Thư viện “Người thật – Việc thật” là tập hợp các buổi trao đổi thực tế, những câu chuyện nghề được chia sẻ từ những khách mời đang làm về chính công việc đó. Thư viện được thu thập và sắp xếp theo các nhóm ngành nghề trên Bản đồ thế giới nghề nghiệp để các bạn có thể tham khảo được dễ dàng hơn.
Bài viết có tham khảo nội dung từ Hướng nghiệp Sông An.
Công việc của Đại diện tuyển sinh là làm những gì? Yêu cầu gì để làm được việc này? Thu nhập của nghề này ra sao nhỉ? v.v.. Cùng Tuhoc.com.vn hiểu rõ hơn về công việc này qua buổi trò chuyện cùng khách mời đang làm vị trí Đại diện tuyển sinh khu vực Đông Dương và Myanmar nhé.
Thông tin khách mời
- Tuổi: 29
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 6-7 năm
- Trình độ học vấn & chuyên ngành: Cử Nhân Truyền Thông Chuyên Nghiệp – Đang theo học Thạc Sĩ Kinh Doanh Quốc Tế
- Số giờ làm hằng tuần: 40-56 giờ
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): Tập đoàn giáo dục thành lập năm 1952 tại UK với hơn 100 nhân viên toàn cầu
Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?
- B2B (Business to Business): làm việc với các công ty tư vấn du học để tuyển sinh cho các trường đối tác ở UK và hỗ trợ tuyển sinh, hồ sơ khi có trục trặc
- Trách nhiệm:
- Hiểu rõ chương trình học một cách chi tiết và rõ ràng để cung cấp thông tin chương trình cho các công ty tư vấn du học tại Việt Nam
- Hỗ trợ khi có trục trặc trong hồ sơ
- Hỗ trợ các công ty tư vấn du học tuyển sinh thông qua các hoạt động như Hội Thảo, Ngày Hội Du Học
- Nhận diện rõ các rào cản có thể ảnh hưởng đến việc tuyển sinh và báo cáo với tổng công ty để có thay đổi kịp thời
- Tự đề xuất và thực hiện các hoạt động quảng bá phù hợp
- Sắp xếp các lịch trình bay, thăm đón, đào tạo, … một cách hợp lý nhất
- Công ty của mình hoàn toàn ở UK và quốc tế, ngay cả sếp, dù là người Anh nhưng cũng ở Malaysia, không phải Việt Nam. Mình nghĩ phần lớn các đại diện tuyển sinh cho các trường ở Việt Nam đều phải báo cáo cho sếp từ xa. Do đó, trách nhiệm của mình ở Việt Nam rất lớn, vừa là cầu nối của công ty với các công ty tư vấn du học, vừa phải đại diện cung cấp các thông tin về chương trình.
- Công ty ở UK hoặc các trường đều đặt niềm tin rất lớn vào các đại diện từ tài chính tới hình ảnh chuyên nghiệp khi tuyển dụng. Điều các công ty cần chắc chắn là số lượng học sinh, nhưng còn là lộ trình phát triển lâu dài ở tại thị trường Việt Nam thông qua mối quan hệ với các công ty tư vấn du học.
Anh/chị bắt đầu vào công việc Đại diện tuyển sinh như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
- Năm 2 Đại Học, mình đã mong muốn được đi làm thêm và cơ duyên cho mình được làm ở một công ty start-up chuyên về mảng du học quốc tế. Vì là một công ty start-up, mình phải làm ở rất nhiều vị trí, từ tư vấn, đến xử lý hồ sơ cho nhiều điểm đến du học khác nhau trên thế giới. Và cứ thế, 7 ngày trong tuần, mình đi học 2 ngày (rất may mắn là sắp xếp thời gian được học tất cả các lớp trong 2 ngày) và đi làm 5 ngày còn lại (vì ngành du học phần lớn phải làm cả Thứ 7, Chủ Nhật).
- Khi thực tập, mình phải theo ngành của mình toàn thời gian nên quyết định xin nghỉ bên mảng du học và làm việc trong một công ty quảng cáo.
- Hai năm sau đó, mình quyết định không làm quảng cáo nữa vì cảm thấy hoàn toàn không phù hợp, và trong lúc đang chơi vơi không biết phải làm sao thì một người anh quen biết có giới thiệu mình về công việc (khá lạ) này.
- Để được vào một tập đoàn lớn như hiện tại không phải dễ, mình đã phải làm ở hai công ty trước với vị trí nhỏ hơn và làm thông qua một đại diện người Việt khác.
- Khi phỏng vấn cho vị trí này, mình vẫn còn rất trẻ và rất mới với nghề, không được dày dạn kinh nghiệm như nhiều đối thủ khác. Thế nhưng, do sự quyết tâm, mình đã thành công phỏng vấn vào công ty.
- Hiện tại, mình đang rất vui với công việc này và gắn bó với công việc gần 3 năm rồi.
- Sếp và các anh chị đồng nghiệp rất yêu quý mình vì sự nhiệt huyết và tận tâm với nghề.
- Nếu được chọn lại, mình vẫn mong muốn được làm ở vị trí này.
Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
8h–9h | Họp sáng sớm (tùy ngày) |
9h– 10h30 | Đến một công ty tư vấn du học để đào tạo các nhân viên của họ về chương trình |
11h– 12h | Đến một công ty khác, lại tiếp tục nói chuyện và đào tạo về chương trìnhHoặc gặp làm việc ở quán cafe |
12h– 13h30 | Ăn trưa với khách |
13h– 17h | Tiếp tục đào tạo hoặc làm việc ở quán cafe hoặc về nhà |
Những ngày mà mình sắp xếp đào tạo liên tục thường là trong những chuyến đi công tác ở thành phố mà mình không cư trú, như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng. Còn nếu ở TP.HCM thì không cần phải đi liên tục như vậy. | |
Ghi chú | Mình làm việc 5-6 ngày trong tuần, thời gian làm việc có thể nhiều hơn phụ thuộc vào:
|
Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
- Không ngồi bàn giấy cố định, thời gian linh hoạt, được làm việc từ nhà
- Được tiếp xúc với các em học sinh, phụ huynh – Họ là những người sắp sửa đầu tư cho nền giáo dục của con trong tương lai và rất cần những thông tin chính xác và khách quan
- Được tiếp xúc với nhiều người, các anh chị ngoài Bắc và trong Nam có những đặc thù riêng, rất thú vị
- Đi làm việc ở các nước khác cũng rất thú vị, học hỏi thêm nhiều kiến thức mới về con người, văn hóa, lối hành xử chuyên nghiệp và trao dồi ngôn ngữ
- Mình được chủ động làm mọi thứ, miễn sao có số và có kết quả
- Phù hợp với kế hoạch tương lai và đây là công việc có thể tiếp tục lâu dài
Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?
- Thỉnh thoảng rất cần có đông đồng nghiệp cùng công ty để đỡ buồn. Những dịp tiệc tùng cuối năm thấy mọi người được đi chơi với công ty khá vui.
- Vì là làm từ xa, trao đổi qua email là chính, có nhiều vấn đề phải nhẫn nại từ từ mới được giải quyết – Từ đây, mình cũng phần nào khẳng định được rằng nhịp sống của người Việt thật sự rất nhanh hơn nhiều nước trên thế giới.
Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
- Thật thà, trung thực
- Chủ động trong mọi tình huống
- Kiến thức tốt về trường và về ngành học hoặc không có thì từ từ trau dồi, thái độ luôn luôn muốn học tập thêm nhiều điều mới
- Linh hoạt trong công việc
- Kỹ năng làm việc từ xa
- Kỹ năng giao tiếp tốt và biết cách ứng biến
- Kỹ năng Marketing B2B
- Kỹ năng phỏng đoán thị trường
- Kỹ năng tư vấn hướng nghiệp (đặc biệt là đại diện cho các trường đại học)
Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
- Công việc này do luôn phải đi công tác và các khoản phí này đều do trường, công ty chi trả nên khi nhìn vào tưởng như khá là sướng vì toàn được đi chỗ này chỗ kia và ăn uống trong khách sạn – Nhưng mọi người không biết rằng, cái giường ở nhà và cơm nhà mới là số một. Các chuyến bay mệt lại còn phải mở laptop ra làm việc, vừa stress về chỉ tiêu.
Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
- Do mình ra trường cũng lâu rồi mới kiếm được công việc này, nhưng nếu có công việc này từ khi vừa mới ra trường thì chắc chắn là có thể tự nuôi mình với mức lương này.
Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
- Không tô màu hồng cho công việc. Công việc nào cũng sẽ có vấn đề hết nên mình tìm công việc ít vấn đề với mình nhất thôi.
- Cố gắng xây dựng Hình Ảnh Thương Hiệu Cá Nhân (Personal Branding) thật tốt
- Các mối quan hệ (Relationships) đặc biệt quan trọng
- Du học, đại diện trường hay mảng giáo dục quốc tế là một ngành nhỏ, có thể sẽ bão hòa trong những năm tới nên đây không phải là hướng đi tốt cho các em mới bắt đầu vào nghề, nhưng có thể là tiềm năng lâu dài nếu em thật sự thích tiếp xúc với phụ huynh học sinh.
- Luôn học tập và trau dồi kỹ năng mới vì chính mình, nếu công ty có chương trình đào tạo thì đó là công ty đáng để cân nhắc gắn bó
- Những bước khởi điểm của các ngành nghề, lúc nào cũng cực khổ hết. Nhưng cực trước sẽ sướng sau
- Công việc phải bổ trợ cho cuộc sống của mình, nên phải lựa chọn thông minh.
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.