Thư viện “Người thật – Việc thật” là tập hợp các buổi trao đổi thực tế, những câu chuyện nghề được chia sẻ từ những khách mời đang làm về chính công việc đó. Thư viện được thu thập và sắp xếp theo các nhóm ngành nghề trên Bản đồ thế giới nghề nghiệp để các bạn có thể tham khảo được dễ dàng hơn.
Bài viết có tham khảo nội dung từ Hướng nghiệp Sông An.
Thông tin căn bản
- Tuổi: 31
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 10 năm
- Trình độ học vấn & chuyên ngành: Đại học, chuyên ngành khoa học địa chất
- Các chứng chỉ chuyên môn: Không có (tham gia các khóa đào tạo nội bộ của công ty ở Dubai, Malaysia, Úc, Oman và Việt Nam)
- Số giờ làm hằng tuần: Không tính được vì làm theo dự án. Mỗi lần đi giàn khoan là ít nhất 30 ngày ở trên giàn khoan, mỗi ngày làm theo ca, 1 ca là 12 tiếng. Chưa kể nếu có sự cố thì có ca làm đến 20 tiếng.
- Loại hình & quy mô công ty: Công ty đa quốc gia, khi về Việt Nam phải liên doanh với Petro Việt Nam. Quy mô khoảng 200 – 250 nhân viên.
Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?
- Đem lại giá trị cho công ty & các bên có liên quan:
- Kỹ sư dầu khí cung cấp dịch vụ về vận hành các thiết bị khoan dầu (ở biển, ở đất liền/sa mạc);
- Tư vấn về cách sử dụng thiết bị, phân tích các báo cáo về địa tầng của giếng khoan để xem thiết bị và cách khoan nào phù hợp với từng lớp địa tầng, dựa theo yêu cầu của công ty khách hàng;
- Từ đó, tối ưu các chi phí liên quan đến vận hành mà vẫn lấy dầu thô từ biển/sa mạc/đất liền để chế biến, xử lý thành xăng, dầu diesel, các sản phẩm khác hoặc xuất khẩu dầu thô.
- Trách nhiệm chính của tôi:
- Thông qua các báo cáo địa tầng & yêu cầu của công ty khách hàng, đưa ra các giải pháp về việc lựa chọn các thiết bị, dụng cụ, gói sản phẩm phù hợp. Ví dụ: Ở biển, với vùng nước sâu (trên 600 – 1000 mét nước) thì cần các thiết bị có tiêu chuẩn cao vì ở độ sâu này thì địa tầng có áp suất & nhiệt độ cao.
- Sau khi đã tư vấn các gói dịch vụ khoan phù hợp, kỹ sư dầu khí sẽ lên kế hoạch vận hành cho giếng khoan như các công tác: kiểm tra thiết bị khoan, viết và đọc các báo cáo địa tầng ở giếng khoan để thu thập dữ liệu, lắp ráp các thiết bị và kiểm tra chất lượng của thiết bị có sẵn sàng để thực hiện khoan hay chưa.
- Giải quyết các vấn đề xảy ra trên giàn khoan: khi có sự cố về thiết bị khoan thì đưa ra các giải pháp phù hợp. Ví dụ: khi khoan một giếng hạ tầng địa chất cứng, các thiết bị khoan dễ bị hư do rung lắc mạnh từ các lớp đất đá, dẫn đến hư hao thiết bị và nếu không xử lý kịp thời, có thể bị sập giếng khoan (rất nguy hiểm về người và tài sản).
- Sau khi đã khoan thành công, dầu từ biển/sa mạc đã hoặc đang được dẫn từ giếng lên, thì các kỹ sư dầu khí phải có trách nhiệm theo dõi, báo cáo lại cho công ty & các bên liên quan. Theo dõi về lượng dầu khai thác có đúng như mong đợi không, đường ống dẫn trong khi khoan có an toàn không, v.v.
Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
Ý định chọn ngành bắt đầu từ năm cấp 3: khi chọn khối ngành thi đại học, tôi chọn 2 khối: khối A (Toán, Lý, Hóa) – kinh tế và khối B (Toán, Hóa, Sinh) – địa chất, vì tôi học tốt các môn khoa học tự nhiên (Toán, Lý, Hóa, Sinh) hơn các môn khoa học xã hội (Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ). Sau đó, do không đủ điểm khối A, nên tôi chọn học khối B – Khoa địa chất, chuyên ngành dầu khí của trường ĐH Khoa học Tự nhiên, thuộc ĐH Quốc Gia TPHCM. Việc chọn ngành học này là do bản thân tôi tự quyết định dựa trên sức học của mình và tài chính gia đình.
Trong 4 năm học tại khoa địa chất, tôi đã tự trau dồi thêm tiếng Anh, tham gia các hoạt động chuyên ngành do Khoa, Trường phối hợp tổ chức với các công ty trong và ngoài nước. Đồng thời, tôi tham gia làm tình nguyện viên cho các sự kiện chuyên ngành do các công ty thuộc lĩnh vực dầu khí tổ chức. Đây là những bước “gieo mầm” mà tôi đã thực hiện: khi tham gia các sự kiện này, tôi cũng tạo được các mối quan hệ, có thêm kiến thức thực tế và kỹ năng cần phát triển (kỹ năng thực chiến) của kỹ sư dầu khí. Ở kỳ thực tập năm 4, tôi được nhận vào 1 trong 4 công ty lớn của ngành dịch vụ dầu khí trên thế giới (Big4). Trước khi tốt nghiệp, tôi đã nhận được 2 “offer” (đề xuất công việc) với vị trí là: Chuyên viên phân tích địa tầng (làm việc ở văn phòng) và Kỹ sư dầu khí – vị trí hiện tại.
Nếu được chọn lại, tôi vẫn sẽ chọn theo Kỹ sư dầu khí vì tôi học được rất nhiều điều từ công việc này như: tính cẩn thận, tỉ mỉ – công việc đòi hỏi sự chính xác rất cao khi làm việc trên giàn khoan; cách phân tích và xử lý vấn đề khi các thiết bị gặp sự cố; cách ứng xử khi sống trên giàn khoan với hơn 30 con người (khác quốc gia); cách ứng biến khi gặp các sự cố trên biển, v.v.
Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
LƯU Ý: Đây là ngành nghề có 2 trạng thái: lúc làm việc trên giàn khoan và lúc không đi giàn. Khi đi giàn thì làm theo ca, một ca 12 tiếng và tùy giàn mà các ca làm việc khác nhau. Ở đây chỉ đưa ra ví dụ về các hoạt động từ khi bắt đầu ca đến khi kết thúc, không thể liệt kê chi tiết khung giờ cũng như không tính thời gian làm theo tuần được. Trung bình một năm có 6 tháng đi giàn: 6 tháng * 30 ngày * 12 giờ = 2160 giờ làm trung bình. Lấy 2160 giờ chia 8 giờ/ngày thì mất 270 ngày/365 ngày/ năm. Nếu tính theo tuần thì một tuần cũng làm 5 ngày, nhưng cách tính như vậy sẽ không thể hiện được chính xác workload (khối lượng công việc) phải làm.
WORKFLOW (luồng công việc) CƠ BẢN:
- Giao ca với ca trước: kiểm tra thiết bị, các thông số đã xảy ra trong ca làm trước đó. Lưu ý các điểm bất thường trong thông số, hiện tượng khi khoan của ca trước.
- Nếu ngày đó có lắp ráp thiết bị thì phải chuẩn bị chỗ làm, các thiết bị và nhân sự hỗ trợ. Ví dụ: khi sử dụng thiết bị có phóng xạ thì phải có đồ bảo hộ, đồ bảo hộ phải đúng tiêu chuẩn, các thiết bị đo phóng xạ phải hoạt động tốt, các chuyên gia về phóng xạ đã có mặt ở giàn…
- Nếu ngày không có lắp ráp thiết bị thì kiểm tra, theo dõi liên tục các màn hình báo cáo về thông số (*hình ảnh minh họa cuối bài) địa chất địa tầng, nếu có sự thay đổi bất thường phải có ứng biến ngay lập tức, phù hợp với tình huống để tránh tổn hao về thiết bị, tài nguyên và con người.
- Những ngày “tool fail” (lỗi thiết bị) thì phải chuẩn bị nhân lực, các thiết bị hỗ trợ để kéo thiết bị từ dưới đáy biển hoặc dưới lòng đất lên. Sau khi kéo lên phải “khám bệnh” cho thiết bị, nếu sửa được thì tiến hành làm, không được thì báo cáo về công ty mẹ ở đất liền và báo với khách hàng thay dụng cụ, thiết bị khác.
- Họp báo cáo theo lịch định kỳ về tiến độ, mức dầu hoặc khí đang khai thác, có cần hỗ trợ nào không…
Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
- Tiếp xúc được với nhiều nền văn hóa, địa lý và con người khác nhau. Ví dụ: khi đi làm và đào tạo ở các nước Trung Đông như Dubai, Oman hoặc khi làm ở sa mạc (Úc) – môi trường và điều kiện rất khác với khí hậu nhiệt đới gió mùa ở TPHCM.
- Được công ty đào tạo bài bản từ các bước cơ bản (làm sao để đọc báo cáo địa tầng, các thông số có ý nghĩa như thế nào) đến phức tạp (cách quản lý tài sản, vận hành một dự án, phân chia công việc cho đội, nhóm) v.v.
- Có thu nhập, phúc lợi ổn định và ở mức trung bình – khá.
Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?
- Lịch làm việc không ổn định – không biết trước được khi nào đi làm, công ty gọi thì đi.
- Thời gian làm việc – vì Operation hours (thời gian vận hành) trên giàn khoan là 24/7 nên sẽ có trực đêm hoặc làm trong thời gian dài để xử lý sự cố (trên 12 tiếng).
- Không tham dự được những sự kiện quan trọng của người thân hoặc gia đình. Ví dụ: nhà có đám cưới người thân, nhà có chuyện buồn, …
Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
- Các khóa tự học của ngành này hầu như là không có (rất ít hoặc phải trả phí cao nếu muốn học chuyên ngành cụ thể). Trên Coursera có các khóa học nhưng nhìn chung chỉ là kiến thức tổng quát.
- Thái độ: cầu thị và ham học hỏi, có thể chịu cực (thức khuya, dậy sớm, sống ở điều kiện sa mạc hoặc biển – lưu ý đến các thiên tai phải đối mặt như bão cát, bão nhiệt đới, …).
- Kiến thức: chuyên ngành về địa chất ở trường đại học là chưa đủ, nên chủ động tham gia vào các sự kiện chuyên ngành. Nâng cao ngoại ngữ – tiếng Anh chuyên ngành vì đa số các công ty khách hàng đều là công ty nước ngoài.
- Kỹ năng: làm việc an toàn – kỹ sư dầu khí khi làm trên giàn khoan rất nguy hiểm nếu có sơ sót vì là nguyên liệu dễ cháy, chỉ một sơ sót không đúng quy trình sẽ gây ra thiệt hại rất lớn về người, tài sản và ảnh hưởng lớn đến môi trường, đó là chưa kể việc ảnh hưởng đến hình ảnh của “chất lượng nhân lực” của quốc gia. Khi công ty khách hàng thuê một công ty dịch vụ dầu khí, họ sẽ nhìn vào điểm đánh giá “Safety & Security” của công ty để ra quyết định có ký hợp đồng với công ty đó hay không. Các kỹ năng còn lại như: phân tích và xử lý vấn đề; làm việc nhóm – lưu ý là nhóm đa quốc gia, chủng tộc, văn hóa; viết báo cáo – một hợp đồng dịch vụ khoan sẽ tính bằng “tỷ đô” nên khi viết báo cáo phải rất cụ thể, chi tiết và có bằng chứng cụ thể, rõ ràng.
- Như đã đề cập ở trên, tính chủ động tham gia các sự kiện chuyên ngành, tạo ra các mạng lưới chuyên nghiệp là rất quan trọng khi các bạn còn làm sinh viên.
Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
- Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là “việc nhẹ, lương cao”.
- Vì sao lại hiểu sai như vậy:
- “Dầu khí” tùy tính chất công việc thì mới “lương cao” hay không.
- Đa số các công ty làm ở lĩnh vực dầu khí của Việt Nam, lương cơ bản thấp và thưởng cuối năm cao. Ngược lại, các công ty của nước ngoài thì lương cơ bản cao nhưng không có thưởng.
- Các kỹ sư dầu khí thường thuộc nhóm ít chia sẻ nên thông tin về cuộc sống và công việc hằng ngày của họ ít người biết đến – cho dù là người thân hoặc bạn bè. Điều này dẫn đến người ta thường quy chụp khi không có đủ thông tin.
Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
Hoàn toàn có thể.
Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
- Tính chủ động – tham gia các hoạt động, sự kiện chuyên ngành, việc này giúp tạo ra các mạng lưới chuyên nghiệp của bản thân.
- Tính tự học hỏi – trau dồi và học hỏi trong chính môi trường làm việc.
- Chịu khó đặt câu hỏi, đọc các tài liệu chuyên ngành.
- Suy nghĩ thật kỹ về môi trường làm việc mà mình sẽ làm (thời tiết khắc nghiệt, wifi lúc có lúc không, ăn, ngủ tập thể,..). Vì theo luật Việt Nam, kỹ sư dầu khí làm trên giàn sẽ không có nữ giới – môi trường chỉ có các anh lớn tuổi, đã làm rất lâu trong lĩnh vực này.
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.