Thư viện “Người thật – Việc thật” là tập hợp các buổi trao đổi thực tế, những câu chuyện nghề được chia sẻ từ những khách mời đang làm về chính công việc đó. Thư viện được thu thập và sắp xếp theo các nhóm ngành nghề trên Bản đồ thế giới nghề nghiệp để các bạn có thể tham khảo được dễ dàng hơn.
Bài viết có tham khảo nội dung từ Hướng nghiệp Sông An.
Thông tin căn bản
- Tuổi: 30
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 5
- Trình độ học vấn & chuyên ngành: Thạc sĩ Tài chính
- Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có): Chứng chỉ huấn luyện viên
- Số giờ làm hằng tuần: hơn 60 giờ/tuần
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): nền tảng kỹ thuật số cung cấp hệ sinh thái lối sống khỏe mạnh dành riêng cho khách hàng (50-100)
Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc Giám đốc điều hành hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?
Mô hình kinh doanh của công ty: B-B-C (liên kết huấn luyện viên cá nhân, đối tác phòng tập, khách hàng cá nhân)
Trách nhiệm chính của mình là phụ trách và quản lý mảng điều hành fitness, công việc cụ thể:
- Liên kết và đóng vai trò cầu nối giữa các đối tác phòng tập, đội ngũ huấn luyện viên và các khách hàng cá nhân, từ đó tạo ra nhu cầu và đảm bảo cung cấp được chất lượng dịch vụ tốt nhất cho khách hàng
- Tuyển dụng, giới thiệu gia nhập & đào tạo các huấn luyện viên
- Lên chiến lược, mục tiêu và kế hoạch kinh doanh, cũng như triển khai thực hiện để đạt được mục tiêu và kế hoạch
Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ bên Anh về Việt Nam năm 2016, do ngành học về tài chính, mình đã bắt đầu công việc tại một công ty chứng khoán. Sau 3 tháng làm việc ở đó thì tình cờ gặp một chị Nhân sự tại một công ty Fitness giới thiệu công việc làm cho dự án startup (khởi nghiệp) về Fitness, vị trí thực tập Business Analyst (phân tích kinh doanh). Khi anh trưởng nhóm (người phỏng vấn) chia sẻ về tầm nhìn & định hướng về nền tảng công nghệ kết nối người yêu thích thể hình, trước giờ mình vốn đam mê chơi thể thao từ nhỏ & luyện tập hơn 10 năm thì thấy dự án khá hay & tiềm năng. Thế là mình bắt đầu với vị trí Thực tập sinh để học hỏi.
Khi mình bắt đầu công việc thì phải làm rất nhiều thứ từ nghiên cứu thị trường, phân tích, đánh giá, sáng tạo ý tưởng (lúc đó dự án hoàn toàn chỉ bắt đầu với một ý tưởng nên phải làm từng bước một từ con số 0). Anh sếp là người nước ngoài nên có rào cản về ngôn ngữ và việc hiểu thị trường Việt Nam, nên khi đó mình có cơ hội dẫn dắt chính cho dự án. Lúc đó, mình 25 tuổi, bắt đầu đi làm chậm hơn người khác, nên luôn mong muốn được làm, học hỏi & trải nghiệm thật nhiều. Sau 2 tháng nỗ lực và được ghi nhận, mình được cất nhắc lên vị trí Operation Executive (nhân viên phòng Kế hoạch & Kinh doanh). Dự án lúc đó có 4 người thì chỉ có mình là người Việt Nam, 3 người còn lại là người nước ngoài cấp bậc cao, nên mọi thứ gần như mình làm hết – từ vẽ ra kế hoạch, tìm đối tác,…). Mình có điều kiện làm với các anh cấp quản lý điều hành người nước ngoài rất giỏi và kinh nghiệm, nên đã học hỏi được rất nhiều, không chỉ kỹ năng mà còn cả suy nghĩ, tư tưởng và góc nhìn.
Sau một năm làm ở đó, công ty bắt đầu có những bước tiến đột phá, ứng dụng Fitness kết nối đối tác phòng tập, huấn luyện viên và khách hàng cá nhân đã được cho ra mắt và giới thiệu tại TP.HCM. Với sự nỗ lực không ngừng và chủ động để xây dựng mạng lưới chuyên nghiệp trong ngành fitness, mình được cân nhắc lên vị trí Product Manager (Trưởng phòng Sản phẩm) là người quản lý chính và phát triển ứng dụng fitness. Xây dựng một ứng dụng quả thật không hề đơn giản như mình đã nghĩ, do chưa có kinh nghiệm nên cứ vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm. Song song đó, mình đã gặp gỡ và trao đổi giới thiệu về mô hình của công ty với rất nhiều câu lạc bộ thể hình, tuyển chọn và giới thiệu gia nhập khoảng 800-1000 huấn luyện viên để hướng dẫn các bạn sử dụng và vận hành ứng dụng.
Khi công ty phát triển lớn hơn, mình được thăng chức và luân chuyển qua khá nhiều vị trí trong mảng điều hành (operations), sản phẩm (product), và trải nghiệm người dùng (user experience) để xây dựng một nền tảng & tính năng mới phát triển Fitness App. Từ 2020 khi định hướng công ty cần tập trung và đảm bảo vận hành, với thế mạnh trong việc kết nối và xây dựng mạng lưới chuyên nghiệp trong ngành fitness, mình được thuyên chuyển về vị trí Director of Fitness Operations.
Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
08:45 | Có mặt ở công ty, chuẩn bị kế hoạch những việc cần làm (to-do list) |
30-60 phút | Họp với Giám Đốc Điều Hành (CEO) về :+ Trình bày báo cáo
+ Đưa ra mục tiêu (3-5 mục tiêu/ ngày) với KPI cụ thể + Kế hoạch cần làm để đạt được các mục tiêu này + Ý tưởng, sáng kiến mới (nếu có) Ví dụ kế hoạch: tuyển thêm bao nhiêu huấn luyện viên, đào tạo huấn luyện viên bao nhiêu buổi trong ngày, ai sẽ là người tham gia workshop/ số lượng bao nhiêu,…. |
Giao việc xuống cho đội Huấn luyện viên (PT – personal trainer).Do đặc thù mô hình công ty, Huấn luyện Viên là các bạn làm tự do, 1 tuần mình cần phải gặp và nói chuyện với mỗi nhóm ít nhất 2 lần về:
+ Mục tiêu công ty + Mục tiêu của Huấn luyện viên + Kế hoạch hành động + Cập nhật từ Trưởng mỗi nhóm Huấn luyện viên (PT Lead) |
|
Phỏng vấn, tuyển chọn Huấn luyện viên | |
Lên kế hoạch của nhóm Vận Hành theo tháng/ tuầnVí dụ: làm sao để có nguồn Huấn luyện viên mới chất lượng, cần phải làm gì để tìm và tuyển chọn được các bạn này | |
Thường mình làm tới 7h hoặc 9h tối, có thể sẽ làm việc tiếp khi về nhà | |
Ghi chú: | Thời gian làm việc chính từ T2-T6 ở văn phòng, T7-CN có events/workshop thì mình cũng đều tham gia. 5 năm làm trong nghề này thì mình không có cuối tuần, vì nó là đam mê và mình coi công ty như đứa con tinh thần nên sẵn sàng dành toàn tâm & thời gian cho công việc. |
Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
- Đây giống như công việc mơ ước của mình, trong lĩnh vực mình đam mê. Mình luôn được học hỏi, phát triển bản thân và thấy được những cơ hội và tiềm năng phát triển xa hơn.
- Anh Founder (người sáng lập) – là người lãnh đạo luôn truyền cảm hứng và động lực cho mình, bên cạnh đó thì luôn chỉ dạy mình nhiều điều.
Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?
Công ty càng phát triển và cần xây dựng một đội ngũ nhân lực lớn hơn, không thể tránh khỏi việc phải làm với những người khác hệ giá trị sống, cũng như khác phong cách làm việc. Điều thử thách là mình phải có khả năng làm việc, kết nối cũng như tạo động lực cho nhiều người.
Đối với startup, luân chuyển nhiều cũng rất tốt cho việc học hỏi và trải nghiệm cái mới, tuy nhiên cũng có những cái ấp ủ đôi khi chưa làm tới, đã phải đi qua một vai trò khác do công ty thay đổi hay yêu cầu. Nên luôn phải sẵn sàng chuyên tâm học hỏi những cái hoàn toàn mới.
Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
Điều kiện cần có:
- Đam mê về ngành health & fitness
- Có khả năng và sẵn lòng xây dựng mạng lưới các mối quan hệ trong ngành health & fitness
- Kỹ năng giao tiếp và truyền động lực vì những người trong ngành này có đam mê rất lớn – ngành này hơi đặc thù là như vậy. Ví dụ: người thích marathon, họ có thể nói về marathon mọi lúc mọi nơi, họ sẵn sàng làm hết mình, thậm chí không cần thu nhập, nếu công việc đó thỏa mãn được đam mê về marathon. Điều này tập trung vào sự lắng nghe, thấu hiểu & tạo động lực
- Kỹ năng chuyên môn: bằng cấp huấn luyện viên (là điểm cộng nhưng không bắt buộc)
- Khả năng học hỏi nhanh & phải luôn sẵn lòng muốn tìm tòi, học hỏi
- Chịu được áp lực lớn (từ các sếp & tài chính,…) – Ví dụ: sau 1 thời gian startup phải tăng trưởng, phải làm ra được kết quả – phải có lòng tin và quyết tâm làm được
Thăng tiến:
- Luôn không ngừng trau dồi và hoàn thiện bản thân mỗi ngày (học hỏi thêm mỗi ngày về chuyên môn từ mọi người)
- Kỹ năng lãnh đạo, dẫn dắt đội nhóm
- Mạng lưới chuyên nghiệp trong mảng health & fitness
Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
Có thể người ta nghĩ mình đang là một Huấn luyện viên (PT) ở phòng tập Gym, do mọi người chưa biết về mô hình kinh doanh này.
Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
Bạn có thể bắt đầu từ vị trí Thực tập sinh ở các vị trí hỗ trợ (supporting/ operations) trong lĩnh vực health & fitness để học hỏi và trang bị kiến thức chuyên ngành.
Sau thời gian thực tập, nếu bạn làm tốt thì sẽ có cơ hội lên vị trí chính thức, mức lương tốt hơn và có rất nhiều cơ hội phát triển cũng như thăng tiến, do tiềm năng trong ngành rất lớn.
Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
- Xác định xem bạn có yêu thích hay đam mê trong ngành health & fitness – thể hiện ở việc mong muốn tạo giá trị sức khỏe cho người khác – bạn có sẵn sàng cho đi nhiều hơn nhận lại.
- Không ngại khó, ngại khổ.
- Luôn nỗ lực và sẵn sàng/ chủ động học hỏi.
- Vị trí về vận hành nên cần biết được về ngành health & fitness, kỹ năng chăm sóc khách hàng, giao tiếp tốt, kỹ năng tạo động lực/ nói trước đám đông và đứng lớp đào tạo.
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.