Thư viện “Người thật – Việc thật” là tập hợp các buổi trao đổi thực tế, những câu chuyện nghề được chia sẻ từ những khách mời đang làm về chính công việc đó. Thư viện được thu thập và sắp xếp theo các nhóm ngành nghề trên Bản đồ thế giới nghề nghiệp để các bạn có thể tham khảo được dễ dàng hơn.
Bài viết có tham khảo nội dung từ Hướng nghiệp Sông An.
Thông tin căn bản
- Tuổi: 63
- Giới tính: Nữ
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 40
- Trình độ học vấn & chuyên ngành:
- Cử nhân Lịch sử, ngành Khảo cổ học, trường Đại học Tổng hợp TPHCM, 1980.
- Tiến sĩ, ngành Khảo cổ học, Viện Khoa học Xã hội TPHCM (sau này là Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ), 1997.
- Các chứng chỉ chuyên môn Bằng Phó Tiến sĩ lịch sử – ngành Khảo cổ học của Bộ Giáo dục và Đào tạo (nay là Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ). Từ sau năm 1998 nhà nước đổi học vị Phó Tiến sĩ thành Tiến sĩ.
- Bằng Cao cấp lý luận chính trị, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 2005.
- Số giờ làm hằng tuần: hiện đã nghỉ hưu, giờ làm linh hoạt tùy theo công việc.
- Loại hình & quy mô công ty:
- Loại hình: Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM – Là cơ quan nghiên cứu khoa học trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố; có chức năng nghiên cứu, tham mưu và tư vấn cho Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố về các vấn đề thuộc lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường đô thị trên địa bàn thành phố. Cơ quan hưởng ngân sách nhà nước cho lương công chức viên chức, thực hiện đề tài Nghiên cứu Khoa học từ nguồn kinh phí của nhà nước cũng như từ đặt hàng của các tổ chức, các địa phương.
- Quy mô: có 4 phòng chuyên môn, 6 phòng và trung tâm chức năng khác. Có khoảng 120 công chức, viên chức, nhân viên hợp đồng.
Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?
Nơi công tác trước khi tôi nghỉ hưu là Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM. Đây là cơ quan nghiên cứu khoa học có chức năng tham mưu cho UBND TPHCM về các lĩnh vực Kinh tế – Văn hóa An sinh xã hội, Quản lý đô thị. Tôi giữ chức vụ Phó Viện trưởng, phụ trách lĩnh vực Văn hóa – Xã hội, kiêm Tổng Biên tập tạp chí Nghiên cứu phát triển của Viện.
Công việc cụ thể:
- Tham mưu, tư vấn xây dựng các đề tài NCKH thuộc lĩnh vực quản lý.
- Tham gia xây dựng chính sách về văn hóa, an sinh, quản lý đô thị.
- Trực tiếp chủ nhiệm một số đề tài NCKH về lịch sử – văn hóa, bảo tồn di sản đô thị.
Ngoài ra tôi tham gia giảng dạy về khảo cổ học, về văn hóa tại nhiều trường đại học, cao đẳng trong và ngoài TPHCM.
Hiện nay tôi là Giảng viên của trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM, chuyên giảng dạy về khảo cổ học và bảo tồn di sản.
Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
Những năm 1970 của thế kỷ trước, việc chọn ngành nghề không có điều kiện như hiện nay. Khi thi đại học, đa số các bạn chọn ngành nghề theo hướng dẫn của gia đình hoặc vài định hướng của xã hội bởi vì phần lớn sinh viên ra trường sẽ đi làm trong cơ quan nhà nước nên không có sự chênh lệch nhiều về thu nhập cũng như điều kiện khác.
Tôi thi vào Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1976 (lúc đó chưa đổi tên thành Đại học Tổng hợp TPHCM), chuyên ngành lịch sử vì đây là môn tôi học khá giỏi. Việc quyết định theo chuyên ngành Khảo cổ học của khoa Lịch Sử là vì tôi được theo học các Giáo sư rất giỏi nghề, tận tâm với sinh viên, định hướng và dạy cho tôi những phương pháp nghiên cứu mới, đồng thời cho chúng tôi cách nhìn mới về lịch sử và văn hóa Việt Nam.
Cuối năm 1980, tôi tốt nghiệp đại học, gia đình muốn xin cho tôi làm việc tại một Viện Nghiên cứu (vì có quen biết), nhưng tôi không đồng ý và chờ sự phân công của nhà trường.
Năm 1981 tôi được giữ làm giảng viên của trường Đại học Tổng hợp TPHCM. Tôi làm việc tại đây đến 1994 thì chuyển về bảo tàng lịch sử TPHCM, vì nơi đó đang cần người có chuyên môn về khảo cổ học, tôi sẽ phát huy tốt hơn khả năng của mình, dù làm việc sẽ vất vả hơn: đi khai quật di tích, đi sưu tầm cổ vật liên tục… Trong thời gian công tác tại bảo tàng lịch sử, tôi đã hoàn thành luận án Tiến sĩ về Khảo cổ học khu vực Cần Giờ – TPHCM, được bổ nhiệm là Phó Giám đốc Bảo tàng.
Năm 2005, Ủy ban Nhân dân Thành phố chuẩn bị cho việc thành lập Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, tôi được chuyển về công tác tại đây và đến 2008 được bổ nhiệm Phó Viện trưởng.
Là một công chức, do nhu cầu công việc cá nhân và yêu cầu của tổ chức, tôi đã có 3 lần chuyển nơi công tác. Nhưng ở cơ quan nào tôi cũng làm tốt công việc được giao, vì vừa là chuyên môn, đồng thời tôi cũng phải học hỏi nhiều để thích nghi với các môi trường, nhiệm vụ mới.
Tôi không “ân hận” khi phải chuyển công tác nhiều lần, vì cuối cùng tôi vẫn giữ được 2 yếu tố quan trọng: (1) Nghiên cứu và giảng dạy đúng chuyên môn và (2) Góp phần tích cực cho công việc chung của cơ quan, của thành phố. Vì vậy, nếu “bắt đầu” lại thì tôi vẫn chọn nghề/ngành này.
Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
Hiện nay công việc của tôi khá tự do, tuy vẫn nhiều việc. Một ngày của tôi bắt đầu từ khoảng 6.30, sau khi làm một số việc cá nhân và việc nhà, khoảng 8.00 tôi làm việc: đọc sách chuyên môn, viết công trình hoặc bài nghiên cứu khoa học. Từ 10.30 đến 12.30 sinh hoạt với gia đình, từ 13.00 tiếp tục đọc sách, hoặc viết bài, làm các công việc khác.
Thỉnh thoảng tôi dành buổi chiều nghỉ ngơi, xem phim ở TV, đọc sách văn học… Buổi tối tôi làm việc từ 19.30 đến khoảng 23.00. Đây là thời gian làm việc chính.
Nói chung lịch làm việc không cố định như vậy, vì tôi vẫn tham gia các cuộc họp, hội thảo hay những việc khác…
Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
Đối với việc nghiên cứu Khảo cổ học: luôn có những phát hiện mới qua mỗi cuộc khai quật, khảo sát giúp mở rộng tầm nhìn lịch sử, văn hóa, đặc biệt giúp cho việc giảng dạy được đổi mới, hấp dẫn hơn.
Đối việc công tác quản lý: phải xử lý nhiều vấn đề chuyên môn, nhân sự trong nhiều cơ quan nên tôi rèn luyện được tính kiên nhẫn, khách quan, đồng thời cũng dân chủ và cương quyết hơn. Người lãnh đạo nếu có sự công bằng, khách quan thì sẽ đoàn kết được mọi người, đồng thời cũng cần xử lý ngay với những hiện tượng xấu để bảo vệ cái tốt, người tốt.
Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?
Tôi không thích làm quản lý, vì trong cơ chế nhà nước rất khó để có thể thật sự khách quan, minh bạch trong công việc – như yêu cầu và phẩm chất của người nghiên cứu khoa học.
Lĩnh vực Khoa học Xã hội chưa được sự quan tâm đúng mức của nhà nước. Xã hội chưa hiểu đúng và đánh giá đúng về nó, vì vậy có những công trình nghiên cứu Khoa học Xã hội ít được xã hội biết đến cũng như chưa được ứng dụng trong chính sách, đời sống. Việc phải thuyết phục, giải thích, minh chứng cho những giá trị và việc cần phải bảo tồn di sản đô thị là một công việc khó khăn và nhiều khi vô ích là vì vậy!
Từ nhiều năm nay, những ngành xã hội nhân văn, kể cả sư phạm, bị xếp vào cuối bảng lựa chọn, nguyên nhân đơn giản: khó xin việc làm, mà có việc thì lương thấp dẫn đến khó sống, khó lập gia đình, khó thăng tiến… nói chung là khó đủ thứ. Thậm chí, bạn trẻ nào muốn học những ngành này cũng… khó ăn khó nói với gia đình, với bạn bè.
Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
Kiến thức lịch sử – văn hóa là nền tảng cho ‘vốn sống” bên cạnh kinh nghiệm, trải nghiệm cá nhân. Bởi vì kiến thức lịch sử – văn hóa giúp chúng ta xây dựng nhân cách, sự thích nghi với môi trường sống và làm việc, sự ứng xử nhân văn. Trong tất cả các công việc luôn có mối quan hệ giữa người với người, ở vị thế, mức độ khác nhau, nhưng nếu ta là một người “có văn hóa”, hiểu biết, khiêm nhường, thì chắc chắn những thiếu hụt về kiến thức chuyên môn hay kinh nghiệm nghề nghiệp sẽ mau chóng được khắc phục.
Chịu khó học hỏi, nhất là những kiến thức mới trong lĩnh vực của mình. Học từ người giỏi hơn, học cả từ người trẻ, nhỏ hơn mình, học từ xã hội… Cởi mở trong học hỏi thì sẽ có được nhiều kiến thức.
Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
Mọi người thường nghĩ việc nghiên cứu lịch sử hay khảo cổ học là không liên quan trực tiếp, hay không giúp ích gì cho cuộc sống hiện đại đang có nhiều vấn đề phức tạp. Hay nói một cách đời thường là nghiên cứu Khoa học Xã hội – Nhân văn không làm ra “tiền tươi thóc thật” ngay và luôn!
Đấy là cách nhìn khá thực dụng vì chỉ quan tâm đến đời sống vật chất trước mắt. Chính vì vậy mà thiếu tầm nhìn xa cho “phát triển bền vững”, vì Khoa học Xã hội cung cấp kiến thức để mở rộng tầm suy nghĩ, nối dài sự hiểu biết, giúp con người nhìn xa hơn về tương lai.
Riêng nghề khảo cổ thường được coi là nghề khô khan, chỉ biết đất cát với mộ cổ… Thực ra đây là một nghề rất thú vị, những người làm nghề này không hề khô khan mà trái lại, rất lãng mạn. Đặc biệt, đây coi là một nghề rất vất vả nhưng hầu như rất ít người bỏ nghề để làm việc khác. Đó là nhờ sự hấp dẫn của nghề cũng như mối quan hệ của đồng nghiệp trong nghề thường tốt đẹp.
Nghề nào cũng có những đặc thù riêng. Hầu hết những người theo nghề khảo cổ, nam hay nữ, đều do yêu thích công việc này. Và khi đã theo nghề rồi thì họ quen dần và chấp nhận những khó khăn vì đó là “nghiệp” của mình.
Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
Hiện nay nghiên cứu Khoa học Xã hội – Nhân văn nói chung hay theo nghề Khảo cổ học nói riêng thường làm trong các cơ quan nhà nước. Thu nhập không cao, sinh hoạt tạm đủ. Nhưng nếu bạn có gia đình thì nguồn thu nhập này không đủ. Nếu bạn có thể làm việc trong một số dự án quốc tế thì thu nhập khá hơn, nhưng đòi hỏi có kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ giỏi và biết cách thích nghi với môi trường làm việc khoa học nghiêm túc của nước ngoài. Bên cạnh đó, bạn có thể làm việc cho một số viện nghiên cứu tư nhân, bảo tàng hay nhà sưu tập cổ vật tư nhân thì thu nhập khá hơn nhưng hiện nay còn rất ít những tổ chức như vậy.
Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
Khuyên ai theo một nghề nào đó giống như mình đang “làm mai làm mối” vậy. Tôi không cho rằng một công việc hấp dẫn là công việc nhàn nhã hay kiếm được nhiều tiền. Quan trọng là các bạn hãy tự hỏi mình yêu thích nghề nào, vì sao? Mỗi nghề có sự hấp dẫn riêng cũng như khó khăn riêng, nếu thích thú thì cứ làm và đừng nghĩ, đừng cho rằng mình phải “hy sinh” vì nghề nghiệp – cũng như khi kết hôn với người mình yêu đâu ai gọi đó là “hy sinh”.
Nhưng không thể phủ nhận, làm nghề nào cũng cần có tố chất phù hợp nghề đó. Với nghề khảo cổ là sự say mê với những chuyến đi, tỉ mỉ và tinh tế trong công việc, cần có tính đồng đội cao bên cạnh trách nhiệm cá nhân. Nếu bạn nào thích nghề khảo cổ thì cứ theo học đi, đây là một ngành học rất thú vị! Thú vị vì được đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều. Ông bà mình đã dạy “đi một ngày đàng học một sàng khôn”.
Nghề nào cũng vậy, nếu mình làm tốt công việc dù nhỏ thì mình đã “được” thêm nhiều thứ: thỏa mãn sự ham mê, có thêm kiến thức, thêm hiểu biết, cuộc sống sẽ phong phú hơn, và quan trọng nhất là được sống với khả năng, nguyện vọng và sự đam mê của chính mình.
Cùng xem video buổi trò chuyện tại đây:
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.