Thư viện “Người thật – Việc thật” là tập hợp các buổi trao đổi thực tế, những câu chuyện nghề được chia sẻ từ những khách mời đang làm về chính công việc đó. Thư viện được thu thập và sắp xếp theo các nhóm ngành nghề trên Bản đồ thế giới nghề nghiệp để các bạn có thể tham khảo được dễ dàng hơn.
Bài viết có tham khảo nội dung từ Hướng nghiệp Sông An.
Thông tin căn bản – Khách mời: Võ Ngọc Tuyền
- Tuổi: 31
- Giới tính: Nữ
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 2 năm (chỉ tính kinh nghiệm làm về mảng nội dung)
- Trình độ học vấn & chuyên ngành: Cao đẳng ngành Ngôn ngữ Anh
- Số giờ làm hằng tuần: 14 giờ
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên):
Trung Tâm Hỗ Trợ Phát Triển Cộng Đồng LIN là một tổ chức phi lợi nhuận địa phương được thành lập vào năm 2009, với sứ mệnh củng cố hệ sinh thái thiện nguyện dựa vào cộng đồng thông qua việc vận động, kết nối và cung cấp nguồn lực cho các tổ chức phi lợi nhuận, các nhà tài trợ và tình nguyện viên tại địa phương để đóng góp cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?
Công việc chính hiện tại của mình tại LIN là phụ trách xây dựng nội dung để nâng cao nhận thức của công chúng và doanh nghiệp về thiện nguyện và lĩnh vực phi lợi nhuận tại Việt Nam. Bao gồm làm việc với các đối tác liên quan như doanh nghiệp, phi lợi nhuận, báo chí và đội ngũ sản xuất nội dung để tạo ra những nội dung gần gũi, thiết thực và hữu ích cho người đọc, xem và nghe từ LIN. Hy vọng giúp càng nhiều người ở Việt Nam hiểu và thực hành thiện nguyện một cách bền vững, lâu dài hướng đến một xã hội nhân văn và không ai bị bỏ lại phía sau.
Bên cạnh công việc tại LIN, mình cũng đang xây dựng một kênh podcast riêng mang tên “Dear Our Community”, với sứ mệnh mang đến những nội dung và trải nghiệm hữu ích giúp những người trẻ Việt Nam khai mở tiềm năng của chính mình để sống một cuộc đời hạnh phúc và ý nghĩa. Mình tin rằng những người trẻ không cần phải chọn lựa giữa việc thành công trong sự nghiệp và hạnh phúc cá nhân.
Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
Thật ra trước đây chưa bao giờ mình nghĩ có một ngày mình sẽ trở thành một người tạo nội dung, khái niệm sáng tạo nội dung trước đây chưa có nhiều người nói đến, nhưng mình là người khá thích viết, thích trải nghiệm và thích chia sẻ những trải nghiệm thú vị đến nhiều người, một trong những mong muốn sâu thẳm mà mình ít chia sẻ là có được những cơ hội trải nghiệm, quan sát, suy ngẫm về những đời sống bình thường xung quanh, để có thể chia sẻ những câu chuyện về những thân phận con người rất bình thường trong xã hội, dù vật lộn với cuộc sống hàng ngày nhưng luôn mang trong mình niềm hy vọng, nỗ lực cho một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân, gia đình và xã hội.
Trước đây, mình từng làm cho các công ty tư nhân trước khi tham gia với LIN – một tổ chức phi lợi nhuận địa phương thúc đẩy hệ sinh thái thiện nguyện tại Việt Nam. Cũng nhờ cơ hội làm việc tại LIN đã giúp mình gặp và lắng nghe được rất nhiều câu chuyện của những con người rất tuyệt vời, dù gặp nhiều trở ngại, khó khăn nhưng vẫn mong muốn đóng góp năng lực của chính mình để giúp đỡ những cộng đồng thiếu thốn và không có nhiều cơ hội. Những câu chuyện này mang lại động lực và năng lượng để mình tiếp tục đi trên con đường theo đuổi công việc mà mình cảm thấy vui, ý nghĩa và hạnh phúc. Chính vì vậy, mình nảy ra ý tưởng đem những câu chuyện này đến thật nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ Việt Nam, để các bạn sẽ có thêm những kiến thức, cảm hứng và động lực để bước đi trên hành trình của chính mình, tìm được sự hạnh phúc tự thân và có thể đóng góp khả năng của mình cho xã hội, như chính những trăn trở của bản thân mình ngày xưa. Vậy là podcast Dear Our Community được cho ra đời. Càng làm với Dear Our Community, mình càng thấy thích thú với công việc này vì chúng vừa thoả mãn được niềm mong ước trước đây của mình, vừa tạo cơ hội để mình có thể kể những câu chuyện hay ho và ý nghĩa về những con người bình thường với nỗ lực phi thường trong xã hội.
Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
08:00 – 08:30 | Thức dậy, ăn sáng, làm cà phê và chuẩn bị đi làm. Mình thường mở một tập podcast ngắn nào đó hay ho để nghe trong lúc chuẩn bị đi làm |
08:30 – 08:45 | Di chuyển đến công ty |
08:45 – 09:00 | Đọc tin tức về các chủ đề mình quan tâm như tác động xã hội, thiện nguyện, kinh tế, xã hội được gửi về từ Google Alert để cập nhật thông tin |
09:00 – 12:00 | Giải quyết những công việc còn tồn đọng, hoặc họp với team và các đối tác cho công việc hiện tại hay những dự án mới.Trò chuyện với đồng nghiệp trong khi nghỉ giải lao ngắn giữa chừng để thư giãn và cập nhật thông tin từ mọi người |
12:00 – 13:00 | Ăn trưa, nghỉ ngơi và trò chuyện với đồng nghiệp |
13:00 – 17:30 | Tiếp tục công việc còn dang dở và lên kế hoạch cho công việc trong những ngày còn lại.Suy nghĩ về những nội dung mà mình chuẩn bị thực hiện. |
17:30 – 17:45 | Di chuyển về nhà |
17:45 – 18:00 | Sửa soạn để chạy bộ (chạy bộ 3 lần/tuần) |
Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
Mình thích công việc hiện tại vì vừa đáp ứng được mong muốn làm ra những thứ có thể tạo ra giá trị cho người khác, vừa có không gian sáng tạo để thử nghiệm những cái mới, làm việc với những con người thú vị, có đam mê và tài năng để tạo ra những thành tựu ý nghĩa chung, qua đó cũng có thể tạo ra tác động và mang lại giá trị cho nhiều người nhất có thể.
Mỗi ngày thức dậy mình đều cảm thấy luôn có những thứ mới, thú vị mình có thể học và những thử thách mới mà mình phải nỗ lực vượt qua để trở thành phiên bản tốt hơn mỗi ngày.
Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?
Bản thân mình là một người không thích làm những công việc lặp đi lặp lại, hay làm ở môi trường không có cơ hội để có thể học những thứ mới và thú vị để phát triển. Mình cũng không thích làm những công việc mang tính hình thức, cũng như quá nhiều về lý thuyết mà ít có sự hành động cụ thể. Sau khi đã suy nghĩ và thật sự mong muốn thì mình thường bắt tay vào làm để tạo ra một điều gì đó dù nhỏ, thay vì cứ ngồi suy nghĩ về những ý tưởng mà không bao giờ thực hiện chúng.
Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu người lao động muốn thăng tiến trong công việc thì tôi nên trau dồi những gì ạ?
Để hoàn thành tốt công việc hiện tại trước tiên phải có kiến thức về lĩnh vực mình làm. Ví dụ, mình làm nội dung về thiện nguyện, phi lợi nhuận, tác động xã hội, phát triển thanh thiếu niên thì mình phải đào sâu, luôn tìm hiểu để học hỏi các khía cạnh kiến thức về những lĩnh vực này một các thấu đáo. Như vậy, kiến thức mình chia sẻ mới thật sự chất lượng và tạo ra giá trị cho người khác. Kế tiếp là rèn luyện cho bản thân những kỹ năng cần thiết để hoàn thành tốt công việc mình đặt ra, kỹ năng điều phối và quản lý mong đợi của các bên rất quan trọng trong công việc mà mình phải làm với nhiều người để hoàn thành một kế hoạch cụ thể và phát triển mối quan hệ hợp tác lâu dài. Kỹ năng học với mình cũng rất quan trọng, vì mỗi ngày kiến thức mới đều được cập nhật liên tục nên bản thân phải biết cách tiếp thu những kỹ năng mới khi cần để đạt được kết quả đặt ra và dẫn dắt sự thay đổi như mình mong muốn.
Thái độ và tư duy cũng là nền tảng cho sự phát triển của kiến thức và kỹ năng, một người sở hữu thái độ khiêm tốn, cầu thị, cùng tư duy mở và luôn nhìn thấy cơ hội trong mỗi thách thức sẽ giúp người ấy luôn chủ động trong công việc, có thể dễ dàng tiếp thu những kiến thức mới, những góc nhìn mới để phát triển bản thân. Một người làm công việc xây dựng mối quan hệ đối tác và nội dung như mình càng cần phải có thái độ cầu thị, biết lắng nghe và muốn học hỏi, như thế những sản phẩm, kết quả mình tạo ra mới thật sự gần gũi, mang lại giá trị cho những người mình muốn hướng đến.
Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
Mình nghĩ đa số mọi người nghĩ làm nội dung sẽ chỉ cần ngồi suy nghĩ ra các ý tưởng hay, ý tưởng mới là có thể tạo ra nội dung hay. Cá nhân mình nghĩ thì để có thể tạo ra nội dung thì người sáng tạo nội dung phải đọc và học rất nhiều kiến thức liên quan đến chủ đề mình đang nói, nỗ lực và siêng năng trong công việc mình làm để rèn giũa kỹ năng, cũng như phải va chạm với những thực tế trong cuộc sống, nói chuyện với những con người khác nhau trong xã hội để lấy chất liệu cho ý tưởng của mình. Mọi nội dung hay thường đến từ những chất liệu thật của đời sống hàng ngày.
Công việc này có giúp người lao động tự nuôi mình khi mới ra trường không?
Hiện tại nhu cầu tìm kiếm tài năng làm về nội dung hay và thu hút người xem đang càng ngày càng tăng với sự phát triển nhanh chóng của nội dung số và nền kinh tế số tại Việt Nam. Công việc này phù hợp với các bạn có những tư duy và góc nhìn mới cho những vấn đề khác nhau nên các bạn sinh viên mới ra trường sẽ khá phù hợp, vì các bạn sẽ có góc nhìn mới hơn so với người bị cuốn sâu vào lĩnh vực nào đó quá lâu . Có thể mức lương ban đầu chưa hẳn quá cao nhưng nếu bạn cố gắng nuôi dưỡng nền tảng kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức, chuyên môn vững chắc trong lĩnh vực này, cùng thái độ và tư duy tốt thì công việc này sẽ mang lại cho bạn không chỉ về sự ổn định về tài chính lâu dài mà còn nhiều cơ hội để bạn có được sự tự do và tạo ra những dự án hay ho, ý nghĩa cho riêng mình sau này.
Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho người đọc nếu họ muốn theo nghề này?
Mình nghĩ đối với bất kỳ công việc nào, nếu muốn thành công cũng đều cần sự kiên trì, nỗ lực cùng với tinh thần học hỏi, cầu thị. Không có công việc nào mà không có khó khăn, thử thách. Riêng với nghề sáng tạo nội dung tạo tác động xã hội thì mình nghĩ các bạn nên chịu khó va chạm, học hỏi, tìm tòi đào sâu về những vấn đề xã hội mà mình quan tâm một cách sâu sắc và bài bản. Từ những kiến thức, trải nghiệm này sẽ giúp các bạn có được những chất liệu từ đời sống thực tế để tạo ra những nội dung ý nghĩa và thật sự tạo ra tác động cho cộng đồng mình hướng đến.
Sự sáng tạo cũng vậy, nó không đến từ việc chúng ta ngồi suy nghĩ trong bốn bức tường phòng kín mà đến từ những trải nghiệm, từ quan sát thực tế trong cuộc sống, từ việc dám thử nghiệm chúng, cũng như sự sáng tạo phải đặt trọng tâm vào việc mang giá trị đến một ai đó hay một cộng đồng mình hướng đến. Vì vậy, việc cho rằng sự sáng tạo chỉ dành cho những người có tư duy thiên tài, những người đặc biệt là một nhận định không chuẩn xác. Sự thật là sự sáng tạo luôn có thể được nuôi dưỡng, được rèn luyện hàng ngày qua những thực hành của chúng ta trong cuộc sống.
Thành công không đến ngày một ngày hai mà đến từ những ai có tâm huyết và kiên trì với mục tiêu của mình.
Cùng xem video buổi trò chuyện tại đây:
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.