trường làm chuyên môn thuần, thậm chí bị ngược nhau. Ban đầu thấy khó nhưng sau quen dần, từ đó mình hiểu về Holland sâu hơn, hiểu bản thân mình hơn, cố gắng rèn luyện và sửa được nhiều nhược điểm. Mình từng bước biết cách dung hòa những tố chất sẵn có một cách phù hợp trong từng môi trường công việc khác nhau.
- Thứ ba, lĩnh vực đào tạo đem lại cho mình cảm xúc rất đặc biệt, khi được chia sẻ, tương tác với mọi người, giúp người khác giải quyết vấn đề đang vướng mắc, tự nghĩ ra các ý tưởng đào tạo, soạn thảo các chương trình đào tạo… Nó đem lại một cảm xúc rất lạ, rất thú vị và tích cực. Ngoài ra, nó đòi hỏi mình phải tự bổ sung và hoàn thiện kiến thức đang có. Mình cảm thấy rất hạnh phúc khi khám phá ra cái gì đó mới trong nghiên cứu hoặc khi ai đó nhắn tin nhờ mình tư vấn mà họ đã thoát khỏi vướng mắc đang gặp phải, và họ diễn tả tâm trạng tích cực của họ cho mình biết.
Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?
- Thứ nhất, sự lặp lại một cách rập khuôn và đều đặn trong quá trình làm việc, không có sự sáng tạo, đổi mới có lẽ là một điều mình không hề thích. Nó đi ngược với tố chất thích sáng tạo và không rập khuôn của mình.
- Thứ hai, làm việc trong môi trường có sự khống chế bằng những nguyên tắc (theo kiểu nhà nước) làm mình thấy không thoải mái và không phát huy hết khả năng. Mình thích sự tự do (trong nguyên tắc). Đó là lý do mà sau 15 năm làm nhà nước, mình tự ra làm doanh nghiệp riêng.
- Thứ ba, làm quản lý và làm chuyên môn (về Kiến trúc, Đào tạo) là 2 môi trường rất khác nhau và có những cái đối lập nhau, nhưng mình chọn cả 2 chứ không chọn 1. Vì qua trải nghiệm, mình tự thấy mình không thích làm quản lý thuần (dễ chán do không có cảm xúc hưng phấn mà khi làm chuyên môn mang lại) và cũng không thích làm chuyên môn thuần (có cảm xúc nhưng đồng thời lại thích tự làm chủ bản thân, không thích làm thuê chịu sự quản thúc của người khác, thích mình là người khai phá, thích tương tác xã hội chứ không thích ngồi chôn chân trong văn phòng), nên mình khá khó khăn để dung hòa cả 2 môi trường ngược nhau này với những tố chất sẵn có (Holland) của bản thân. Mình phải rèn luyện cách dung hòa và tiết chế, đôi khi thấy rất khó khăn nhưng rồi cũng may mắn là đã tự tìm ra giải pháp cho riêng mình, và trong giai đoạn hiện nay mình thấy ổn hơn rất nhiều.
Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
- Kiến thức:
Kiến thức là vô hạn nên việc học cũng vô hạn, 5 năm đại học là cái gì đó giống như “vốn ban đầu”, còn bạn muốn giỏi bất cứ lĩnh vực nào thì phải học rất nhiều và không ngừng. Trong thực tế, mình thấy một số người đồng nghiệp của mình có tốc độ tiến bộ “rất chậm” trong nghề nghiệp, một lý do lớn là họ tư duy theo kiểu “học 5 năm Đại học đủ rồi”. Tuy nhiên, từ “học” không nên nghĩ hạn hẹp là phải đến trường, là học phải có chứng chỉ, bằng cấp. Đi chơi đây đó, quan sát cũng là học; ngồi uống cà phê trao đổi với đồng nghiệp cũng là học; làm thuê cho người khác giỏi hơn mình cũng là học; tham gia một cuộc thi với các đối thủ mạnh cũng là học và vô vàn cách học khác nữa. Điều quan trọng là bạn phải có tâm thế “muốn học”. Đương nhiên, nếu bạn có thể học thêm sau Đại học như Cao học hoặc Nghiên cứu sinh thì càng hay, nhưng nếu không được thì vẫn có nhiều cách để tự học nhé.
Trong các cách học, mình thấy rằng có 2 cách hiệu quả hàng đầu, đó là: “Học từ công việc thực tế” và “Học từ người giỏi hơn mình”. Sau đó là học qua tài liệu, sách vở (bây giờ có internet thì thật tuyệt, thời xưa bọn mình đi học tìm tài liệu rất khó khăn).
Về nội dung cụ thể học cái gì trong nghề thì rất rộng, nên không biết nói sao cho hết, bạn hãy lao vào công việc thực tế, khi bạn gặp vướng mắc ở chỗ nào, đó chính là chỗ bạn phải học (để tháo gỡ) rồi lại lao vào và lại học để tháo gỡ và bạn sẽ tiến bộ.
Kiến trúc là một nghề khá “tổng hợp”, bạn cần hiểu về nhiều lĩnh vực như kỹ thuật, nghệ thuật, văn hóa, tín ngưỡng, mỹ thuật, lịch sử, triết học, xã hội, kinh tế… vì một công trình được thiết kế sẽ hội tụ tất cả những thứ đó. Một công trình kiến trúc phải đảm bảo tính thẩm mỹ (nghệ thuật), tính bền vững (kỹ thuật), phù hợp với đặc thù địa phương (lịch sử, xã hội), phù hợp với tính cách, lứa tuổi, giá trị sống của người sử dụng công trình (văn hóa, tập quán, tín ngưỡng, tâm lý,…), phù hợp về kinh tế (giá trị xây dựng, giá trị vô hình) và nhiều tiêu chí khác. Bạn sẽ rà soát xem mình yếu kiến thức nào nhất thì ưu tiên bổ sung kiến thức đó. Ví dụ, bạn tưởng tượng giỏi, nhưng tính toán không giỏi vậy thì các môn về kỹ thuật bạn cần trau dồi nhiều hơn như: cơ lý thuyết, cơ kết cấu, sức bền vật liệu, toán học, v.v.
Hiện nay, với điều kiện tài liệu rất nhiều ở các nhà sách và đặc biệt là internet, việc tìm và học kiến thức không khó, vấn đề là bạn có muốn tìm hay không mà thôi. Để hiểu thêm, bạn có thể vào thư viện của Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM có bán rất nhiều sách từ căn bản đến nâng cao và các hiệu sách gần trường cũng có nhé.
- Kỹ năng:
- Kỹ năng tư duy sáng tạo (hiểu về bộ não, sáng tác chính là trò chơi với bộ não)
- Kỹ năng lập kế hoạch và làm việc nhóm (nghề này không làm độc lập mà kiến trúc sư phải làm việc đội nhóm với các kỹ sư khác)
- Kỹ năng thuyết trình và giải trình (mang tính đặc thù của nghề, nó vừa giống và vừa khác nghề MC, bạn sẽ phải trình bày và bảo vệ phương án thiết kế của mình trước các đối tác, khách hàng)
- Kỹ năng nghiên cứu (đặt vấn đề, giải quyết vấn đề, cách tìm, chọn lọc và tổng hợp tài liệu cần thiết)
- Kỹ năng “vượt ngưỡng” (sẽ đến lúc nào đó bạn thấy mình chững lại không tiến bộ, cần vượt qua giai đoạn đó, bạn sẽ thấy mình lên một nấc thang mới, nếu không, bạn sẽ dễ chán nản, đứng lại tại chỗ và thậm chí bỏ nghề)
- Thái độ:
- Cần có tâm thế “muốn học” (đừng ngại hỏi, vấn đề là muốn hỏi và có cách hỏi)
- Cần giữ “thái độ tích cực” thường xuyên nhất có thể (vì nó liên quan đến cảm xúc và sáng tạo, thiếu nó, bạn không thể sáng tạo)
- Cần vươn lên bằng “đam mê” cộng với “nỗ lực” (nếu chỉ có 1 trong 2 bạn khó phát triển lên các nấc thang cao, chỉ ở mức trung bình)
Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
- Một là, người ta thường nghĩ Kiến trúc sư là con người “trên mây” và có gì đó “khác người”, điều này chỉ đúng một phần nhưng chưa chính xác. Do đặc thù nghề nghiệp đòi hỏi phải sáng tạo và có khả năng cảm thụ về mỹ thuật (cái đẹp) nên tính nghệ sĩ là yếu tố cần thiết. Tuy nhiên, tính nghệ sĩ của nghề kiến trúc rất đời thực để làm sao bạn thiết kế ra một công trình có thực và sử dụng được. Một bức tranh trừu tượng có thể không ai hiểu vẫn không sao, cứ treo đấy, nhưng một công trình không sử dụng được là thất bại. Tiếp theo, việc “khác người” là do một số người tự tạo sự khác biệt thế thôi, sự khác biệt duy nhất có lẽ là khi bạn đang “say sưa” với công việc nhiều quá thì có vẻ như bạn đang quên hiện thực xung quanh (thậm chí quên cắt tóc, thay đồ) và bị cho là khác biệt.
- Hai là, học nghề Kiến trúc phải có khiếu “nghệ thuật”, “vẽ phải đẹp”, điều này cũng đúng một phần nhưng chưa chính xác. Như đã nói ở trên, yêu cầu về nghệ thuật trong kiến trúc là có nhưng khác một số ngành như Hội họa hay Âm nhạc (có tính cảm xúc rất cao, đôi khi phi thực tế). Nghệ thuật trong nghề kiến trúc nó không theo kiểu như một họa sĩ vẽ tranh trừu tượng hay một nhạc sĩ đầy lãng mạn, bi lụy và xa rời đời sống hiện thực. Kiến trúc phục vụ cho đời sống thực tế của con người và nó là sự hài hòa giữa Kỹ thuật và Mỹ thuật theo tỷ lệ 50-50 nên đòi hỏi bạn vừa có cái đầu logic của một kỹ sư và vừa có cái đầu lãng mạn của một nghệ sĩ. Nhưng nếu tỷ lệ này không đạt lý tưởng cũng không sao, chúng ta vẫn học được nhé.
- Ba là, học nghề Kiến trúc là khi đi làm sẽ làm công việc “Thiết kế nhà cửa, công trình”, điều này chưa chính xác. Kiến trúc sư có thể làm rất nhiều lĩnh vực công việc như làm Quản lý (nhà nước hoặc doanh nghiệp trong ngành xây dựng), Tư vấn thiết kế xây dựng, Giảng dạy đào tạo về xây dựng, Sản xuất và Kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ trong xây dựng, Nhà nghiên cứu kiến trúc, Soạn giả, Dịch giả chuyên môn về kiến trúc và nhiều công việc khác. Có khi họ lấn sân sang các lĩnh vực khác có liên quan như về Thiết kế cảnh quan, Thiết kế thời trang, Thiết kế đồ họa, Thiết kế sản phẩm công nghiệp, Kinh doanh bất động sản…. Như vậy, kiến thức Đại học chỉ là cái “nền móng”, còn khi ra đời áp dụng sẽ có rất nhiều “đất diễn” cho bạn, chỉ cần bạn giỏi và biết mình giỏi cái gì (ví dụ: bạn không mạnh về sáng tạo nhưng mạnh về quản lý, bạn sẽ làm Doanh nghiệp riêng hay quản lý Nhà nước về xây dựng, kiến thức Đại học sẽ giúp bạn hiểu nghề và quản lý tốt hơn một người không biết gì về chuyên môn, mình không giỏi sáng tạo thì mình thuê Kiến trúc sư khác giỏi sáng tạo làm việc cho mình, còn mình quản lý).
- Bốn là, học Kiến trúc rất “khổ”, phải thức khuya dậy sớm để vẽ bài, nếu là con gái thì sẽ “tàn phai nhan sắc”. Vì vậy, kiến trúc sư nữ luôn ít hơn nam. Điều này đúng một phần và chỉ đúng vào thời trước. Thời của mình đi học, lớp chỉ có 4 bạn nữ, còn lại là nam. Ngày xưa không có công nghệ máy tính, toàn bộ bài vẽ thực hiện bằng tay nên khá vất vả. Thứ nữa là mấy ông sinh viên Kiến trúc hay lười, toàn để giờ chót mới làm bài nên luôn bị trễ tiến độ. Bây giờ có máy móc hiện đại hỗ trợ, và nếu bạn học mà có kế hoạch nghiêm túc thì chẳng có gì vất vả, thực tế cho thấy các thế hệ sinh viên Kiến trúc sau này tỷ lệ nam nữ gần như tương đương nhau.
- Năm là, nghề Kiến trúc có “thu nhập khá cao” và có gì đó “khá hào nhoáng”, điều này cần phải làm rõ là nghề nào cũng có mức thu nhập cao và thấp, tùy theo “level” (cấp bậc) của bạn và đặc điểm, nhu cầu xã hội trong từng giai đoạn. Đừng nghĩ “level” là thâm niên công tác bao nhiêu năm, tuổi đời chỉ là một yếu tố tham khảo thôi, phải “thực chiến” mới biết bạn là ai, nên chỉ cần bạn giỏi, luôn học hỏi để ngày càng giỏi hơn thì thu nhập sẽ tăng cao theo “level” của bạn. Còn ngược lại thì bạn biết rồi đấy. Nhưng có thể nói rằng, nếu “level” bạn từ mức khá trở lên cộng với sự cần cù, bạn sẽ không bao giờ rơi vào khó khăn về kinh tế, bạn sẽ từ mức đủ sống trở lên. Còn “hào nhoáng” ư? Nghề nào kiếm tiền chân chính cũng phải vất vả cả, phải học tập và lao động nghiêm túc mới khá được, còn “hào nhoáng” hay không là do bạn tự nghĩ thế thôi, có lẽ do nghề này mang tính “nghệ thuật” nên một số người nghĩ vậy.
Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
Nếu học ngành Kiến trúc sư trong giai đoạn hiện nay, khi ra trường bạn có thể hoàn toàn nuôi được bản thân mình. Nếu bạn có chí tiến thủ và chịu khó học hỏi để phát triển bản thân, bạn có thể kiếm được số tiền thu nhập từ ổn định cho đến cao. Với quá trình trải nghiệm công tác và tuyển dụng nhân sự tại công ty, mình xin chia sẻ về mức thu nhập để các bạn trẻ có thể hình dung như sau:
- Thông thường, với một bạn Kiến trúc sư mới ra trường có bằng khá đến giỏi, công ty mình sẽ trả mức lương khởi điểm khoảng 6-7 triệu/tháng, bạn sẽ thử việc 2 tháng, sau đó nếu ổn thì sẽ làm chính thức. Bạn được hưởng các chế độ bảo hiểm, du lịch, cơm trưa, thưởng lễ tết, đào tạo của công ty. Nếu bạn tốt nghiệp xuất sắc, tùy theo thành tích, có thể bạn sẽ được trả mức lương khởi điểm cao hơn.
- Mức lương sẽ được xét tăng sau mỗi 6 tháng đến 1 năm tùy theo thành tích đóng góp và sự tiến bộ của bạn trong công việc. Ngoài ra, bạn sẽ được ”thưởng nóng” khi có các đóng góp đột xuất (ví dụ tham gia cuộc thi và đạt giải thưởng).
- Với những bạn có kinh nghiệm khoảng 5 năm, tùy theo năng lực thực tế, mức lương của bạn có thể dao động khoảng 12-15 triệu/tháng. Với những bạn có kinh nghiệm nhiều hơn sẽ có mức thu nhập cao hơn. Một Kiến trúc sư kinh nghiệm 15-20 năm, ở các công ty bất động sản có thể được trả mức lương 35-50 triệu/tháng. Riêng ở công ty mình, các chuyên gia lâu năm được cộng tác dưới hình thức cộng tác viên bán thời gian nên mình trả chi phí theo từng hợp đồng công việc cụ thể chứ không trả lương tháng.
- Như vậy, tạm hình dung là nếu bạn làm hưởng lương thì nghề này có mức dao động (mang tính tham khảo) là từ 7 triệu/tháng đến 50 triệu/tháng. Ngoài ra, nếu bạn thuộc đẳng cấp chuyên gia thì mức thu nhập còn cao hơn tùy theo đối tượng trả lương cho bạn.
Qua các thông tin mình chia sẻ, bạn có thể thấy rằng, nghề Kiến trúc sư có thu nhập đảm bảo cho cuộc sống của bạn (nếu bạn cố gắng phấn đấu tích cực). Tuy không phải quá cao, nhưng cũng là mức thu nhập ổn đấy chứ. Các đồng nghiệp của mình, nhìn chung, hầu như mình thấy họ đều có kinh tế ổn định (với điều kiện phải chịu khó “cày”).
Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
Thứ nhất, trước khi quyết định đăng ký thi đại học, bạn phải hiểu về mình tức là hiểu năng lực sở trường của mình. Như đã nói, nếu bạn có 3 nhóm NGHIÊN CỨU – XÃ HỘI – NGHỆ THUẬT thì bạn học Kiến trúc là phù hợp. Bạn hãy làm test Holland và các trắc nghiệm khác để hiểu rõ mình hơn nhé, nếu cần bạn có thể trao đổi với chuyên gia tư vấn.
Thứ hai, bạn phải hiểu về nghề, tức là cần biết nghề này khi học sẽ thi những môn gì, sẽ học những môn gì ở Đại học, ví dụ Kiến trúc có thi môn vẽ (có khi vẽ tĩnh vật, có khi vẽ đầu tượng) vậy bạn phải có khiếu vẽ và phải đi học vẽ. Tìm hiểu nghề này làm những công việc cụ thể gì khi ra đi làm thực tế, đây là một nghề được nhiều người biết đến nên thông tin có lẽ không quá khó để bạn tìm hiểu. Nên tìm hiểu qua 2 kênh chính: một là qua thông tin tài liệu (sách, internet) và hai là qua phỏng vấn, trao đổi với một ai đó đã làm nghề. Như mình đã chia sẻ, với tấm bằng Kiến trúc sư, bạn có rất nhiều lựa chọn khi ra làm việc, hãy chọn ra một nhóm gồm vài công việc mà bạn thấy “có vẻ” phù hợp với mình nhất khi ra trường, sau đó sẽ đi tìm hiểu sâu hơn về các công việc đó để lọc lại một lần nữa. Cần nói thêm là hiện nay, trường Kiến trúc có đào tạo rất nhiều chuyên ngành khác nhau và có tính chất “na ná, liên quan”, bạn cần tìm hiểu kỹ để chọn cho mình ngành phù hợp, ví dụ cùng có khiếu thẩm mỹ nhưng có bạn thích thiết kế nhà cửa (kiến trúc dân dụng) nhưng có bạn thích thiết kế về cảnh quan (sân vườn, cây xanh, trang trí điêu khắc…), có bạn lại thích thiết kế thời trang, hay thích thiết kế sản phẩm công nghiệp (thiết kế mẫu điện thoại Iphone chẳng hạn).
Thứ ba, bạn phải tìm hiểu có bao nhiêu trường đào tạo về nghề đó (hiện nay nghề Kiến trúc sư có Đại học Kiến trúc TP.HCM, Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Cần Thơ, Đại học Văn Lang, Đại học Hoa Sen… đào tạo, và có bao nhiêu hình thức đào tạo (liên quan đến chất lượng đầu ra và học phí), thường các trường sẽ có 2 hình thức là hình thức đào tạo thông dụng và hình thức nâng cao theo hướng quốc tế, tùy bạn lựa chọn theo điều kiện của mình.
Thứ tư, trong quá trình học, nếu tìm được chỗ làm thêm để cọ xát thực tế thì rất tốt (đặc biệt đối với nghề kiến trúc), nó sẽ giúp bạn học một cách sâu hơn và hiệu quả hơn, nhưng đừng đi làm thêm vì kiếm thu nhập là chính, bạn sẽ xao nhãng việc học thì lại phản tác dụng.
Thứ năm, khi ra trường và tìm việc, cần cân nhắc giữa 2 yếu tố “mức lương” và “cơ hội phát triển”, nếu một công ty cho bạn cả 2 điều kiện trên đúng với mong muốn của bạn thì quá tốt, nhưng nếu chỉ có 1 điều kiện phù hợp (tức là lương ổn thì công việc nhàm chán hoặc công việc tốt, được cọ xát học hỏi thì lương không cao lắm) thì theo mình nên ưu tiên cho mục tiêu “cơ hội phát triển”, vì lương nếu cao hơn cũng chỉ khoảng một hai triệu, nhưng “cơ hội phát triển” lại chính là yếu tố nâng cao “level” của bạn và đương nhiên cũng sẽ nâng cao thu nhập của bạn, đó mới là đường dài, chọn lương cao hơn chút chỉ là trước mắt.
Và cuối cùng, bạn luôn nhớ rằng công việc nào cũng cần sự cần cù, kiên trì và tinh thần lao động đích thực, chỉ cần bạn cố gắng, bạn sẽ thành công. Và đối với các bạn trẻ như bạn, tất cả cũng chỉ mới bắt đầu, con đường nghề nghiệp như một bộ phim nhiều tập, còn rất dài, còn rất nhiều tình tiết và ngã rẽ, chỉ cần bạn đi đúng hướng từ đầu, mọi ngã rẽ sau này sẽ giúp bạn vươn lên cao hơn trong sự nghiệp.
THÂN CHÚC CÁC BẠN THẬT NHIỀU SỨC KHỎE VÀ THÀNH CÔNG.
Cùng xem video buổi trò chuyện tại đây:
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.