Thư viện “Người thật – Việc thật” là tập hợp các buổi trao đổi thực tế, những câu chuyện nghề được chia sẻ từ những khách mời đang làm về chính công việc đó. Thư viện được thu thập và sắp xếp theo các nhóm ngành nghề trên Bản đồ thế giới nghề nghiệp để các bạn có thể tham khảo được dễ dàng hơn.
Bài viết có tham khảo nội dung từ Hướng nghiệp Sông An.
Thông tin căn bản
- Tuổi: 28
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 6 năm
- Trình độ học vấn & chuyên ngành: Cao đẳng, Thiết kế đồ họa & Truyền thông đa phương tiện (Graphic Design & Multimedia)
- Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có): Sản xuất truyền thông (Media Production)
- Số giờ làm hằng tuần: không cố định, tùy theo thời điểm trong năm, tùy theo yêu cầu công việc hoặc dự án…
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): công ty sản xuất và kinh doanh phim điện ảnh (phim chiếu rạp); tổng số nhân viên cơ hữu (in-house): 24 người
Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?
Tổ chức, điều phối sản xuất các dự án phim điện ảnh và các sản phẩm truyền thông phục vụ cho chiến lược marketing, quảng bá, phát hành phim điện ảnh của công ty.
Các sản phẩm truyền thông phục vụ cho chiến lược marketing phim bao gồm: “viral clip”, TVC (Television Commercials), MV (Music Video), phỏng vấn nghệ sĩ, “behind the scenes”; các sự kiện giao lưu với khán giả, giới chuyên môn, các cơ quan truyền thông (họp báo, talk show); chuỗi sự kiện ra mắt phim (premiere) tại các hệ thống rạp chiếu và các liên hoan phim…
Công việc tổ chức sản xuất bao quát phạm vi rất rộng, nhưng có thể quy về 3 nhóm công việc chính: con người, thời gian và tiền bạc.
- Con người: tìm kiếm, tuyển dụng và điều phối nhân sự phù hợp cho từng dự án phim.
- Thời gian: tổ chức, sắp xếp lịch sản xuất phim theo từng giai đoạn (phát triển, tiền kỳ, quay phim, hậu kỳ, phát hành).
- Tiền bạc: quản lý ngân sách để đáp ứng được trọn vẹn các yêu cầu chi tiêu trong tiến trình sản xuất (thù lao cho nhân sự, thuê/mua thiết bị, đạo cụ, chi phí dàn dựng bối cảnh, bản quyền, giấy phép, chi phí truyền thông, quảng bá, phát hành…).
Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
Khi chọn ngành Thiết kế đồ họa & Truyền thông đa phương tiện, bản thân mình không có ý định sẽ đi làm về phim ảnh sau khi tốt nghiệp. Ý định ban đầu là sẽ trở thành một “designer” (nhà thiết kế), hoặc một “3D artist” (họa sĩ 3D), có thể làm 3D cho phim, nhưng cũng có thể làm game hoặc kiến trúc. Sau thời gian học thêm một khóa ngắn hạn về Sản xuất Truyền thông và tiếp xúc với các giảng viên là “người trong nghề” thuộc giới làm phim, mình được một số người khuyến khích đi theo hướng điện ảnh – truyền hình. Vì một lý do nào đó, họ đánh giá là mình có thể tiến xa trong nghề. Vào giai đoạn thực tập, mình đã quyết định đi theo con đường được họ dẫn dắt, vào thực tập trong một công ty sản xuất phim và từ chối lời mời thực tập vị trí “graphic designer” từ một tạp chí nổi tiếng.
Người nhà cũng khá lo lắng khi mình mới bắt đầu bước chân vào con đường làm phim. Cha mẹ nào cũng lo khi thấy con mình lúc thì đi lang thang ngoài đường cả ngày, lúc thì đi theo đoàn phim lên rừng xuống biển, thức khuya ngủ ngày, gầy gò, sương gió hẳn đi. Tuy nhiên, mình may mắn luôn được gia đình tôn trọng mọi quyết định quan trọng trong cuộc sống. Điều đó cũng là động lực để mình có trách nhiệm với quyết định của bản thân và theo đuổi đến cùng con đường mình chọn.
Nếu được chọn lại, mình vẫn quyết định đi theo con đường làm phim. Vì đây là công việc khiến mình luôn cảm thấy có thể dành hết tâm huyết và thời gian để hoàn thành trọng trách, phấn đấu đạt đến những cột mốc mới, những thành quả mới.
Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
09:00-12:00 | Họp với các quản lý đồng cấp và cấp trên. Tiếp nhận thông tin, dữ kiện, dữ liệu, sản phẩm được đội ngũ sáng tạo (quay phim, dựng phim, thiết kế, kịch bản…) cung cấp vào đầu ngày. Các thông tin, dữ liệu này có thể hoàn toàn mới, hoặc đã được chỉnh sửa dựa trên phản hồi từ lần họp trước. Phân tích và bàn bạc để quyết định bước tiếp theo cần thực hiện. |
12:00- 13:00 | Nghỉ trưa (ăn trưa, uống cafe, nói chuyện phiếm…) |
13:00- 18:00 | Họp với đội ngũ sáng tạo và truyền đạt thông tin được tổng hợp từ buổi họp sáng. Thảo luận và vạch ra những đầu việc cần thực hiện để chỉnh sửa, cải tiến sản phẩm, tìm kiếm thông tin, dữ liệu… Quyết định mốc thời gian dự kiến hoàn thành công đoạn tiếp theo. |
18:00- sáng hôm sau | Trong giai đoạn nước rút của dự án, có thể phải thường xuyên túc trực trên Viber, Whatsapp, Messenger, Zoom để xử lý nhiều tình huống cần phản ứng nhanh và chính xác, cần sự bàn bạc và thống nhất ý kiến từ các vị trí chủ chốt của dự án.Ngoài thời gian “chạy nước rút” này, việc nhắn tin hay email liên quan đến công việc sau 18:00 có thể bị đánh giá không tốt, trừ trường hợp cần đưa thông tin tối quan trọng. |
Ghi chú: | Thông thường sẽ làm việc 5 ngày/tuần. Giai đoạn nước rút của dự án là làm việc 24/7. |
Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
Trong công việc, mình được gặp gỡ những người khá thú vị, đa dạng về tính cách, tài năng, được đối thoại và làm việc với những nghệ sĩ có tính sáng tạo cao và góc nhìn độc đáo, hay với những người quản lý có tầm nhìn chiến lược, khả năng đọc tình hình và giải quyết vấn đề phức tạp.
Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?
Khó dành thời gian cho gia đình và các mối quan hệ cá nhân. Do công việc không cố định về thời gian và những giai đoạn công việc bận rộn nhất luôn rơi vào các dịp lễ tết, là thời điểm gia đình, bạn bè quây quần họp mặt.
Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
Kiến thức: đương nhiên kiến thức về điện ảnh là mảng không thể thiếu. Tuy nhiên, không phải như đạo diễn, biên kịch hay diễn viên là những người tiếp cận phim ảnh dưới góc nhìn nghệ thuật, với tư duy kể chuyện bằng ngôn ngữ điện ảnh (hình ảnh, âm thanh, nhịp điệu…), người tổ chức sản xuất nhìn phim ảnh dưới góc độ của người quản trị dự án, tạo dựng và duy trì một hệ thống chặt chẽ, ổn định để tạo nền tảng vững chắc, đáng tin cậy cho những người làm công việc sáng tạo trong dự án có không gian thoải mái và an tâm để sáng tác. Do đó, những kiến thức về quản trị đóng vai trò quan trọng nhất: xây dựng kế hoạch, điều hành nhân sự, quản lý tài chính, ngân sách…
Những kiến thức hữu ích khác bạn nên tìm hiểu: thông tin về thị trường điện ảnh (tên tuổi, quy mô, danh tiếng, đặc thù của các “production house” (nhà sản xuất) có dự án thực hiện tại Việt Nam, sử dụng nhân sự Việt Nam; các hệ thống phát hành phim lớn nhỏ trong nước và quốc tế; thị trường nhân lực…); kiến thức về kỹ thuật (các dòng và thương hiệu thiết bị phổ biến, từ cao cấp đến bình dân; các đơn vị cung cấp, cho thuê thiết bị, nhân sự kỹ thuật; các “post house” cung cấp dịch vụ hậu kỳ, dựng phim, hòa âm phối khí, thực hiện kỹ xảo/VFX/3D, color grading); những kiến thức đặc thù về sản xuất dự án phim (hệ thống nhân sự đoàn phim, khung ngân sách dự án, quy trình sản xuất phim và các sản phẩm truyền thông khác…).
Một số website hữu ích về kiến thức chuyên môn trong ngành phim:
https://www.studiobinder.com/category/producing/
Kỹ năng: làm việc nhóm và làm việc dưới áp lực lớn (về thời gian, khối lượng và độ phức tạp) là hai điều quan trọng nhất. Khả năng giao tiếp và thuyết phục tốt cũng là một điểm cộng, do công việc yêu cầu phải tiếp xúc với nhiều người thuộc nhiều lĩnh vực và thực hiện nhiều cuộc đàm phán, thương lượng.
Thái độ: bạn cần cân bằng giữa phong thái nghiêm túc, chuyên nghiệp và sự phóng khoáng, hòa đồng, vui vẻ. Nhân sự trong đoàn phim bao gồm nhiều thành phần với tính cách khác biệt và đặc thù công việc khác nhau, từ những người quản trị, người lên kế hoạch “đầu đầy sạn”, thực dụng cho đến những nghệ sĩ làm việc với nhiều sự ngẫu hứng và cảm tính. Suy nghĩ tích cực kết hợp hài hòa với tư duy thận trọng sẽ giúp bạn tồn tại và tiến xa trong môi trường đoàn phim phức tạp và nhiều áp lực.
Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
Khá nhiều người hứng thú với việc được gặp gỡ và làm việc với những nhân vật nổi tiếng trong giới nghệ sĩ, showbiz, những “người của công chúng”. Đúng là bạn có cơ hội được gặp nhiều người nổi tiếng, nhưng sự khác biệt giữa việc diện kiến họ trên màn ảnh, báo chí với chuyện làm việc với họ đôi khi là một khoảng cách khá lớn. Có những người chuyên nghiệp và bạn muốn làm việc với họ trong tất cả mọi dự án bạn tham gia, nhưng cũng có những người khác, bạn làm việc với họ một lần và không bao giờ muốn gặp lại.
Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
Thời gian đầu thường sẽ gặp rất nhiều khó khăn do thu nhập không ổn định và công việc vất vả, nhiều áp lực, với lịch làm việc thất thường và dày đặc. Sau một thời gian, bạn có thể xây dựng được một tư duy quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, sử dụng thời gian và tiền bạc hợp lý. Nếu bạn giỏi, việc “tự nuôi” bản thân sau 2-3 năm trong nghề không quá khó khăn, và việc dư dả ít nhiều để nâng cao chất lượng cuộc sống, hay để dành tiền cho những dự định cá nhân (nhà, xe, hôn nhân, du học…) là hoàn toàn khả thi.
Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
Công việc trong ngành phim nói riêng, hay truyền thông nói chung, mang một vẻ ngoài hào nhoáng, nhưng công việc thực chất của bạn là đứng sau hậu trường, đứng trong bóng tối. Trong ngành chúng tôi, mọi người thường nói câu này: “We fight in the dark to serve the light”.
Nói đến những áp lực và khó khăn của nghề làm phim, bạn sẽ cảm thấy đây là một công việc cực khổ, khắc nghiệt, nhưng thật sự thì nghề làm phim “cực mà vui”. Khi dấn thân vào nghề này, bạn sẽ cảm nhận được niềm vui trong cả chặng đường và đích đến. Mỗi dự án đều là một hành trình dài và đầy những bất ngờ thú vị. Giai đoạn thực hiện dự án nhiều vất vả, khó khăn nhưng tràn đầy những khoảnh khắc, thời điểm không thể nào quên. Khi dự án hoàn thành, bạn sẽ có được niềm vui khó tả khi tên mình xuất hiện trong “credits” (danh sách cá nhân/đơn vị đóng góp) của một chương trình, một bộ phim, MV thành công. Trong những năm tháng làm nghề, mình đã gặp khá nhiều trường hợp bỏ nghề vì cảm thấy mệt mỏi với những áp lực dồn dập và môi trường khắc nghiệt, nhưng sau đó đều trở lại vì nhớ nghề, nhớ không khí đoàn phim.
Nếu bạn hướng đến một cuộc sống đơn giản, bình yên, mình khuyên không nên đi vào con đường này. Nhưng nếu bạn muốn sống một cuộc đời đáng nhớ, nhớ đến từng năm từng tháng với tất cả những câu chuyện thú vị, hãy bước vào thế giới của chúng tôi, những người làm phim “ăn cơm dưới đất, nói chuyện trên trời”.
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.