Thư viện “Người thật – Việc thật” là tập hợp các buổi trao đổi thực tế, những câu chuyện nghề được chia sẻ từ những khách mời đang làm về chính công việc đó. Thư viện được thu thập và sắp xếp theo các nhóm ngành nghề trên Bản đồ thế giới nghề nghiệp để các bạn có thể tham khảo được dễ dàng hơn.
Bài viết có tham khảo nội dung từ Hướng nghiệp Sông An.
Nghề trình dược viên là làm gì? Công việc cụ thể của trình dược viên là làm gì? Đây chắc hẳn là thắc mắc của nhiều người trẻ có hứng thú với ngành nghề này và mong muốn được trở thành một trình dược viên trong tương lai.
Để hiểu hơn về công việc này, hãy cùng Tuhoc.com.vn tìm hiểu thông tin qua bài viết này nhé!
Giới thiệu về công việc Trình dược viên
Trình dược viên là những người môi giới thuốc (kinh doanh thuốc). Họ sẽ giới thiệu và hướng dẫn cho bác sĩ, dược sĩ tác dụng, cách sử dụng của những loại thuốc mới có mặt trên thị trường để thuyết phục khách hàng nhập sản phẩm. Trong tiếng Anh, trình dược viên là Pharmaceutical Sales Representative.
Kênh phân phối chủ yếu của trình dược viên là các nhà thuốc, phòng khám, cơ sở y tế, bác sĩ, v.v. Và họ sẽ ít làm việc trực tiếp với người bệnh.
Nghề và ngành dược đang nằm trong top các ngành dễ xin việc làm tại Việt Nam, nên bạn nên nắm lấy cơ hội này nếu như đang theo đuổi nghề trình dược viên.
Cùng hiểu thêm về nghề Trình dược viên qua phần trò chuyện cùng khách mời dưới đây nhé.
Phỏng vấn khách mời về công việc làm Trình dược viên
Thông tin khách mời
- Tuổi: 26
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 3
- Trình độ học vấn & chuyên ngành: Dược sĩ chuyên ngành Quản Lý Cung Cứng
- Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có):
- Số giờ làm hằng tuần: 40 giờ
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): Đa quốc gia 110.000 nhân viên (2018)
Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?
- Trách nhiệm chính:
- Mang về doanh thu cho Công ty
- truyền tải và xây dựng hình ảnh công ty tới khách hàng
- Công việc này mang lại 3 giá trị chính cho 3 nhóm đối tượng:
- Công ty: tăng doanh thu, hiểu rõ khách hàng hơn từ những phản hồi của trình dược, xây dựng hình ảnh đẹp với khách hàng
- Bệnh viện, chuyên gia y tế: Cập nhật kiến thức khoa học mới, xử lý vấn đề liên quan đến thầu, chậm giao hàng
- Bệnh nhân và cộng đồng: góp phần cung cấp kiến thức khoa học, giúp bác sĩ đưa ra lựa chọn tốt nhất cho bệnh nhân.
Anh/chị bắt đầu vào nghề Trình dược viên như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
- Trước khi các bạn sinh viên Dược chuẩn bị tốt nghiệp, các công ty dược đã gọi các bạn đi phỏng vấn. Chị được công ty dược đa quốc gia gọi phỏng vấn cho vị trí trình dược viên và đã đậu phỏng vấn. Chi gắn bó với nghề từ đó tới giờ đã được 3 năm.
- Đa phần sinh viên Dược ra trường nếu có hứng thú với định hướng kinh doanh dược phẩm đều lựa chọn nghề trình dược viên để bắt đầu, từ đó tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để đi lên các vị trí cao hơn.
- Thời điểm đó, các anh chị khóa trên đa phần đều đi theo ngành này nên từ trước khi ra trường chị đã định hướng sẽ làm trình dược viên sau khi tốt nghiệp.
- Nếu được chọn lại chị vẫn lựa chọn theo con đường này. Nó đã cho chị rất nhiều thứ từ kinh nghiệm sống, mối quan hệ, cho tới nguồn thu nhập ổn định khá cao.
Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
6:30 – 7:00 | Di chuyển đến bệnh viện A |
7:00 – 8:00 | Trao đổi ngắn với các bác sĩ trước khi bác sĩ khám bệnh |
8:00 – 10:30 | Di chuyển đến các bệnh viện khác, quan sát hoạt động các phòng ban, các ca trực bác sĩ và các thông tin liên quan đến Khoa Dược (trong lúc bác sĩ đang khám bệnh). |
10:30 – 12:00 | Trao đổi chuyên sâu về quan điểm điều trị của các bác sĩ sau khi khám bệnh xong |
13:00 – 17:00 | Thời gian linh hoạt, có thể về công ty họp, hoặc chuẩn bị giấy tờ hành chính |
Ghi chú | Giờ làm việc của Trình dược viên linh hoạt, phụ thuộc rất nhiều vào thời gian biểu của các bác sĩ, nên không có 1 lịch làm việc cố định. |
Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
Theo chị, có 4 đặc thù nghề nghiệp mà chị thích nhất là:
- Thu nhập: thu nhập Trình dược viên (lương và thưởng) cao hơn mặt bằng chung của ngành Dược
- Thời gian: linh hoạt, dễ dàng sắp xếp cân bằng công việc và gia đình
- Mối quan hệ: được tiếp xúc và xây dựng mối quan hệ tốt với các bác sĩ giỏi
- Gặp gỡ nhiều người: mỗi người lạ là một câu chuyện hay ho và góc nhìn mới về cuộc sống, có người tốt người không, và như thế mình hiểu thêm về cách cuộc sống và con người vận hành với nhau.
Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?
- Chính vì thời gian làm việc linh hoạt, nên 10h tối mà có việc cũng phải mò dậy làm
- Đặc thù nhân viên kinh doanh là đầu tàu nhận phản hồi từ khách hàng, bệnh viện, bác sĩ về những sản phẩm dịch vụ của công ty, nên đôi khi phản hồi sẽ rất gay gắt và tiêu cực. Điều này sẽ làm một ngày làm việc bỗng dưng nặng nề hơn.
- Di chuyển giữa các bệnh viện, thường tầm 9-12h trưa, thời điểm kẹt xe và nắng nóng, bụi bẩn và tia UV rất cao, so với công việc văn phòng máy lạnh lọc khí thì không vui chút nào.
- Chờ đợi các bác sĩ quá lâu.
- Môi trường bệnh viện không phải là một môi trường tốt, có nhiều mầm bệnh, vi khuẩn kháng…
Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
Những điều kiện để hoàn thành công việc tốt:
Có kiến thức về Dược, nhưng đừng nghĩ mình quá giỏi, sinh tâm thế hiểu biết hơn người. Điều này sẽ gây khó trong giao tiếp và hạn chế hiệu quả trong việc lấy được các góc nhìn chuyên sâu. Em cần biết vừa đủ để tạo câu hỏi và đặt vấn đề.
- Kiến thức về công ty phải nắm rõ để ứng xử, phản hồi nhanh
- Kỹ năng thuyết phục khách hàng: có thể tự đọc thêm ngoài chương trình học
- Thái độ tích cực, chủ động (can-do attitude), luôn tươi cười với bác sĩ và các chuyên gia y tế
Nếu muốn thăng tiến, điều kiện tiên quyết đầu tiên là thành tích kinh doanh ấn tượng (ví dụ: mỗi quý đều đạt trên 100% target). Điều thứ hai là kỹ năng quản lý đội nhóm. Và điều thứ ba là khả năng tạo mối quan hệ vững bền với các bệnh viện.
Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
Điều mọi người hiểu lầm về Trình dược viên có thể là “Trình dược viên gửi tiền, hoa hồng, o bế bác sĩ đề được bác sĩ sử dụng thuốc của mình”.
Thực sự không phải như vậy. Bác sĩ cũng có chuyên môn, cũng có nhận định của mình, nếu vì tiền mà kê thuốc không tốt, bệnh nhân trầm trọng thêm thì uy tín bác sĩ sẽ không còn. Vì vậy, họ cũng có những quyết định dựa trên khoa học nữa.
Vì sao mọi người hiểu lầm như vậy thì hiện tại các công ty Dược của Việt Nam sản xuất thuốc (generic) tương đương thuốc ngoại (brand drug). Hiệu quả có thể không bằng nhưng là giá thành rẻ hơn nhiều, phù hợp kinh tế Việt Nam hơn. Tuy nhiên, khi thuyết phục bác sĩ sử dụng thuốc generic thì một số các công ty Việt Nam lại quá nhấn mạnh vấn đề hoa hồng dẫn đến bị hiểu lầm.
Trình dược viên giao tiếp với bác sĩ thuần túy về vấn đề khoa học, về quan điểm điều trị, về cách sử dụng thuốc trên lâm sàng và các chiến lược phối hợp thuốc.
Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
Công việc này sẽ dư dả khi mới ra trường so với mặt bằng chung dược sĩ.
Chị chia ra 2 loại là công ty nước ngoài và công ty Việt Nam
Công ty nước ngoài:
- Lương + phụ cấp khởi điểm (trước thuế) khoảng 12 – 15 triệu/tháng
- Thưởng khi đạt sale 100% (trước thuế) khoảng 15 – 80 triệu/quý (tương đương 3 tháng)
- Các thưởng đi kèm (tuỳ công ty) khoảng 2 – 5 triệu/quý
- Tính tổng trong trường hợp lý tưởng thì sẽ rơi vào khoảng 20 triệu/tháng sau thuế
Công ty Việt Nam
- Lương + phụ cấp khởi điểm (trước thuế) khoảng 4 – 7 triệu/tháng
- Thưởng khi đạt sale 100% (trước thuế) khoảng 10 – 15 triệu/quý
- Các chi phí và thưởng đi kèm tuỳ thuộc khoảng 2 – 5 triệu/quý
- Tính tổng trong trường hợp lý tưởng thì sẽ rơi vào khoảng 12 – 15 triệu/tháng sau thuế
Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
- Em nên tìm hiểu trước mình có thực sự thích công việc này với những thuận lợi và khó khăn như chị chia sẻ phía trên hoặc lắng nghe từ các anh chị khóa trên đã làm nghề này. Vì nếu không thích công việc mình đang làm, em sẽ cảm thấy khá mệt mỏi và khó thành công được, dù cho em làm công việc nào đi nữa.
- Nếu đã chắc chắn rằng mình muốn theo nghề này, em hãy chuẩn bị thật kĩ, hỏi kinh nghiệm phỏng vấn từ các anh chị trình dược viên đi trước, tập luyện để có thể đậu được một công ty dược phù hợp.
- Sau khi đã bước vào nghề này, em phải học hỏi và phát triển không ngừng, học kiến thức, học kỹ năng, học từ thực tiễn và nhất định phải không ngại khổ. Yếu tố tiên quyết để thành công trong trong ngành này là thái độ làm việc của em. Làm việc càng hăng hái càng quyết tâm sẽ càng dễ thành công. Chúc em may mắn trên con đường em chọn!
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.