Giáo dục không thể nào khác hơn là giáo dục khai phóng. Giáo dục đích thực, giáo dục đúng nghĩa phải có tính khai phóng.
– Cô Bùi Trân Phượng, nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học Việt Nam –
“Cuộc chiến” giữa giáo dục khai phóng và giáo dục chuyên môn hóa
Theo một báo cáo từ Đại học Fullbright Việt Nam, “nếu như mười, hai mươi năm trước, tấm bằng đại học với kĩ năng chuyên môn cụ thể đã vừa đủ là một tấm vé thông hành đảm bảo cho các bạn trẻ có thể bước chân vào các công ty, có một nghề nghiệp ổn định thì nay câu chuyện đã hoàn toàn thay đổi”.
Bài báo còn cho biết, tỉ lệ cử nhân thất nghiệp và làm việc không đúng chuyên môn đang tăng lên một cách đáng quan ngại, mà điều cốt lõi được nhiều công ty đã chỉ ra chính là bằng cấp các ứng viên không đáp ứng được yêu cầu của vị trí việc làm, nhất là ở lĩnh vực đòi hỏi kĩ năng cao. Sự vận động không ngừng của xã hội mang đến một thực tế rằng, kiến thức và môn học cụ thể trên giảng đường hoàn toàn có thể trở nên lỗi thời so với công việc mà sinh viên sẽ làm khi ra trường.
Và, ngay cả khi công việc họ làm liên quan trực tiếp đến kiến thức đã được học đi chăng nữa thì nó cũng thay đổi nhanh chóng trong thực tế công nghệ số như hiện nay. Vấn đề này đặt ra một câu hỏi cấp thiết cho các nhà quản lý giáo dục, đó là: “Vậy, điều gì có thể giúp giữ nguyên được giá trị bất chấp sự thay đổi?”.
Câu trả lời chính là: học cách để học; học cách nghĩ; học cách cập nhật kiến thức; học cách tự thay đổi bản thân; học cách liên tục tái tạo, học hỏi và khơi gợi những kĩ năng mới ở chính nội tại con người mình để đáp ứng sự thay đổi liên tục của kinh tế – xã hội trong thời đại mới.
Báo cáo từ Diễn đàn Kinh tế thế giới khẳng định, ba kĩ năng gồm: (i) kĩ năng tư duy phản biện; (ii) khả năng sáng tạo; (iii) kĩ năng giải quyết vấn đề thuộc phần giá trị cốt lõi quan trọng nhất của nền giáo dục khai phóng, đó chính là những yếu tố tiên quyết giúp con người thích ứng với bối cảnh công việc ở thế kỉ XXI.
Giờ đây, sự trỗi dậy của giáo dục khai phóng diễn ra không chỉ trong các trường đại học tinh hoa hàng đầu, mà ở phạm vi toàn cầu và với những mức độ khác nhau.
Nguồn gốc và định nghĩa về Giáo dục khai phóng
Tư tưởng và mô hình giáo dục khai phóng thực chất đã có mặt từ rất lâu tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở các nước phát triển như: Hoa Kì, Nhật Bản và châu Âu.
Khởi nguồn từ Tây phương
Truyền thống khai phóng có từ chương trình giảng dạy thời Trung Cổ. Với bảy môn học khai phóng, bao gồm hai phần. Phần đầu, tam khoa, bao gồm Ngữ pháp, thuật Hùng biện, và Luận lý. Nó dạy nghệ thuật đọc và viết, nghệ thuật nghe và nói, và nghệ thuật tư duy hợp lý.
Phần còn lại, cao đẳng tứ khoa, bao gồm Số học, Hình học, Thiên văn học, và Âm nhạc (không phải loại âm nhạc có thể nghe được rõ ràng, mà là nhạc học được hình dung như một môn toán học). Nó dạy nghệ thuật quan sát, tính toán, và đo lường làm thế nào để hiểu khía cạnh định lượng của mọi vật.
Dĩ nhiên là ngày nay chúng ta sẽ thêm vào nhiều bộ môn khoa học tự nhiên và xã hội nữa. Đấy là những gì đã được thực hiện qua nhiều nỗ lực hiện đại khác nhau nhằm cách tân nền giáo dục khai phóng.
Thông tin khai thác ở một số tài liệu lâu đời hơn thì tin rằng, giáo dục khai phóng thực chất đã xuất hiện từ thời kì xã hội chủ nô mà Athens là một ví dụ điển hình cho một kiểu xã hội từng phân chia giữa công dân tự do và nô lệ, giữa chủ sở hữu và vật/người bị sở hữu. Thời điểm ấy, khi mà những nô lệ phải làm tất cả mọi việc thì những người tự do dành phần lớn thời gian quan tâm đến việc cai trị, những quyền lợi lẫn nghĩa vụ công dân.
Họ là những người thuộc tầng lớp siêu giàu, được tiếp nhận một nền giáo dục chuyên sâu về tư tưởng khai phóng mà không chứa đựng bất kì một khuynh hướng thực dụng nào. Những công dân tự do này được đào tạo với mục tiêu theo đuổi một cuộc sống tốt đẹp và nền giáo dục mà họ tiếp nhận không tập trung vào dạy chuyên môn hay dạy nghề mà nó chỉ nhằm sản sinh ra những con người hoàn thiện về khả năng tự nhận thức bản thân và vị trí của chính mình trong xã hội.
Tư tưởng khai phóng trong triết lý phương Đông
Có lẽ triết lý Khổng giáo Trung Hoa là một minh họa xưa nhất giống với giáo dục khai phóng hiện đại. Khổng giáo truyền thống chú trọng giáo dục tổng quát với cách tiếp cận diện rộng trong quá trình thu nhận tri thức.
Hai truyền thống giáo dục quan trọng của Trung Quốc – Luận ngữ Khổng tử ra đời 2.500 năm trước và giáo dục đại học Trung Quốc bắt nguồn từ thời Đông Chu (năm 771-221 trước công nguyên) – có những yếu tố có thể được coi là giáo dục khai phóng.
Bộ sách Ngũ Kinh thời đó bao gồm nhiều lĩnh vực kiến thức. Đồng thời, giáo dục đại học Khổng giáo trang bị cho người học những kiến thức tổng quát cần thiết cho các kỳ thi tuyển chọn quan chức trong hệ thống khoa cử phong kiến. Như vậy, truyền thống giáo dục đại học Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của kiến thức tổng quát, trong khi vẫn tôn trọng những truyền thống đạo đức và triết học Nho giáo.
Có thể nhận thấy một số điểm tương đồng giữa triết lý giáo dục ở Tây phương cổ đại và tư tưởng Nho giáo. Khổng Tử tin rằng con người bẩm sinh là thiện, nên mục đích của giáo dục là “nuôi dưỡng và phát triển bản năng của con người để đạt đến sự hoàn thiện về trí tuệ và đạo đức”. Mặc dù rất khác nhau về cấu trúc tổ chức, về chương trình cũng như mục tiêu đào tạo, giáo dục đại học Khổng giáo và giáo dục khai phóng hiện đại có một nét tương đồng: sự cam kết phát triển ở người học khả năng phản ánh phạm vi kiến thức rộng.
Khác với Khổng giáo về bối cảnh hình thành và cội nguồn trí tuệ, trường đại học Nalanda, phát triển rực rỡ ở miền đông bắc Ấn Độ trong gần một ngàn năm cho đến 1197 (công nguyên), là phản ánh tiêu biểu của nền giáo dục Ấn giáo và Phật giáo truyền thống.
Trường đại học Nalanda giảng về Phật pháp, ở thời kỳ đỉnh cao trường có 10 ngàn sinh viên và 1500 giáo sư. Tuy chương trình đào tạo chủ yếu tập trung vào các văn bản tôn giáo, các kiến thức rộng hơn cũng được đưa vào giảng dạy. Trường Nalanda tiếp nhận sinh viên và học giả từ nhiều lĩnh vực kiến thức truyền thống ngoài tôn giáo.
Triết lý Phật giáo định nghĩa giáo dục là phương tiện “giáo ngộ” và là một quá trình “khơi dậy tiềm năng bản thân”, một quá trình tiếp thu kiến thức để giải phóng con người khỏi “dốt nát và lệ thuộc”. Cũng như Khổng giáo, Nalanda là một minh hoạ nữa cho một triết lý giáo dục có trọng tâm – trong trường hợp này là kiến thức tôn giáo – đồng thời vẫn tin tưởng rằng một nền giáo dục đầy đủ đòi hỏi kiến thức rộng hơn ở nhiều lĩnh vực.
Và ở Ai cập
Trường đại học cổ xưa vận hành lâu nhất thế giới là Al-Azhar ở Cairo, Ai Cập. Kể từ khi thành lập vào năm 975, trường đại học Al-Azhar đã là một trong những trung tâm tư tưởng Hồi giáo quan trọng nhất. Ngay từ đầu, Al-Azhar không chỉ dạy về giáo lý đạo Hồi và luật Sharia (luật Hồi giáo), mà cả triết học, toán và thiên văn do các môn này có liên quan đến đức tin Hồi giáo.
Vào thập kỷ 1870, trường Al-Azhar đã mở thêm các ngành khoa học. Trong thế giới Hồi giáo hầu hết chương trình giáo dục sau trung học xây dựng trên nền tảng giáo lý đạo Hồi, nhưng vẫn bao gồm các môn khoa học và nghệ thuật. Điều đó phản ánh một sự nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục toàn diện và một triết lý giáo dục thống nhất.
Tóm lại thì Giáo dục khai phóng là gì?
Không có một định nghĩa nào về giáo dục khai phóng được chấp nhận rộng rãi. Đa số cho rằng đó là một cách tiếp cận kiến thức và chương trình đào tạo một cách chi tiết hơn. Giáo dục khai phóng về cơ bản bắt nguồn từ các truyền thống Tây phương – chẳng hạn niềm tin của Socrates vào “cuộc sống thử thách” và lý tưởng của Aristotle về “công dân suy ngẫm”.
Theo Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Hoa Kì (AAC&U), giáo dục khai phóng là triết lí giáo dục trao cho mỗi cá nhân quyền tự do trong tư tưởng nghiên cứu tìm tòi và đào sâu suy nghĩ về một vấn đề, hiện tượng mà không bị cản trở bởi những lí lẽ giáo điều, những hệ ý thức và các quan niệm có sẵn. Người tiếp nhận nền giáo dục khai phóng sẽ sở hữu khối kiến thức bao quát rộng lớn, kĩ năng linh hoạt và khả năng tự nhận thức mạnh mẽ rõ ràng về các hệ giá trị, những luân lí đạo đức và quyền công dân.
Trong cuốn sách “Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm vĩ đại”, Tiến sĩ Mortimer J. Adler đã mang đến những quan điểm sâu sắc về triết lí giáo dục khai phóng, ông cho rằng:
“Nền giáo dục khai phóng, bao gồm tất cả các môn học truyền thống cũng như những ngành khoa học mới hơn, là rất quan yếu cho việc phát triển những nhà khoa học hàng đầu. Không có nó, chúng ta chỉ có thể đào tạo những nhà kĩ thuật, những người không thể hiểu những nguyên lí cơ bản đằng sau những vận động mà họ thực hiện.
Mục đích của nền giáo dục khai phóng lại không phải là sản sinh ra những nhà khoa học. Nó cố tìm cách để phát triển những con người tự do biết cách sử dụng trí tuệ của mình và có thể độc lập suy nghĩ. Mục đích hàng đầu của nó không phải là phát triển khả năng chuyên môn, dù một nền giáo dục khai phóng là không thể thiếu được đối với bất kì một nghề chuyên môn về đầu óc nào.
Nó sản sinh ra những công dân có thể sử dụng quyền tự do chính trị của họ một cách có trách nhiệm. Nó phát triển những con người trí thức có thể sử dụng thời gian rỗi của họ một cách hữu ích. Nó là một nền giáo dục cho tất cả những người tự do, dù họ có ý định trở thành nhà khoa học hay không”.
Và ông cũng chỉ ra rằng, “Vấn đề giáo dục là làm thế nào để sản sinh ra những con người tự do, chứ không phải một đám những nhà kĩ thuật được đào tạo mà không có tri thức. Chỉ có nền học vấn khai phóng tốt nhất mới có thể hoàn tất được điều này. Nó phải bao gồm tất cả môn khoa học nhân văn cũng như toán học và khoa học. Nó phải loại trừ việc chỉ đơn thuần đào tạo kĩ thuật và ngành nghề”.
Steve Jobs cũng là một trong những người đề cao vai trò của mô hình giáo dục khai phóng và biến nó thành yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự thành công trong các sản phẩm của Apple. Trong ngày ra mắt sản phẩm Ipad 2, Steve Jobs đã thuyết trình về biểu tượng giao lộ giữa công nghệ thông tin và mô hình khai phóng. “DNA của Apple cho rằng chỉ riêng công nghệ thôi vẫn chưa đủ mà phải đi kèm khai phóng và nhân tính thì mới tạo ra cho chúng ta những kết quả khiến trái tim chúng ta rung cảm”.
Từ những quan điểm trên, có thể thấy giáo dục khai phóng là triết lí giáo dục mà ở đó con người chính là trung tâm của hoạt động đào tạo, nói cách khác, giáo dục khai phóng tập trung vào giáo dục con người thay vì chỉ giáo dục kiến thức. Tư tưởng chủ đạo của giáo dục khai phóng là khai mở những kiến thức mới mẻ, hướng tới việc phát huy tối đa sáng tạo của cá nhân, giải phóng tư duy, năng lực trí tuệ của con người và tạo điều kiện cho họ phát huy hết khả năng cá nhân.
Giáo dục khai phóng là một định hướng đào tạo, không bó buộc trong một hay nhiều học phần cụ thể, thậm chí trong một chuyên ngành cụ thể. Mô hình đào tạo này cho phép sinh viên có thể học tập, nghiên cứu nhiều lĩnh vực khác bên cạnh chuyên ngành chính mà họ theo học tại trường đại học. Ví dụ, một sinh viên học chuyên ngành công nghệ thông tin nhưng các học phần về nghệ thuật như: hội hoạ, sân khấu, hát, mĩ thuật, điện ảnh,… vẫn là sẽ có trong lộ trình đào tạo.
Sinh viên sẽ học song song các kiến thức trải dài trên nhiều lĩnh vực khác nhau bên cạnh môn học chuyên ngành, mục đích của việc này nhằm giúp người học có thể tiếp cận được nhiều vùng kiến thức, từ đó tự khám phá ra những năng lực riêng có, tiềm ẩn trong bản thân mà họ thực sự yêu thích được cống hiến trong tương lai và rồi, có thể tự đưa ra sự lựa chọn thích hợp nhất cho công việc của chính mình.
Thực trạng Giáo dục khai phóng ở Việt Nam và trên thế giới
Giáo dục khai phóng trên thế giới
Giáo dục khai phóng đã trở thành triết lí hiện đại mà nhiều đại học hàng đầu trên thế giới theo đuổi. Theo số liệu chưa đầy đủ tại Mỹ, các trường đại học triển khai mô hình đào tạo định hướng khai phóng ước khoảng 500 trường. Washington College là ngôi trường áp dụng mô hình giáo dục khai phóng lâu đời nhất và, ngôi trường nổi tiếng nhất thế giới với mô hình này là Đại học Harvard.
Ở Mỹ
Nếu như tại các trường đại học khác, sinh viên thường nắm rõ hoặc được đăng kí chuyên ngành ngay từ năm đầu thì tại các trường đại học áp dụng mô hình giáo dục khai phóng ở Mỹ, sinh viên không bắt buộc phải chọn chuyên ngành trong hai đến ba năm đầu.
Giảng viên cũng như các giáo sư tại trường luôn mang đến môi trường cởi mở giúp sinh viên có thể tự tìm hiểu về ngành học mà bản thân họ mong muốn, từ đó tự tạo ra chặng đường phát triển dựa trên năng lực trí tuệ, kĩ năng và thái độ của bản thân sao cho phù hợp nhất với thiên hướng của chính mình trong tương lai.
Một trong những nguyên nhân khiến mô hình giáo dục khai phóng phát triển mạnh mẽ ở Mỹ trong nhiều năm nay chính là bởi, khác với những quốc gia ở châu Âu hay Nhật Bản, người Mỹ không có được những “chiếc lưới an toàn” như là trợ cấp thất nghiệp hoặc bảo hiểm không lương. Điều này khiến cho người dân Mỹ luôn phải đối mặt với rủi ro rất lớn như: Bị mất việc làm, thậm chí mất trắng vốn đầu tư nếu nền kinh tế rơi vào khủng hoảng.
Và, điều duy nhất mà họ có thể đầu tư cho tương lai của mình chính là chuẩn bị những kĩ năng cần thiết giúp họ có thể chuyển sang công việc khác, nghề khác một cách linh hoạt nhất và nhanh nhất. Tức là, thay vì sống dưới lưới an toàn do chính phủ tạo ra, thì mỗi người lao động sẽ tự trang bị cho bản thân sự linh hoạt trong ngành nghề.
Những năm qua, có khá nhiều sinh viên Việt Nam đã có cơ hội trải nghiệm môi trường học tập theo mô hình giáo dục khai phóng tại các quốc gia này.
Lê Hồng Nhung, một cựu sinh viên của Wellesley College – top 3 những trường đại học hàng đầu tại Mỹ về giáo dục khai phóng và là trường nữ sinh được thành lập vào năm 1870 cho biết:
“Sinh viên có thể dễ bị ngợp vào năm học đầu tiên hoặc năm thứ hai vì không chỉ phải tập trung học các môn chuyên ngành, ví dụ như toán, văn học, mà người học còn phải học nhiều môn khác như triết học, lịch sử, nghệ thuật,… Đến một lúc nào đó, mình sẽ nhận ra rằng mặc dù các môn học thuộc lĩnh vực khác nhau, song cách tư duy và tiếp cận thì có nhiều điểm tương đồng.
Ví dụ như khi học môn lịch sử, bạn sẽ thấy có nhiều góc độ tiếp cận khác nhau như là làm thế nào để đọc sách một cách logic, hay là đọc tài liệu thật nhanh. Khi các bạn mới tốt nghiệp, vị trí công việc bạn đảm nhận thường không đòi hỏi yêu cầu nhiều về kiến thức chuyên sâu và bạn phải sẵn sàng để sắm nhiều vai trò khác nhau ở vị trí của người mới đi làm. Và đó là lúc bạn nhận ra những kĩ năng mà bạn học được từ mô hình giáo dục khai phóng rất hữu ích”.
Ở Nhật Bản
Đại học Yokohama là ngôi trường nổi tiếng đào tạo đa ngành áp dụng mô hình giáo dục này. Mỗi năm, trường thu hút hơn 1.000 sinh viên quốc tế đến học tập và Việt Nam đứng thứ ba về lượng du học sinh đang theo học tại đây.
Thư viện của ngôi trường này có hàng triệu đầu sách, nhà trường cũng cung cấp cơ sở dữ liệu online vô cùng phong phú để sinh viên có thể tìm kiếm tài liệu nghiên cứu mọi lúc, mọi nơi, phù hợp với mong muốn
của người học.
Hàng tuần, các giáo sư sẽ tổ chức một buổi seminar, mặc dù không phải là môn học bắt buộc song vẫn thu hút rất đông sinh viên đến để gặp gỡ và trao đổi định hướng nghiên cứu cũng như lắng nghe những góp ý và quan điểm từ những giáo sư đầu ngành tại trường.
Còn trong lớp học, GV đóng vai trò là người định hướng, sinh viên mới chính là những người dẫn dắt các buổi thảo luận, trình bày nội dung kiến thức liên quan đến bài học và lắng nghe, trao đổi về những góp ý hay phản biện từ những sinh viên khác.
Giáo dục khai phóng tại Việt Nam
Tới nay, hầu hết các trường đại học ở Việt Nam vẫn áp dụng hình thức đào tạo theo lối truyền thống, tức là: Dạy kiến thức và dạy kĩ năng để làm một công việc cụ thể, điều này khác với mô hình giáo dục khai phóng là hướng đến mục tiêu dạy sinh viên học cách học, học cách nghĩ và học cách sống.
Trường Đại học Fullbright Việt Nam và trường Đại học Việt – Nhật – ĐHQGHN là hai đơn vị tiên phong trong việc áp dụng mô hình giáo dục khai phóng. Và trong thời gian gần đây, cũng đã bắt đầu có thêm một số trường thử nghiệm đưa mô hình giáo dục khai phóng vào giảng dạy.
Các trường đào tạo theo mô hình Giáo dục khai phóng chủ chương cung cấp cho sinh viên kiến thức tổng quát trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trao công cụ giúp người học khám phá bản thân và thế giới xung quanh, sau đó họ có thể tiếp cận chuyển đổi công việc linh hoạt và không bị lỗi thời.
Sinh viên năm nhất chưa cần phải trả lời câu hỏi “Ra trường sẽ làm gì?”. Trong hai năm tiếp theo, sinh viên được tiếp xúc với nhiều môn học khác nhau bằng cách tự lựa chọn học phần để hoàn thành, từ đó giúp các em tự khám phá ra mình say mê điều gì, khát khao làm việc gì nhất để đưa ra quyết định.
Trên thực tế, giáo dục khai phóng quả thực đã cho thấy những chuyển biến và tác động tích cực đối với vấn đề giải quyết việc làm không chỉ ở Việt Nam và còn những quốc gia lân cận. Một khảo sát việc làm sau đại học ở Singapore vào năm 2018 cho thấy có tới 93% sinh viên tốt nghiệp Đại học Quốc gia Yale Singapore có việc làm trong 6 tháng đầu sau khi ra trường. Trong khi đó, ở một khảo sát tương tự với 11.000 sinh viên mới ra trường tại trường Đại học Quản lí Singapore và Đại học Nanyang cho thấy tỉ lệ này chỉ đạt 88,9%.
Trường Đại học Fullbright Việt Nam
Bà Đàm Bích Thuỷ, Chủ tịch Đại học Fullbright Việt Nam cho biết:
“Kĩ năng cần thiết nhất cho thế kỉ XXI là khả năng tự học, khả năng phân tích và khả năng diễn đạt ý tưởng của bản thân và khả năng giải quyết vấn đề.
Thông qua tư tưởng lịch sử, văn học, nghệ thuật, chúng tôi nhận thấy rằng, HS Việt Nam có cái nhìn rộng mở hơn rất nhiều. Học về lịch sử, triết học, văn học giúp mỗi người trở nên tốt đẹp hơn. Khi chúng tôi nói những điều này, HS Việt Nam hiểu và họ nhận thấy rằng đây đều là những yếu tố cần thiết.
Vì vậy, giáo dục khai phóng có ảnh hưởng lớn tới tư duy của HS Việt Nam. Nó không chỉ giúp bạn biết được bạn nên làm nghề gì, mà còn hướng bạn trở thành người có suy nghĩ sâu sắc hơn.”
Dựa trên những quan điểm về giáo dục khai phóng nói trên, trường Đại học Fullbright Việt Nam mang đến một chương trình đào tạo (CTĐT) kết hợp giữa các hoạt động học tập và chương trình ngoại khoá xuyên suốt bốn năm. Sinh viên sẽ được học những kiến thức cơ bản, tổng quát trong 18 tháng bao gồm cả khoa học, xã hội và nhân văn, từ đó giúp sinh viên định hướng dần về lĩnh vực cụ thể mà các em muốn tiếp tục nghiên cứu sâu hơn trong tương lai.
Sinh viên khi theo học tại trường Đại học Fullbright Việt Nam sẽ được trải nghiệm môi trường học tập thông qua các hoạt động như làm việc theo dự án, tìm tòi, đào sâu suy nghĩ, thảo luận các ý tưởng, tương tác với bạn học, thực hiện các chuyến đi thực địa và tham gia vào các hoạt động khảo sát. Sinh viên được tiếp cận nhiều lĩnh vực trải rộng từ văn hoá, xã hội đến khoa học kĩ thuật.
Trường Đại học Việt – Nhật – ĐHQGHN
Là một trong số ít những ngôi trường đang triển khai áp dụng mô hình dạy và học theo định hướng giáo dục khai phóng ngay từ những ngày đầu đi vào hoạt động. Với quan điểm áp dụng phương hướng giáo dục gợi mở, tập trung vào đào tạo nền tảng vững chắc để giúp sinh viên tiến lên đỉnh cao chứ không phải chỉ để vượt qua một tiêu chuẩn, một thang điểm nhất định để tốt nghiệp như phương thức giáo dục nghề nghiệp truyền thống.
“Những môn học này không chỉ tập trung vào chuyên ngành mà còn bổ sung thêm kiến thức về ngôn ngữ, văn hoá, cụ thể là văn hoá Nhật Bản và các môn khoa học cơ bản liên ngành.” – Theo Nguyễn Thị Đăng Huệ, sinh viên Đại học Việt – Nhật.
Nguyễn Quang Diệu – một sinh viên tại trường bày tỏ sự hài lòng về chất lượng cũng như hiệu quả mà mô hình đào tạo khai phóng đã mạng lại cho bản thân: “Giáo dục khai phóng đã mang lại cho mình khả năng phân tích thông tin và xử lí thông tin trong một xã hội còn tồn tại nhiều thông tin cả xấu và tốt. Mình chọn ngôi trường có mô hình giáo dục khai phóng là bởi mình muốn khám phá bản thân và muốn bứt phá khỏi những năng lực mà bản thân chưa tìm thấy, chưa hiểu rõ mình có thể làm được gì”.
GS. Furuta Motoo, Hiệu trưởng Đại học Việt Nhật, cho rằng:
“Việt Nam và thế giới đang trải qua giai đoạn có nhiều biến đổi lớn trong xã hội, chúng ta có cảm giác kiến thức thông thường đang trở nên vô ích giống như người đi biển thiếu la bàn vậy. Tố chất cần thiết giúp chúng ta vượt qua trạng thái đó chính là tầm nhìn rộng lớn.
Tôi cho rằng điểm mấu chốt ở người được đào tạo bởi nền giáo dục khai phóng chính là nằm ở tầm nhìn rộng, khả năng thích nghi và khả năng tự học, tự nghiên cứu suốt đời để phát triển bản thân.Những cá nhân như thế chẳng những không lo thất nghiệp mà thậm chí có thể tự tạo ra cơ hội việc làm cho mình và cho người khác.”
Trường Đại học Hoa Sen
Tại trường Đại học Hoa Sen, có rất nhiều điểm đặc biệt và khác biệt, một trong những điểm đặc biệt đó là Bộ môn Giáo dục khai phóng, thuộc Khoa Khoa học xã hội.
Những kiến thức – kỹ năng trong bộ môn giáo dục khai phóng
Dù học ngành nghề gì ở Trường Đại học Hoa Sen thì bạn không chỉ có nền tảng kiến thức của chuyên ngành đó, mà bạn còn có sự lựa chọn các môn học thuộc Bộ môn Giáo Dục Khai Phóng để có thể tự tin, tự quyết, tự chủ, tự lập, tự cam kết, tự do, tự khám phá và tự phát triển bản thân và nghề nghiệp suốt đời.
Kế đến, đặc trưng những kiến thức thuộc nền tảng của giáo dục khai phóng là dạy các kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, kỹ năng truyền thông giao tiếp hiệu quả, kỹ năng thấu cảm, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng tự soi roi lại mình, khả năng hiếu kỳ, khả năng sáng tạo, sự nhanh nhay trong xử lý vấn đề, sự thích ứng cao với những biến đổi.
Sứ mệnh và Giá trị cốt lõi của giáo dục khai phóng trong hoạt động giảng dạy của nhà trường
Giáo dục tri thức tổng quát trên tinh thần tư do thúc đẩy trách nhiệm xã hội, hành vi đạo đức, phẩm chất cao đẹp, tính liêm chính để vươn lên vai trò lãnh đạo, cống hiến cho cộng đồng, và chung tay tạo ra xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và phát triển bền vững.
Trường đại học Quản lý và Công nghệ TP HCM
Giáo dục khai phóng tại Trường đại học Quản lý và Công nghệ TP HCM giúp sinh viên có năng lực tuy duy quốc tế, tự tin hòa nhập vào môi trường đa văn hóa và sẵn sàng trở thành công dân toàn cầu.
Chương trình học được thiết kế linh hoạt, sinh viên được trải nghiệm ở 6 nhóm môn học theo cách tự nhiên và thoải mái nhất. Giúp sinh viên khám phá khả năng tiềm ẩn của bản thân, từ đó hình thành đam mê và sáng tạo trong công việc cũng như cuộc sống sau này. Chương trình hy vọng cho các bạn trải nghiệm sự hạnh phúc và thành công.
Sinh viên sẽ được cung cấp kiến thức liên ngành ở 6 nhóm môn học khai phóng mang tính khám phá và đầy thú vị:
- Nhóm môn Công dân toàn cầu: Giúp các bạn có khả năng giao tiếp, làm việc, tôn trọng sự khác biệt trong môi trường đa văn hóa
- Nhóm môn Khám phá khoa học và công nghệ: Giúp các bạn có kiến thức để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và cải thiện năng suất lao động.
- Nhóm môn Mỹ học: Giúp các bạn khơi gợi cảm xúc thẩm mỹ, sáng tạo vào công việc và cuộc sống trong tương lai.
- Nhóm môn Tư duy: … Xem xét các khía cạnh của vấn đề và ra quyết định khi cần.
- Nhóm môn Ngôn ngữ ứng dụng: Phù hợp với xu thế và tăng cơ hội việc làm ở các tập đoàn lớn và thị trường lao động quốc tế.
- Nhóm môn Quản lý và phát triển sự nghiệp: Giúp các bạn hiểu thị trường lao động, có chiến lược quản lý bản thân, phát triển sự nghiệp sau này.
Một số kinh nghiệm Giáo dục khai phóng cho Trường Đại học Thủ đô Hà Nội
Yếu tố chủ chốt trong giáo dục khai phóng chính là môi trường học tập, kỉ luật tập trung vào việc kết nối mục tiêu ngắn hạn và dài hạn.
Thông qua mô hình giáo dục này, sinh viên sẽ có thể phân tích năng lực tư duy và khả năng nắm bắt thực thế, bao gồm: kĩ năng đặt vấn đề và phân tích vấn đề; tư duy phản biện và sáng tạo; giao tiếp bằng văn bản và lời nói; làm việc nhóm và giải quyết vấn đề; nghiên cứu định tính, định lượng, thông tin khoa học và công nghệ.
Những kĩ năng này sẽ được thực hành thường xuyên, liên tục xuyên suốt quá trình đào tạo dựa trên bối cảnh ngày càng phải đối mặt với những vấn đề mang tính thách thức hơn và những tiêu chuẩn khắt khe hơn.
Cải cách phương thức tổ chức dạy học đại học
Giáo dục khai phóng lấy người học làm trung tâm, đề cao vai trò của người học trong quá trình đào tạo. Do đó, để áp dụng phương pháp đào tạo này vào thực tiễn thì nhà trường cùng bản thân các giảng viên cần có sự thay đổi trong tổ chức và sắp xếp hoạt động giảng dạy.
Trong đó, hoạt động dạy và học thụ động theo phương thức truyền thống cần được từng bước loại bỏ và thay vào đó, giảng viên phải là người dẫn dắt sinh viên đến với nội dung kiến thức, sinh viên là người chủ động tìm hiểu kiến thức đó.
Các hoạt động như thảo luận, làm việc theo nhóm, đặt câu hỏi phản biện cần được tăng cường trong quá trình dạy học trên lớp, giảm thiểu tối đa thời gian thụ động tiếp nhận kiến thức từ phía giáo viên.
Giảm tải giảng dạy lí thuyết, tăng thời gian thực hành
Việc tăng cường số giờ thực hành sẽ giúp người học có cơ hội tiếp cận với kiến thức trong bối cảnh thực tế, từ đó học được cách giải quyết và xử lí những tình huống bất ngờ không có trong sách vở. Nhà trường có thể nghiên cứu phương án kéo dài thời gian thực tập cho người học để sinh viên có cơ hội tiếp xúc, làm quen với công việc mà các em sẽ gắn bó trong tương lai.
Mở các lớp học tri thức cơ bản và khuyến khích sinh viên tham gia
Giáo dục khai phóng không chỉ chú trọng vào việc cung cấp tri thức mà quan trọng hơn cả là đào tạo con người với một khối tri thức lẫn nhận thức đồng đều nhằm phát triển một cách linh hoạt và thích nghi được với những điều kiện khắc nghiệt lẫn sự đổi thay của thế giới.
Do đó, chương trình đào tạo khai phóng cần đổi mới theo hướng đa dạng môn học và kiến thức cho sinh viên thay vì chỉ tập trung đào tạo kiến thức về một ngành, nghề nhất định. Một số môn học cung cấp nền tri thức cơ bản đã được áp dụng trong mô hình giáo dục khai phóng ở các quốc gia như Mỹ và Nhật Bản có thể kể đến như: triết học, âm nhạc, kịch, nghệ thuật đương đại, và tôn giáo đại cương,… là gợi ý tốt cho chúng ta.
Bên cạnh đó, các lớp huấn luyện chuyên đề, chia sẻ kiến thức với sự góp mặt của các thầy cô hoặc chuyên gia ở các lĩnh vực có trong CTĐT chuyên sâu cũng là một phương án khuyến khích năng lực tự giác tìm tòi, tiếp cận kiến thức của các bạn trẻ khi mà ở đó, họ có thể thoải mái đưa ra những khúc mắc của bản thân về vấn đề mà họ quan tâm để được lắng nghe và giải đáp.
Tuyên truyền về giáo dục khai phóng tới học sinh, sinh viên và phụ huynh
Thách thức cuối cùng mà đa số quá trình cải cách nào cũng thường vấp phải chính là việc thuyết phục được những quan điểm và định kiến cố hữu vốn ăn sâu vào tiềm thức của một cộng đồng mà ở đây chính là nhận thức về giá trị của giáo dục khai phóng trước những biến đổi của bối cảnh việc làm trong thời đại mới. Và đây thực sự là một công việc khó khăn, đòi hỏi rất nhiều thời gian và nỗ lực để hoàn thành.
5 Hiểu lầm phổ biến về giáo dục khai phóng
Qua những nội dung vừa rồi, có thể nói chúng ta đã phần nào hiểu về giáo dục khai phóng, những lợi ích cũng như xu thế thay đổi trong giáo dục theo chiều hướng giáo dục khai phóng. Tuy nhiên cho đến nay, không ít phụ huynh khi lựa chọn trường cho con vẫn còn đôi chút hiểu lầm và lo lắng về các trường có chương trình đào tạo theo mô hình giáo dục khai phóng.
Bây giờ, hãy cùng làm sáng tỏ 5 hiểu lầm về giáo dục khai phóng ở Việt Nam với sự chia sẻ từ chị Đinh Vũ Trang Ngân, Giám đốc chương trình Cử nhân tại Đại học Fulbright Việt Nam.
#1. Học đại học khai phóng (liberal arts college) là học về nghệ thuật tự do
Nhiều người dịch thô cụm từ “liberal arts” trong “liberal arts college” thành “nghệ thuật tự do”, hay múa hát nhạc hoạ. Chương trình học của liberal arts college không liên quan đến “arts” theo nghĩa đó. Trên thực tế, “liberal arts college được dịch sang tiếng Việt là “đại học khai phóng”.
“Giáo dục khai phóng gồm những môn được tổng hợp từ các ngành khác nhau trên tinh thần tư duy tự do – suy nghĩ tự do – lựa chọn tự do để lựa chọn những ngành nghề phù hợp nhất,” chị Ngân cắt nghĩa.
Mark Zuckerberg, nhà sáng lập của Facebook, là một ví dụ điển hình về giáo dục khai phóng. Cấp Ba anh học tiếng Latin, lên đại học anh học chuyên ngành tâm lý, ra trường anh làm việc liên quan đến môn kỹ thuật máy tính và môn hành vi của người tiêu dùng. Nhờ có chuyên môn ở nhiều lĩnh vực bổ trợ cho nhau, Mark thành công khi thành lập và điều hành trang mạng xã hội có lượng người dùng lớn nhất thế giới hiện nay.
#2. Đại học khai phóng chỉ dạy khoa học xã hội
Các bố mẹ người Việt Nam thường nhầm lẫn rằng các trường khai phóng chỉ dạy các ngành khoa học nhân văn, khoa học xã hội. Trên thực tế, các chương trình đào tạo khai phóng rất đa dạng, nhưng nhìn chung bao gồm 4 lĩnh vực chính:
- Nhân văn (Humanities): Văn học, Ngôn ngữ học, Lịch sử, Triết học,…
- Khoa học xã hội (Social Sciences): Nhân chủng học, Kinh tế học, Xã hội học, Tâm lí học, Luật,…
- Khoa học tự nhiên (Natural Sciences): Toán, Hoá, Sinh, Vật lý, Địa lý, Khoa học Trái đất, Khoa học Môi trường,…
- Nghệ thuật (Creative Arts): Lịch sử nghệ thuật, Kịch sân khấu, Âm nhạc, Nghệ thuật thị giác,…
Ở một trường đại học khai phóng, bạn thường được yêu cầu lấy các lớp từ đủ 4 lĩnh vực trên trước khi chọn chuyên ngành của mình. Nhờ nền giáo dục chú trọng kiến thức liên ngành, sinh viên từ đại học khai phóng được cung cấp một nền tảng kiến thức rộng vừa đủ để lựa chọn chuyên ngành phù hợp với bản thân mình.
#3. Giáo dục khai phóng bắt buộc bạn phải học toàn diện tất cả các môn học
Về cơ bản, giáo dục liên ngành và toàn diện là một phần của đại học khai phóng, nhưng định nghĩa ‘toàn diện’ hoàn toàn dựa vào góc nhìn và lựa chọn của sinh viên. Với chị Ngân, giáo dục toàn diện có nghĩa là cơ hội được học các lớp văn và nhạc mặc dù chị chuyên Lí trong suốt những năm cấp ba. Nhưng đối với bạn khác, có thể bạn đã tự tin với kiến thức khoa học xã hội và muốn học thêm các kiến thức về coding và kỹ thuật máy tính để thỏa trí tò mò, thì đó là toàn diện với bạn.
“Giáo dục khai phóng giống như tình yêu ấy. Hỏi tình yêu là gì thì ai cũng biết nhưng khi phải giải thích nó là gì thì mỗi người sẽ giải thích một góc cạnh khác nhau, tùy thời điểm và tuỳ con người,” chị Ngân cười.
Về chiết tự, “khai” mang ý nghĩa khai mở, mở rộng ra các lựa chọn khác nhau, “phóng” là giải phóng khỏi những quan điểm, tiêu chuẩn mà mình nghĩ là bắt buộc có để thành công. Thay vì dạy học một cách toàn diện, đại học khai phóng định hướng để sinh viên không chú trọng vào duy nhất một lĩnh vực chuyên môn và tự mở ra cơ hội để học nhiều thứ khác nhau.
#4. Đại học khai phóng là một sự lãng phí thời gian và tiền bạc
Nhiều người cho rằng giáo dục khai phóng là một sự lãng phí vì sinh viên học cả những môn không trực tiếp liên quan đến chuyên ngành. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Richard A. Detweile chỉ ra rằng, 31-72% học sinh lấy các lớp khác với chuyên ngành của mình có nhiều khả năng leo lên vị trí quản lý và thu nhập cao hơn $100,000/năm.
Đặc trưng của giáo dục khai phóng là dạy những kỹ năng giúp người học có thể thành công trong bất kỳ môi trường nghề nghiệp nào. Sứ mệnh của giáo dục đại học xét cho cùng để “giúp cho người học hiểu được và quản lý được những thay đổi đang diễn ra trong xã hội”.
Các sinh viên tốt nghiệp đại học khai phóng có các kỹ năng thay đổi linh hoạt cần thiết để thích ứng với môi trường làm việc hay thay đổi, đồng thời có khả năng sáng tạo vượt trội. Vì vậy, đại học khai phóng là một khoảng đầu tư hợp lý cho một bạn trẻ 18 tuổi với nhiều băn khoăn và khao khát khám phá bản thân mình trước khi khám phá nhu cầu việc làm của thế giới.
Chị Ngân chia sẻ, “Ba câu hỏi: em biết gì, em có thể làm được gì, và em là con người có phẩm chất như thế nào là kim chỉ nam để Fulbright xây dựng trải nghiệm học đại học toàn diện.”
#5. Tốt nghiệp từ đại học khai phóng khó xin việc làm
Không có bất cứ nền giáo dục nào đảm bảo 100% sinh viên tốt nghiệp sẽ có việc làm, lương cao. Điểm lợi của giáo dục khai phóng chính là tư duy mở, khả năng thích nghi cao và cách nhìn vấn đề toàn diện, nhiều khía cạnh. Vì vậy, nhiều CEO top đầu trong lĩnh vực công nghệ đánh giá cao các sinh viên tốt nghiệp đại học khai phóng.
Theo thống kế, có tới 1/3 trong số 500 CEO hàng đầu nước Mỹ theo bảng xếp hạng của Fortunes tốt nghiệp từ các trường giáo dục khai phóng. Những CEO nổi danh toàn cầu như bà Susan Wojcicki, CEO Youtube có bằng cử nhân Lịch sử và Văn chương, CEO Alibaba, tỉ phú Jack Ma có bằng cử nhân ngôn ngữ Anh. Ở Việt Nam cũng không hiếm những CEO nổi tiếng xuất phát từ những ngành học không mấy liên quan, như doanh nhân Henry Nguyen, CEO của McDonald Việt Nam với bằng cử nhân ngành văn học cổ điển.
Người Việt thường nghĩ rằng giữa ngành với nghề là quan hệ một – một, nghĩa là học một ngành và ra làm chỉ một ngành đó. Trái lại, trên thực tế, một văn phòng luật vẫn thuê sinh viên tốt nghiệp ngành Văn học Anh hoặc sinh viên ngành Triết học để làm những vị trí khác nhau tùy vào kiến thức và kỹ năng thực tế của họ. Tại Mỹ, chỉ 27% những người đã tốt nghiệp làm việc trong lĩnh vực liên quan đến chuyên ngành ở đại học.
Giáo dục khai phóng góp phần phá vỡ mối quan hệ một – một đó. Từ một ngành, sinh viên có thể làm rất nhiều nghề, một nghề có thể đến từ nhiều ngành học khác nhau.
Chị Ngân giải thích, “Trong giáo dục khai phóng, mối quan hệ một – một này trở thành mối quan hệ nhân – quả: một quả có thể có nhiều nhân, một nhân có thể trồng thành cây và từ đó mở ra rất nhiều quả, tùy vào điều kiện duyên lành khác nhau ươm dưỡng cho mầm cây đó.”
Kết luận
Mặc dù giáo dục khai phóng đã chứng minh được sức ảnh hưởng tích cực và hiệu quả lâu dài của nó đối với người học không chỉ ở việc cung cấp tri thức mà còn giúp nâng cao khả năng nhận thức của thế hệ trẻ nhưng việc áp dụng mô hình giáo dục này tại Việt Nam vẫn còn là một vấn đề cần nhiều thời gian và sự nỗ lực chung tay của các nhà quản lí giáo dục và của chính bản thân người học.
Bởi, dù không còn mới mẻ trên thế giới nhưng ở Việt Nam, giáo dục khai phóng vẫn chưa thực sự được phổ dụng đủ sâu và nhìn nhận đúng đắn.
Việc áp dụng mô hình giáo dục khai phóng với giá trị cốt lõi là khai phóng trí tuệ, năng lực và tư duy của mỗi người chính là một hướng đi đúng đắn giúp tháo gỡ phần nào những hạn chế của mô hình giáo dục truyền thống và mở ra cánh cửa hội nhập cho nền giáo dục đại học nước nhà.
Giáo dục khai phóng để giúp con người tìm được câu trả lời cho những câu hỏi như: “Mình là ai?”, “Mình đam mê điều gì?” và “Học tập để làm gì?”,…
Giám đốc Học thuật Đại học Fullbright Việt Nam từng chia sẻ:
“Không thể nói rằng bạn học ở nước ngoài hay học trong nước sẽ tốt hơn. Giáo dục là việc gặp gỡ giữa những ý tưởng khác nhau giúp mỗi người có thêm trải nghiệm. Đó là lí do vì sao cần có giáo dục khai phóng trong trường đại học. Nó giúp sinh viên nảy nở thêm nhiều ý tưởng và hình thành lối tư duy khác biệt.
Du học có thể giúp bạn có cơ hội học tập tại nhiều môi trường khác nhau, được tiếp cận với nhiều môn học. Nhưng dù bạn học ở đâu, ở trong nước hay ở nước ngoài, điều quan trọng nhất là bạn có cơ hội được nảy nở những ý tưởng khác biệt và nó sẽ luôn hữu dụng dù bạn ở bất kì đâu”.
Giới thiệu sách Giáo dục tự do khai phóng
Dưới đây là một số cuốn sách hay về Giáo dục khai phóng, những cuốn sách này đã nhận được nhiều sự khen ngợi từ đông đảo độc giả cũng như những nhà hoạt động giáo dục uy tín, xin được chia sẻ tới các bạn.
Viết Lên Hy Vọng (Cuốn Nhật Lý Làm Rung Chuyển Nền Giáo Dục Mỹ)
Từ lần đầu tiên xuất bản (1999) cho tới nay, cuốn sách liên tục được tái bản và là cuốn sách bán chạy trên New York Times. Không những thế, Erin Gruwell và Những Nhà văn Tự do còn giành được giải thưởng Tinh thần Anne Frank danh giá. Ngoài ra, họ còn từng xuất hiện trên rất nhiều chương trình truyền hình. Vào năm 2007, bộ phim Nhật ký Những Nhà văn Tự do (FreedomWriters Diary) với kịch bản được xây dựng dựa trên nội dung cuốn sách cũng được chiếu rộng rãi trên khắp nước Mỹ, một lần nữa lại chứng minh thành công của Erin và các học sinh của mình.
Thành công của Erin Gruwell là một minh chứng vô cùng rõ ràng cho chân lý trong câu nói của Sukhomlinskij: “Cô đã nỗ lực hết sức để giành lại cho các em những gì tốt đẹp nhất, bằng cả trái tim và tâm hồn mình”.
Và không chỉ dừng lại ở phòng học 203, thành công của Erin còn tác động đến cả hệ thống giáo dục của Mỹ. Cô đã thành lập nên Tổ chức phi lợi nhuận mang tên Những Nhà văn Tự do với mục đích đào tạo ra những giáo viên không chỉ biết đến những gì xảy ra trong lớp học mà còn phải có nhiều phương pháp tiếp cận, truyền cảm hứng và trao quyền khác nhau để giúp các em học sinh thành công, không chỉ trong trường học mà còn trong cuộc sống.
Mong sao cuốn sách này cũng sẽ trở thành động lực, trở thành ngọn đuốc soi đường giúp sợi dây liên kết giữa thầy và trò ngày càng bền chặt, thấu hiểu hơn. Và biết đâu, cuốn sách sẽ truyền cảm hứng để thầy trò trên mọi miền nước Việt chúng ta cùng viết nhật ký và tạo nên những điều kỳ diệu như cô Erin Gruwell và các học sinh của mình đã làm được.
Thông tin về tác giả:
Erin Gruwell, Những nhà văn tự do và tổ chức phi lợi nhuận của cô từng nhận được rất nhiều giải thưởng, trong đó có giải thưởng uy tín Tinh thần Anna Frank. Ngoài ra, họ còn từng xuất hiện trên rất nhiều chương trình truyền hình, trong đó có The Oprah Winfrey Show, Prime Time Live, Goodmorning America và The View. Tất cả 150 nhà văn tự do đều tốt nghiệp trường Trung học Wilson. Hiện Erin Gruwell đang sống tại Long Beach, California.
Đặt mua cuốn sách online qua TIKI: tại đây
Biện hộ cho một nền giáo dục khai phóng
Từ những trải nghiệm cá nhân, qua lăng kính như của một sử gia và nền tảng kiến thức của một nhà khoa học chính trị, Fareed Rafiq Zakaria mang tới cho người đọc cái nhìn toàn diện về mọi khía cạnh của giáo dục khai phóng, đặc biệt là giáo dục khai phóng tại Mỹ, từ lịch sử đến những thay đổi trong cách nó được đón nhận, cùng với đó là những đề xuất để giáo dục khai phóng lấy lại vai trò cùng sức ảnh hưởng của nó trong thế giới hiện nay.
Về tác giả Fareed Rafiq Zakaria