Thư viện “Người thật – Việc thật” là tập hợp các buổi trao đổi thực tế, những câu chuyện nghề được chia sẻ từ những khách mời đang làm về chính công việc đó. Thư viện được thu thập và sắp xếp theo các nhóm ngành nghề trên Bản đồ thế giới nghề nghiệp để các bạn có thể tham khảo được dễ dàng hơn.
Bài viết có tham khảo nội dung từ Hướng nghiệp Sông An.
Thông tin căn bản
- Tuổi: 29
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: Trên 10 năm
- Trình độ học vấn & chuyên ngành: Trung cấp múa
- Số giờ làm hằng tuần: 3-5 tiếng dạy lớp/tuần + toàn thời gian viết hồ sơ, kế hoạch cho các dự án cá nhân và những dự án cư trú sáng tác ở trong nước hoặc nước ngoài
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): Nghệ sĩ độc lập
Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?
- Làm việc độc lập để tìm hiểu, phát triển những phong cách thực hành cũng như hướng đi phù hợp với bản thân.
- Chia sẻ với cộng đồng những người có yêu thích về chuyển động hoặc phát triển những nhận thức về cơ thể với môi trường xung quanh qua chuyển động.
- Công việc hiện tại giúp mình có nhiều cơ hội tiếp xúc, làm việc ở những môi trường khác nhau, trong nước và ngoài nước.
- Giúp những người tiếp xúc trong lớp của mình có những trải nghiệm nhiều khía cạnh về cơ thể/ chuyển động hay những khán giả coi những tác phẩm của mình có thể xem hoặc nhìn nhận những hình thức biểu diễn mới.
Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
- Mình khởi đầu quá trình trải nghiệm khi tốt nghiệp trường Múa Việt Nam năm 2009, làm việc ở các công ty múa trong nước, rồi các cơ hội tại nước ngoài như Singapore và Thuỵ Sĩ (khoảng 5 năm).
- Sau đó, mình bắt đầu làm việc độc lập từ năm 2017-hiện tại. Công việc của một nghệ sĩ độc lập yêu cầu mình cần phải tự lên kế hoạch luyện tập, sáng tạo và trình diễn, tự tìm kiếm những kết nối với các nghệ sĩ, tổ chức để phát triển. Khó khăn và thử thách! Ví dụ việc tìm thông tin về các dự án, chương trình nghệ thuật ở trong nước và quốc tế giúp mình học cách xây dựng tính tự lập cao với bản thân, giao tiếp và kết nối, cách làm kế hoạch để xin tiền tài trợ,… Việc xoay sở với tài chính cũng sinh ra công việc là mở các lớp học về chuyển động cho cộng đồng nơi mình đang sinh sống. Điều này giúp mình mở rộng kiến thức và kĩ năng về giảng dạy, truyền đạt.
- Cuối cùng, ngoài sự đam mê, đầy sự tò mò về nghệ thuật và khả năng trong lĩnh vực múa/ trình diễn, mình cũng nhận thức được giá trị của nghề. Nghệ thuật khiến mình sống độc lập, có ý thức, có trách nhiệm với bản thân mình hơn, hiểu ra không ai giúp được mình ngoài chính bản thân mình. Và hiểu mình để kết nối tốt với những người xung quanh.
Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
Phần lớn thời gian mình đọc hay tìm hiểu về những phong cách thực hành nghệ thuật khác | |
Đi dạy các lớp học về chuyển động (2-3 buổi/ tuần) | |
Viết hồ sơ, lên kế hoạch cho các dự án cá nhân | |
Gặp gỡ bạn bè, đối tác cũ/ mới trong các lĩnh vực nghệ thuật để mở rộng quan hệ | |
Lên ý tưởng sáng tác, luyện tập, chuẩn bị cho các buổi trình diễn | |
Ứng biến theo kế hoạch phát sinh | |
Ghi chú | Lịch của mình không cố định thời gian, nhưng chủ yếu xoay quanh các đầu mục chính trên |
Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
- Tự do phát triển những ý kiến, suy nghĩ cá nhân qua những tác phẩm nghệ thuật.
- Được di chuyển tới những không gian, môi trường khác nhau để kết nối, tìm hiểu những cách thức làm việc của các nghệ sĩ hay tổ chức nghệ thuật khác.
- Trải nghiệm nhiều. Mỗi trải nghiệm đều cho mình những kiến thức và cảm nhận mới, rất khác nhau. Điều này thúc đẩy mình mở rộng hơn vốn kiến thức và xây dựng tính cách tự lập.
- Được chia sẻ những trải nghiệm luyện tập với những nghệ sĩ khác là một điều rất giá trị. Học tập từ nghệ sĩ khác giúp mình hoàn thiện hơn về cách thức tập luyện.
Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?
- Bị động nhiều về mặt tài chính. Khó có kế hoạch tài chính lâu dài.
- Chấn thương cơ thể.
- Áp lực, căng thẳng trong quá trình suy nghĩ, sáng tạo (nhưng ngược lại, mặt tích cực của điều này giúp cho việc sáng tạo tốt hơn).
- Bị hiểu sai hay thiếu tôn trọng từ những người làm việc ngoài ngành.
Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
- Điều cần nhất là sự kiên trì, đôi khi là lì lợm với những thứ mình đang làm.
- Kiến thức có thể tham khảo từ nhiều nguồn như: sách, mạng, quá trình sáng tạo của các nghệ sĩ khác. Nhưng mình sẽ học được nhiều nhất thông qua quá trình tự trải nghiệm. Tất cả những trải nghiệm tốt hoặc không tốt đều mang giá trị nhất định, dẫn tới việc tìm hiểu sâu hơn về bản thân, cách thức làm việc và định hướng rõ ràng hơn những việc phù hợp với bản thân.
- Vấn đề tài chính góp phần quan trọng trong cuộc sống, tuy nhiên trải nghiệm lại mang giá trị quý giá hơn, vì vậy không nên để thước đo tiền bạc làm chủ những mục đích hay sự đam mê của mình.
- Muốn tiến bộ trong công việc, cần mở lòng đón nhận những góp ý, chia sẻ chân thành, tốt xấu từ những người khác. Ngoài ra, cũng cần tìm hiểu/ thực hành những lĩnh vực nghệ thuật khác để tạo hứng thú cho bản thân và người học/ người xem.
Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
Có nhiều người so sánh hoặc cho rằng nghệ thuật múa kiếm được nhiều tiền, nổi tiếng như nghề ca hát, đóng phim….
Có nhiều người lại nghĩ múa là nghề “phụ hoạ” cho ca sĩ, “múa may quay cuồng” không có suy nghĩ, tư duy sâu sắc hay chỉ làm việc về cơ thể mà không làm việc về đầu óc…
Những ý kiến này được tạo ra từ góc nhìn của những người ngoài ngành, hoặc xuất phát từ chính những bạn diễn viên trẻ thiếu chuyên nghiệp và có nhận thức kém về nghề múa.
Thật ra khi mình chuyển hướng sang làm việc độc lập/ cá nhân điều đó cũng là sự “đồng ý” đối mặt với những khó khăn về mặt tài chính hay có những giai đoạn không có kế hoạch rõ ràng. Đặc biệt mình nói “không” với việc đi biểu diễn phụ hoạ cho ca sĩ…. Và chỉ tập trung vào việc gây dựng hướng làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp qua các giá trị như việc thực hành, sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật, mở các lớp học hay chuyên đề (workshop) về chuyển động để chia sẻ tới những người yêu bộ môn này. Nghề này nếu chỉ nghĩ đến việc kiếm nhiều tiền, chạy nhiều show và không kiên trì trau dồi kiến thức, hoặc “tôn trọng” chính bản thân mình và nghề của mình, thì không thể bắt đầu chứ đừng nói sống lâu dài trong ngành. Tuy nhiên định nghĩa giàu của mình bao gồm cả sự trải nghiệm, phát triển tư duy, sức ảnh hưởng. Về khía cạnh này, nghệ thuật giúp mình phát triển kiến thức và có những trải nghiệm thực sự giàu giá trị.
Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
Sẽ luôn có những khó khăn về tài chính khi mới ra trường hay thậm chí khi làm việc lâu năm.
Nhưng chẳng riêng gì ngành múa hay sáng tạo nghệ thuật, mà ngành nào thì nếu nghiêm túc, quyết tâm và có trách nhiệm với công việc của mình thì sẽ luôn có hướng phù hợp để mình phát triển.
Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
- Điều quan trọng là sự trải nghiệm của bản thân. Các bạn hãy luôn dấn thân vào từng trải nghiệm và cảm nhận quá trình đó đang giúp mình mở rộng kiến thức như thế nào.
- Đón nhận những điều mới mẻ xảy ra trong quá trình trải nghiệm/ làm việc. Đôi khi chúng mình không thích cảm giác hoang mang, mơ hồ về những thứ mình đang làm, nhưng chính những cảm giác hoang mang đó lại góp phần tích cực trong việc đặt nhiều câu hỏi có ích cho việc phát triển công việc mình đang làm.
- Đặt cao giá trị quá trình trải nghiệm cá nhân nhiều hơn là đặt mục tiêu kết quả. Bởi vì kết quả sẽ tự xảy ra trong những trải nghiệm của các bạn. Và đôi khi những trải nghiệm đó lại mở ra những điều thú vị mới, thay đổi suy nghĩ, hay mục tiêu mà bạn đã định ra.
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.