Thư viện “Người thật – Việc thật” là tập hợp các buổi trao đổi thực tế, những câu chuyện nghề được chia sẻ từ những khách mời đang làm về chính công việc đó. Thư viện được thu thập và sắp xếp theo các nhóm ngành nghề trên Bản đồ thế giới nghề nghiệp để các bạn có thể tham khảo được dễ dàng hơn.
Bài viết có tham khảo nội dung từ Hướng nghiệp Sông An.
Thông tin căn bản
- Tuổi: 28
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 5
- Trình độ học vấn & chuyên ngành: Cử nhân Thương mại, chuyên ngành Marketing
- Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có):
- Số giờ làm hằng tuần: 40
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): Công ty cổ phần/ Tập đoàn – 300 nhân viên
Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?
Mình là trưởng phòng Marketing trong một dự án của công ty. Có thể hiểu dự án này như một công ty khởi nghiệp, mọi việc phải bắt đầu từ tờ giấy trắng. Mình có 3 đầu việc chính ở vị trí hiện tại:
- Xây dựng và quản lý một team Marketing có thể hoàn thành được các cấp độ công việc Marketing khác nhau từ bước nghiên cứu cho đến bước thực hiện chiến dịch.
- Lập các kế hoạch Marketing cho sản phẩm/dịch vụ của công ty và chịu trách nhiệm về kết quả của các kế hoạch này.
- Tư vấn cho Ban giám đốc (BGĐ) về các quyết định có liên quan đến Marketing hoặc kinh doanh.
Một số công việc đi kèm sẽ là tham gia tuyển và đào tạo cho các bạn cùng phòng hoặc nội bộ công ty khi cần thiết, cũng như hỗ trợ các phòng ban khác nếu có công việc cần Marketing tư vấn.
Với một công ty khởi nghiệp thì công việc của phòng Marketing khá nặng và quan trọng. Phòng Marketing lúc này không chỉ làm truyền thông hay quảng cáo, mà còn có trách nhiệm nghiên cứu và tư vấn hướng kinh doanh cho BGĐ.
Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
Câu chuyện vào nghề của mình khá đơn giản. Vào thời điểm chọn ngành học ở trường, mình chỉ hứng thú với mỗi tên Marketing, cảm thấy có vẻ hay ho. Sau khi học xong thì mình được một người đàn anh giúp đỡ để bắt đầu với một Agency. Có thể nói là khá may mắn khi mình làm từ Agency trước vì mình có cơ hội được nhìn khá tổng quan về công việc của một chuyên viên Marketing từ những việc có vẻ to tát như lên kế hoạch hay tính toán ngân sách cho đến cả những việc nhỏ như viết bài đăng Facebook.
Sau đó mình có đi qua một vài công ty khác, đôi lúc mình muốn bỏ Marketing nhưng thế nào lại về với nó. Ví dụ như công việc hiện tại, khi nộp vào vị trí Truyền thông nội bộ – là vị trí truyền thông thuộc phòng Nhân sự. Chẳng hiểu đi phỏng vấn thế nào mà chị giám đốc lại chọn mình vào vị trí hiện tại – vẫn làm Marketing, hơn nữa không chỉ là Digital Marketing còn là Marketing tổng thể. Mình nghĩ có lẽ nghề chọn mình chăng?
Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
8h – 8h30 | Đến công ty, kiểm tra email xem có công việc nào cần giải quyết gấp |
8h30 – 11h30 | Giải quyết các nhiệm vụ đã có trong danh sách việc từ hôm trước(Nghiên cứu, lên kế hoạch hoặc làm việc với các bên liên quan như thiết kế, nội dung, kế toán, khách hàng, v.v) |
1h – 3h | Kiểm tra các đầu việc đã giao cho nhân viên (đưa góp ý, hướng dẫn thêm,…) |
3h – 5h30 | Họp nhóm, họp với ban lãnh đạoKiểm tra các đầu việc đã hoàn tất trong ngày và chuẩn bị danh sách nhiệm vụ ngày mai |
Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
Marketing là một ngành rất rộng và có nhiều ngách để bạn có thể đi theo nó. Vì vậy, nó rất thú vị và không ai dám nói mình thật sự giỏi về Marketing. Bạn chỉ có thể hiểu một phần của nó sau khi đã làm công việc liên quan mà thôi. Ngành này luôn thách thức bạn phải tiếp tục cập nhật, học tập và đào sâu suy nghĩ.
Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?
Mặc dù khá ưu tiên các kỹ năng sáng tạo, nhưng Marketing cũng đòi hỏi bạn một số kỹ năng liên quan đến số liệu, tính toán. Mình thì không giỏi phần này lắm nên mình hơi ngại.
Tuy nhiên nếu ai trình bày với các bạn một kế hoạch mà không có số liệu hay chỉ số hiệu suất (KPI) thì đó là một kế hoạch đáng bỏ đi. Do đó, không thích nhưng cần thiết thì mình cũng phải làm.
Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
Trong hơn 5 năm theo nghề, mình chứng kiến nhiều bạn nhảy ngang sang nghề này vì nghĩ nó dễ.
Nếu nói về 1 số các hoạt động phần ngọn của Marketing thì đúng là khá dễ, nhưng để thực sự hiểu Marketing thì các bạn cần chuẩn bị cho mình một khối kiến thức cơ bản vững chắc và TỐI KỴ nhảy tới kết luận/ chiến thuật/ hoạt động truyền thông khi vừa nghe đề bài. Khi bạn có kiến thức nền vững chắc rồi thì bạn có làm mảng nào trong Marketing cũng có thể có những thành tựu nhất định.
Các sách vở tài liệu về Marketing rất nhiều nhưng mình vẫn tin tưởng vào các nguồn chính thống như các sách của Philip Kotler và tài liệu chọn lọc từ các trường đại học.
Các bạn thực sự nên hỏi tư vấn trước khi theo học các khóa học ngắn hạn vì các bạn cần tìm những nơi có thể truyền đạt cho các bạn những kiến thức cập nhật và đúng đắn.
Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
Như mình có chia sẻ ở phần trước, hiểu lầm của mọi người về công việc này là nó dễ hoặc nó chỉ là những tấm biển quảng cáo, những bài truyền thông (PR) hay việc chạy quảng cáo (Ads).
Lý do mọi người hiểu như vậy vì đây là những hoạt động dễ nhìn thấy nhất trong các công việc của Marketing.
Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
Ở thị trường Việt Nam, Marketing là một vị trí luôn thiếu. Mình cho rằng đó là do các công ty đã dần nhận ra tầm quan trọng thật sự của vị trí này.
Ngược lại, số người tham gia vào thị trường này cũng ngày một nhiều, nên việc các bạn phải nổi bật trong đám đông là một việc khá cần lưu ý.
Mức lương khởi điểm của công việc này ở thời điểm hiện tại vào khoảng 5 triệu – 8 triệu, tất nhiên cũng tùy vào yêu cầu cụ thể của từng công ty mà có thể hơn, kém. Mình đánh giá là các bạn có thể tự nuôi mình ở mức cơ bản khi mới ra trường.
Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
Từ kinh nghiệm cá nhân, mình thấy rằng các bạn cũng cần một chút may mắn khi muốn bắt đầu với công việc này. May mắn ở việc người trưởng nhóm/ người dẫn dắt đầu tiên của các bạn nên là một người nắm vững công việc và có thể hướng dẫn, đào tạo cho các bạn.
Dù có gặp được người trưởng nhóm giỏi hay không, các bạn đều cần phải chăm chỉ và cố gắng theo đúng trình tự trong công việc. Marketing là một công việc có tính logic cao và dựa vào số liệu chứ không phải là một công việc thuần sáng tạo hoặc có thể gọi là “sáng tạo trong khuôn khổ”.
Ngoài ra, việc có cái nhìn đa chiều cũng là 1 điểm mạnh trong nghề, luôn đặt câu hỏi với các thông tin mình nhận được. Ít nhất là theo 5W1H (Cái gì? Khi nào? Tại sao? Ai? Ở đâu? Như thế nào?)
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.