Thư viện “Người thật – Việc thật” là tập hợp các buổi trao đổi thực tế, những câu chuyện nghề được chia sẻ từ những khách mời đang làm về chính công việc đó. Thư viện được thu thập và sắp xếp theo các nhóm ngành nghề trên Bản đồ thế giới nghề nghiệp để các bạn có thể tham khảo được dễ dàng hơn.
Bài viết có tham khảo nội dung từ Hướng nghiệp Sông An.
Thông tin căn bản
- Tuổi: 31
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 7 năm quản lý phần mềm (6 năm quản lý dự án – Project Manager, 1 năm quản lý sản phẩm – Product Manager)
- Trình độ học vấn & chuyên ngành: Cử nhân công nghệ máy tính
- Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có):
- Số giờ làm hằng tuần: 40 giờ
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): Công ty phần mềm, hơn 500 nhân viên
Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?
Trách nhiệm của công việc này thay đổi tùy theo tính chất của sản phẩm, văn hóa của công ty, quy mô của sản phẩm / công ty, nên rất khó để giải thích cụ thể, những công việc chủ yếu sẽ gồm :
- Theo dõi, nghiên cứu số liệu của sản phẩm: tình hình sức khỏe của sản phẩm
- Theo dõi nghiên cứu tình hình thị trường: định vị sản phẩm của mình với các sản phẩm có liên quan trên thị trường
- Mang thêm giá trị mới cho sản phẩm và người dùng: phát triển mới hoặc cải thiện
- Cải thiện trải nghiệm người dùng
- Liên kết các bên có liên quan để cùng làm việc tốt nhất
- Liên tục nghiên cứu tìm hiểu để mang đến các giá trị có ích cho người dùng, cho sản phẩm
Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
Lúc đầu là vì ngành công nghệ thông tin hay công nghệ máy tính khá năng động, dễ tìm việc làm. Ngoài ra, ưu thế của mình là đa ngôn ngữ nên dễ tìm việc làm ở các công ty mang tính quốc tế.
Về sau vì được định hướng bởi công ty và năng lực khá phù hợp, nên đã chuyển từ kỹ sư phần mềm (Software Engineer) sang làm Chuyên viên phân tích nghiệp vụ (Business Analyst) (ưu thế ở khả năng giao tiếp và đa ngôn ngữ). Sau đó nhanh chóng chuyển sang làm Quản lý dự án vì công ty cũng đang cần và vì mình có khả năng thương thuyết, lên kế hoạch, giao tiếp trong nhóm và ngoài nhóm tốt.
Cuối cùng là vì đam mê muốn làm sản phẩm thay vì tiếp tục làm gia công phần mềm (outsource), nên đã làm bước đột phá chuyển sang làm Product Manager. Năng lực từ BA-PM có thể dùng lại được, nhưng cách suy nghĩ và tiếp cận hoàn toàn khác, nên hiện tại vẫn cần thích nghi dần.
Gia đình hay bạn bè không có ảnh hưởng nhiều đến các quyết định của mình, chủ yếu mình thấy cơ hội, thấy thích, thấy phù hợp thì mình tiến hành thôi. Có thể có yếu tố ảnh hưởng từ môi trường, xã hội, kinh tế và cả thị trường việc làm.
Mình có trên dưới 7 năm trong ngành IT, nhưng mình đổi chỗ làm có 1 lần thôi, công ty đầu tiên (6 năm kinh nghiệm BA-PM) cũng là công ty mình làm ngay sau khi tốt nghiệp. Hiện tại mình đang làm Product Manager ở công ty thứ 2 của đời đi làm.
Nếu chọn lại thì chắc mình cũng đi theo ngành công nghệ thông tin và cũng sẽ không làm kỹ sư. Mình thích các công việc mang tính điều phối, vận hành hơn, truyền cảm hứng cho người khác cùng thực hiện, cùng cam kết trên một nhiệm vụ gì đó hơn.
Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
Công việc Product Manager không trùng lặp theo ngày, mỗi ngày đều khác nhau: khá phù hợp với các bạn không thích công việc lặp đi lặp lại và thích sự cải tiến, đổi mới. Những nhiệm vụ chính luôn cần phải thực hiện như sau:
Đọc dữ liệu, phân tích tình hình sức khỏe của sản phẩm.Đặt câu hỏi: chuyện gì đang xảy ra, số liệu có đủ chưa, có đáng tin chưa, có giúp gì được cho mình không | |
Đọc phản hồi, nhận phản hồi đến từ nhiều phía: người dùng, các kết quả nghiên cứu, các đồng nghiệp, bạn bè, xem xét các ứng dụng trên internetĐặt câu hỏi: xung quanh mình đang có gì đáng ghi chú, mình đã làm tốt chưa | |
Theo sát các dự án đang tiến hành: trả lời các câu hỏi của nhóm, cập nhật tài liệu mô tả yêu cầu, chờ các bản test để dùng thử, phản hồi lại cho đội lập trình viên, suy nghĩ & thảo luận cùng đồng đội khi có các mối bận tâm… | |
Lên kế hoạch làm các tính năng mới, hoặc cải thiện chức năng cũ. Liên lạc với các bên để lên ý tưởng, nhờ sự trợ giúp nếu cần | |
Đọc các tài liệu, sách vở có liên quan đến công việc để tìm cách cải thiện bản thân, cải thiện cách làm việc hiện tại | |
Thời gian làm việc | 5 ngày/ tuần, từ 9h30-6h30.Tùy tình hình dự án, nhiệm vụ, vấn đề, mà có thể về muộn hơn. Có khi phải ra ngoài để phỏng vấn người dùng khi có dự án cần ý kiến người dùng. |
Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
- Phải liên tục cải thiện bản thân để kịp ứng phó với các bất ngờ.
- Luôn ghi nhận các phản hồi một cách khách quan nhất, như một cơ hội để cải thiện sản phẩm.
- Thường xuyên được truyền cảm hứng bởi những yếu tố nhỏ nhặt nhất.
- Đôi lúc cơ hội đến từ những thứ mình không ngờ nhất.
- Sự phối hợp ăn ý trong đội ngũ làm sản phẩm.
Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?
Công việc đôi lúc quá tải: một dự án đang tiến hành thì 2-3 dự án mới đang phải nghiên cứu, rồi nhiều khi các vấn đề cũ quay lại.
Bị choáng ngợp bởi quá nhiều thông tin khiến việc ra quyết định rất mệt mỏi, đôi lúc cũng không biết phân tích thông tin như thế nào.
Luôn phải tỏ ra cứng rắn trên quan điểm của mình, dù mình là người thích hòa giải, nhưng vì các giá trị lợi ích của người dùng, của sản phẩm, mà mình phải cứng rắn trong khá nhiều hoàn cảnh.
Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
Vì là một công việc trong ngành công nghệ phần mềm, nên kiến thức nền về phần mềm, internet là điều bắt buộc phải có.
Tiếp theo là nên trang bị cho mình khả năng đọc hiểu tốt Tiếng Anh vì ngành này còn khá mới ở Việt Nam, cần phải tự trau dồi kiến thức từ các bài viết, tạp chí, sách tiếng Anh khá nhiều.
Các kỹ năng mềm như: đàm phán, giao tiếp (nói, viết, ngôn ngữ cơ thể …), điều phối thảo luận nhóm (brainstorming facilitator), điều phối các cuộc họp… cũng là yếu tố không thể thiếu.
Các kỹ năng cũng nên cân nhắc để giúp mình tiến nhanh: phân tích dữ liệu, lên biểu đồ / hệ thống hóa thông tin, chút xíu kỹ năng về chỉnh sửa hình ảnh, quản lý dự án v.v.
Các thái độ nên có: tinh thần tiếp nhận phản hồi một cách khách quan. Luôn cầu toàn, cầu tiến.
Tài liệu thì nhiều lắm và còn tùy vào văn hóa công ty hay tính chất của sản phẩm, tuy nhiên có thể tham khảo một số nguồn dưới đây để có một ý tưởng phổ quát:
https://hbr.org/2017/12/what-it-takes-to-become-a-great-product-manager
https://www.linkedin.com/learning/becoming-a-product-manager/what-is-a-product-manager
Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
Một là, Product Manager* là một người quản lý: công việc này không yêu cầu phải quản lý nhân lực. Nói đúng hơn công việc này như làm dâu trăm họ: dùng kiến thức, số liệu, bằng chứng để kết nối các đội nhóm, nhóm công việc có liên quan để hình thành giá trị mới. Nên một số công ty đã có xu hướng đổi tên công việc này thành Product Owner*, hay Product Leader*… nhưng cũng tạo ra một số sự hiểu lầm khác nữa.
Hai là, bạn cần phải làm các vị trí cấp thấp rồi mới làm Product Manager được. Vì Product manager không phải là một vị trí cấp cao, nó chỉ là một công việc, một vị trí bình thường trong một công ty làm sản phẩm thôi. Nên khi mới ra trường, nếu tư duy phù hợp và kỹ năng khá đủ rồi thì có thể làm Fresher product manager* được rồi. Trong khi hành nghề, có thêm kinh nghiệm thì sẽ tăng dần về thâm niên trong nghề và trách nhiệm: đảm nhận các tính năng / sản phẩm lớn hơn, hoặc làm nhiều tính năng / sản phẩm hơn, được tự chủ hơn trong việc ra quyết định …
Ba là, làm product manager phải có MBA. Thực tế, số product manager hiện tại ở Việt Nam nói chung đến từ đủ các nhóm ngành và mức độ bằng cấp: thiết kế, trải nghiệm người dùng (UX), kỹ sư, ngoại thương, kinh tế, công nghệ thông tin, khởi nghiệp trẻ …
(* Chức danh chuyên môn trong lĩnh vực này)
Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
Thị trường khá phức tạp nên khó nói. Tuy nhiên, nếu bạn đã chọn làm PM (Product Manager) rồi thì cuộc sống của bạn cũng nên là sản phẩm do chính bạn quản lý: bạn tự quản sao cho bạn đủ sống.
Nói cao to vậy thôi, chứ công việc này yêu cầu khá cao (về kỹ năng, về tư duy, về tùm lum thứ), nên khi bạn lọt vào tầm ngắm của nhà tuyển dụng thì thu nhập của một bạn mới ra trường không thể thấp hơn các nhóm công việc thông dụng khác đâu.
Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
Công việc Product Manager, cũng như các công việc khác thôi, bạn phải không ngừng học tập và cải thiện bản thân. Nếu không muốn nói là bạn phải biết hầu hết tất cả mọi công việc của các nhóm mà bạn sẽ làm việc chung. Nhiều khi bạn còn phải biết giỏi hơn các vị trí tầm trung đang làm công việc đó nữa.
Ví dụ: PM hay làm việc chung với đội nghiên cứu trải nghiệm người dùng (UX), Thiết kế, và Kỹ sư. Nên PM phải biết UX làm gì và phải hiểu thấu đáo công việc của UX ít nhất cũng 50-70%, để dễ trao đổi với họ, đôi bên cùng thấu hiểu cho nhau, tự đánh giá được kết quả nghiên cứu một cách khách quan.
Ngoài ra, có một cái tiến thoái lưỡng nan ở công việc này là: bạn phải nắm giữ chính kiến của mình, nhưng không được quá cứng nhắc, nếu không bạn sẽ bị rơi vào cái bẫy của sự cố chấp không chịu thay đổi, không chịu lắng nghe
Cuối cùng, công việc này thường nghe chê nhiều hơn khen: nên tiếp nhận lời chê một cách khách quan, để biến nó thành cơ hội phát triển sản phẩm, chứ không nên nghĩ là họ chê mình kém. Đặc biệt là khi nhận được lời khen thì càng nên cẩn trọng, điều đó có thể khiến bạn chủ quan và bỏ lỡ các cơ hội để mình có thể làm tốt hơn nữa cái mình đang làm tốt.
Mình xin trích 1 câu quote mà mình rất tâm đắc: “Pursue something so important that even if you fail, the world is better off with you having tried.”
Làm công việc PM thì một điều chắc chắn là bạn sẽ không chắc chắn gì cả, nhưng bạn phải làm, bạn phải thử, bạn phải học từ các thất bại của mình. Và ngay cả khi bạn thất bại, thì cuộc sống này cũng đã tốt đẹp hơn rồi vì bạn đã thử, đã làm, đã không bỏ cuộc.
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.