Thư viện “Người thật – Việc thật” là tập hợp các buổi trao đổi thực tế, những câu chuyện nghề được chia sẻ từ những khách mời đang làm về chính công việc đó. Thư viện được thu thập và sắp xếp theo các nhóm ngành nghề trên Bản đồ thế giới nghề nghiệp để các bạn có thể tham khảo được dễ dàng hơn.
Bài viết có tham khảo nội dung từ Hướng nghiệp Sông An.
Thông tin căn bản
- Tuổi: 23
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: Chính thức là 03 năm, còn tính cả thời gian làm cộng tác viên/ tình nguyện viên là 06 năm.
- Trình độ học vấn & chuyên ngành: Dừng Đại học ở năm thứ 02 (Chuyên ngành trước đó là Bachelor of Arts – Specialized in Communications (Giáo dục khai phóng, chuyên ngành truyền thông))
- Số giờ làm hằng tuần: Tùy theo dự án vì hiện đang làm việc tự do. Phần lớn thời gian sẽ dùng để đọc sách/ nghiên cứu/ đi điền dã.
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): Freelancer (người làm việc tự do)
Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?
Trước tới giờ, dù là hợp tác với bên nào thì công việc chính yếu của mình vẫn là “sản xuất nội dung”. Ở đây có thể hiểu công việc của mình là đọc – hiểu một cách hoàn chỉnh các nghiên cứu về lịch sử – văn hóa và sau đó chuyển hóa nó thành các hoạt động tùy theo nhu cầu của đối tác. Ví dụ, trong 03 năm từ 2017 đến 2020, việc của mình là đọc – hiểu – thực hành về “Diễn xướng Nam Bộ” (Các loại hình văn nghệ có ở miền Nam), từ đó lên kịch bản/ nội dung cho các chương trình workshops/ lớp học/ nội dung đăng trên các trang mạng xã hội/ đề xuất ý tưởng lớp học – workshops hướng tới nhóm khán giả trẻ (hầu như chưa biết gì về các loại hình này). Cũng là nội dung về “Diễn xướng Nam Bộ” đó, mình có thể thiết kế nội dung cho field trip (chuyến đi thực tế) của trường ngoại khóa dành cho trẻ tiểu học, làm trợ lý nghiên cứu cho học giả người Anh về sân khấu Cải Lương, tổ chức chương trình trải nghiệm/ dã ngoại. Ngoài ra, mình còn làm host/ MC cho các chương trình, viết sách và tư vấn nội dung cho những ai cần tham khảo. Ví dụ mình từng tư vấn nội dung đưa nghệ thuật Bóng Rỗi vào dự án liên quan đến cộng đồng LGBTQ+, hướng dẫn cho bạn mình về văn hóa người Hoa để bạn ấy đi thi gameshow, v.v.
Những năm gần đây công việc của mình chủ yếu liên quan đến việc nộp đơn cho các quỹ về văn hóa để thực hiện dự án, tư vấn nội dung, tham gia vào việc lên kế hoạch trải nghiệm cho các trường tư thục. Sắp tới mình có ý định thành lập công ty riêng về mảng văn hóa này.
Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
Mình là đứa trẻ lớn lên nhờ những điệu lý và câu hát ru của .… ba. Ba mình là người đã gieo cho mình những hạt giống về văn hóa truyền thống: chuyện cổ tích kể mỗi đêm, quyển sách đầu tiêu về chuyện kể nước Nam, quyển sách dày nhất thời tiểu học là ca dao – tục ngữ Việt Nam, những chuyến đi xa ngắm nhìn quê hương xứ sở và trên hết là tinh thần “làm cái gì đó cho văn hóa Việt”. Đôi khi mình tự hỏi nếu không phải là ba mình gieo những thứ đó cho đứa trẻ như mình thì bây giờ mình có làm chuyện khác không, nhưng dù sao đi nữa thì mình của hiện tại, mỗi ngày mở mắt thức dậy chỉ thấy muốn làm về …. văn hóa. Có thời gian mình cũng dấn thân vào công việc tư vấn du học – di trú, thử nghiệm học về kinh doanh để kiểm chứng xem liệu mình có thể thích một thứ gì đó khác văn hóa không. Nhưng rồi theo tiếng gọi bên trong, mình vẫn quyết định trở về và làm các hoạt động văn hóa, mình nhận ra chỉ khi làm văn hóa mình mới thấy vui nhất. Tạm thời mình có thể nói là mình sẽ làm về văn hóa suốt đời đó.
Năm lớp 11, ngoài học ở trường, mình tìm đến nhóm Cội Việt để học hỏi về văn hóa, đây có thể nói là cái nôi thứ hai (sau ba mình) đã có tác động đến định hướng của mình. Hồi đó Cội Việt có chuỗi workshops nhỏ tên là “Lớp học 1 Tô”, mỗi buổi nói về một chủ đề văn hóa nào đó một cách tổng quan nhất và học phí chỉ bằng một tô hủ tíu là 20k. Mình bắt 2 chuyến xe buýt đến Cội Việt và nghe về văn hóa người Chăm, mê quá nên các lần sau rủ ba lên cùng nghe rồi cứ thế trở thành tình nguyện viên, học viên và thành viên của Cội Việt. Qua thời gian, Cội Việt đã phát triển thêm các dự án khác, có lúc làm field trips về miền Tây để học về văn hóa Nam Bộ, có lúc là chuỗi các khóa học về tư duy phản biện, có lúc dành hẳn 03 năm làm chuỗi chương trình Diễn xướng Nam Bộ và ra sách. Cho dù làm gì thì tinh thần chung vẫn là chiếc cầu nối cho giới hàn lâm và nhóm khán giả phổ thông. Bản thân mình, do hay đi chơi nên cũng quen biết với các anh chị hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, do vậy mà ngoài “thi triển” kiến thức văn hóa ở Cội Việt thì mình còn đi làm cho các bên giáo dục đó để có thể “dạy” trẻ con nước Nam hiểu về văn hóa của mình.
Lúc viết bài này thì mình đã nghỉ Cội Việt được gần 01 năm, dự án cuối cùng của mình với Cội Việt là ra mắt bộ sách “Đường vào Diễn xướng Nam Bộ” mà trong đó mình phụ trách quyển về Đờn ca tài tử. Hiện tại mình đang nộp đơn cho quỹ của Hội đồng Anh về lưu trữ, làm nội dung cho chuyến field trip của một trường THCS và hoàn thiện business model (mô hình kinh doanh) cho dự án của riêng mình sắp tới. Thực ra mình không tự tin lắm khi nói về công việc của mình phần nhiều vì thu nhập bấp bênh (gia đình vẫn đang hỗ trợ mình kha khá) nhưng ba mình luôn là người động viên mình cố gắng và kiên nhẫn nên mình vẫn tiếp tục đi con đường này. Mình nghĩ đây cũng là một khía cạnh mà các bạn trẻ nên lưu ý khi muốn đến với lĩnh vực này.
Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
08:00 – … | …Giờ này còn ngủ nè |
09:00 – 10:00 | Thức dậy, mở nhạc truyền thống/ hoặc podcast của lĩnh vực mình đang làm, vừa nghe vừa ăn uống. |
10:00 – 12:00 | Giải quyết các việc cần làm (trả lời email, soạn nội dung, phản hồi với đối tác, v.v.). Nếu không có gì thì sẽ đọc sách hoặc lên mạng.Nếu buổi chiều có đi học thì thời gian này dùng để chuẩn bị bài (mình đang học tiếng Hoa). |
12:00 – 01:00 | Nghỉ ngơi |
01:00 – 05:00 | Lại tiếp tục làm việc/ đọc sách/ trả lời tin nhắn/ đi hóng trong các hội nhóm trên Facebook để quan sát trends (xu hướng) và insight (góc nhìn) của người trẻ. Nếu không thì mình đi thăm diễn giả/ nhà nghiên cứu/ nghệ nhân, v.v. |
05:00 – 07:00 | Đi học, nếu không thì mình đọc sách hoặc tập đàn. |
07:00 – 08:30 | Nấu nướng, ăn tối |
08:30 – 09:30 | Học bài |
09:30 – 12:00 | Đọc sách |
Ghi chú: | Thực ra thì không có lịch cố định lắm đâu, và cũng tùy lúc. Mình hay đùa là “Nhiều khi rảnh quá trời rảnh mà tới chừng bận thì muốn tìm mặt không thấy ở đâu cả”. Việc của mình luôn đòi hỏi mình phải học thêm, bồi tụ thêm kiến thức và đi “hóng” trend để có thể sáng tạo nên các hoạt động tương tác, thổi hồn cho các chất liệu văn hóa nhìn có vẻ khô cứng. |
Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
Mình không hẳn là một người hoài cổ nhưng mình tìm thấy những giá trị chân – thiện – mỹ trong những ngày hồi xưa, bởi vậy mình luôn muốn cho những giá trị đó được tiếp nối ở thời hiện tại. Điều mình thích nhất ở công việc của mình đó là “có nội dung” khi nói chuyện với người khác, mình có thể là người kết nối một nhóm bạn xa lạ chưa biết nhau, cũng có thể ngồi uống trà nói chuyện với một người rất lâu. Công việc này mang đến cho mình cơ hội được gặp nhiều người thú vị: là những nhà nghiên cứu (dù “nghèo”) vẫn bền bỉ bám lấy công việc và luôn biết rằng mình làm điều này cho mai sau, là những nghệ sĩ lớn tuổi vẫn đau đáu với nghề, là những người thực sự sống (và trả giá nữa) cho đam mê của họ, là những câu chuyện hồi nẳm hồi năm mà những người này còn lưu lại, là những người bạn nước ngoài quan tâm đến Việt Nam và sau đó quyết định học tiếng Việt vì quá yêu thích văn hóa nước mình. Những “thành tựu” nhỏ đó cứ cháy râm ran trong tim mình, làm mình có muốn buông cũng không thể buông được. Nói sao nhỉ, tới một lúc nào đó, bạn làm điều gì đó vì bạn thực sự tin rằng bạn sinh ra để làm điều đó. Nói theo kiểu Nho gia một chút là ta đã tìm được chiếc ghế trong đời mình rồi.
Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?
Điều mình không thích nhất đó là đôi khi mình bị tự ti/ mặc cảm vì cảm giác không mang lại nhiều giá trị vật chất cho bản thân mình. Cùng thế hệ với mình thì những người bạn cùng lớp, cùng khối đã có thể mua xe mua nhà hết rồi :D. Mình vẫn biết công việc của mình như món trang sức của cuộc đời, nhưng đôi khi mình cũng bị mất kiên nhẫn khi nghĩ đến chuyện làm sao để văn hóa được trả cao hơn. Một điều mình không thích nữa (mà cũng là điều tự nhiên thôi) văn hóa luôn có mặt tốt và mặt xấu. Những khi chứng kiến những sự nhiễu nhương ở đời, thói hèn mọn ngông nghênh là lòng mình chịu không nổi vậy đó. Mình vẫn đang cố gắng để chấp nhận những điều này.
Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
Trước tiên phải thiệt là yêu mến văn hóa và thực lòng muốn dấn thân vì đây không phải là hành trình dễ dàng. Dù rằng hiện nay có rất nhiều nhóm bạn trẻ khởi nghiệp với văn hóa, nhưng với bối cảnh chung về kinh tế – xã hội thì văn hóa vẫn là một mảnh đất cần phải khai khẩn khá nhiều. Vậy nên rất cần chữ NHẪN.
Tiếp nữa cần có một lượng kiến thức nền tảng về các trục lịch sử thế giới – Việt Nam, về triết học, cần thêm ngoại ngữ (đọc hiểu và sử dụng được) cũng như khả năng tự học tốt. Ở đây đang nói tới chữ MỞ – mở lòng để đón nhận các kiến thức mới, có khả năng hệ thống hóa và liên tưởng để sáng tạo nên các nội dung.
Kỹ năng thì muôn trùng, biết được kỹ năng nào cũng đều có tác dụng. Giao tiếp là một kỹ năng quan trọng vì phải gặp rất nhiều nhóm người thuộc nhiều nhóm xã hội khác nhau, thậm chí thời đại khác nhau, cần phải biết cách nói chuyện để có thể hợp tác. Kỹ năng công nghệ cũng cần, kỹ năng làm việc nhóm/ làm việc cá nhân, quản lý thời gian, v.v. Đa phần đây là những kỹ năng để làm dự án mà mình được học và được thực hành từ trường Trung học và Đại học. Tóm lại là LINH HOẠT nè. Cũng cần phải biết về Marketing nữa nha.
Thái độ thì rất cần khiêm nhu và cầu thị, chính trực và khoan dung. Mình nghĩ không chỉ nghề này mà nghề nào cũng cần nhân trí tín lễ nghĩa. Ngoài ra cũng phải rất CAN ĐẢM nữa.
Nguồn tài liệu: Hmmm, có thể tìm được bằng cách nhìn vào đề cương Đại học dành cho sinh viên Liberal Arts. Học triết có trang triethoc.edu.vn (tiếng Việt), các trang tổng quan như The School Of Life, Crash Course, Brainy Pick, vv. Các bộ sách kinh điển về nhiều loại lĩnh vực khác nhau, từ đó đọc sâu vào lĩnh vực mà mình quan tâm. Trên hết vẫn phải gom thiệt nhiều vốn kiến thức từ người thật – việc thật xung quanh.
Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
Thực ra thì ít ai hiểu được mình làm cái gì nên cũng không có hiểu lầm. Mỗi khi giải thích công việc của mình, mình rất là mệt :))
Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
KHÔNG ạ, mà cần phải lấy ngắn nuôi dài dữ lắm đó.
Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
Thực ra mình chưa hẳn là một người “thành đạt” có “thành tựu” trong lĩnh vực này nên việc đưa lời khuyên có phần khập khiễng và quá khả năng của mình. Nếu có điều kiện, bạn hãy đến một nơi nào đó mà ít người nói tiếng mẹ đẻ (nước ngoài chẳng hạn), du lịch/ du học một chuyến để thấy rốt cuộc bản sắc của mình có gì và làm sao để người Việt ra nước ngoài có thể ngẩng cao đầu. Nhưng không nhất thiết phải làm việc như mình thì mới có thể chạm đến văn hóa, bạn hoàn toàn có thể làm những công việc khác mà vẫn đưa chất liệu văn hóa vào được. Ví dụ, nếu bạn là giáo viên ngữ văn, thay vì cho học sinh đọc “Lục Vân Tiên” thì có thể cùng học sinh nói thơ Vân Tiên, coi tuồng Cải Lương Kiều Nguyệt Nga chẳng hạn. Chung quy lại thì mình cũng không có lời khuyên nào lớn, chỉ có câu châm ngôn của ba mình thôi “Làm gì mà mình thấy vui thì làm”. Cheers.
Xem thêm buổi trò chuyện cùng khách mời ở video dưới đây:
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.