Ngành Công nghệ tài chính là một trong những ngành học còn rất mới mẻ tại Việt Nam và đang trở thành xu hướng của thời đại công nghệ 4.0. Đây là ngành học kết hợp giữa lĩnh vực tài chính và công nghệ.
Nếu bạn đang dành sự quan tâm nhất định cho ngành học này thì hãy tham khảo ngay thông tin xét tuyển ngành Công nghệ tài chính trong năm nay nhé.
Lưu ý: Khi các bạn đã tìm hiểu tới một ngành học cụ thể, thì đó nên là một trong 3-5 ngành học phù hợp với bản thân và đang trong quá trình so sánh – lựa chọn.
Tuyệt đối không nên bỏ qua bước tìm hiểu sở thích nghề nghiệp các bạn nhé. Nếu như bạn chưa biết các để tìm ra được sở thích nghề nghiệp của mình thì hãy đọc ở bài viết Hướng dẫn 4 bước chọn ngành – chọn nghề – chọn trường, chúng tôi đã hướng dẫn rất chi tiết và cụ thể, để bạn có thể thực hiện đơn giản nhất.
Giới thiệu chung về ngành Công nghệ tài chính
Ngành Công nghệ tài chính là gì?
Công nghệ tài chính (Financial Technology, viết tắt thành Fintech) là ngành học đào tạo các kiên thức về công nghệ kết hợp với tài chính ngân hàng nhằm hỗ trợ công tác quản lý các hoạt động tài chính thông qua các phần mềm công nghệ trên các thiết bị thông minh.
Hiểu đơn giản hơn, Fintech là việc tận dụng những ứng dụng hay sáng tạo trong công nghệ kỹ thuật hiện đại vào hoạt động tài chính, đánh dấu bước tiến chính thức việc IT xâm nhập vào hệ thống tiền tệ.
Ngành Công nghệ tài chính ngày càng phát triển đáp ứng nhu cầu của thị trường. Các công ty Fintech đang nổi lên nhanh chóng và hoạt động trong hầu hết mọi lĩnh vực của tài chính ngân hàng như chuyển tiền, thanh toán, bảo hiểm, chứng khoán, tín dụng và quản trị rủi ro…
Ngành công nghệ tài chính học gì?
Sinh viên sẽ được trang bị lý thuyết, kỹ thuật và tư duy phản biện trong việc áp dụng công nghệ vào các dịch vụ tài chính trong ngành FinTech. Những môn học trọng tâm của ngành này bao gồm:
- Nghiên cứu về dữ liệu lớn và trí tuệ kinh doanh: phát triển khả năng thiết kế và triển khai các ứng dụng cơ sở dữ liệu, dữ liệu lớn và phân tích để đáp ứng nhu cầu kinh doanh. Sinh viên tìm hiểu các vấn đề và công nghệ liên quan đến việc triển khai, hỗ trợ cơ sở dữ liệu quy mô lớn và các dịch vụ cần thiết để duy trì và truy cập kho dữ liệu.
- Kỹ thuật về ngôn ngữ lập trình thông minh (Python) và máy học (Machine learning): sử dụng các kỹ thuật tính toán, xây dựng thuật toán và hệ thống thích ứng linh hoạt với nhiều trường hợp.
- Nhu cầu và trải nghiệm của người dùng: tập trung thiết kế trải nghiệm người dùng và xây dựng tạo mẫu phần mềm để phát triển dịch vụ FinTech phù hợp.
- Kinh doanh kỹ thuật số: tìm hiểu về những lợi ích và tác động của các công nghệ kỹ thuật số lên các công ty khởi nghiệp.

Các trường đào tạo và điểm chuẩn ngành Công nghệ tài chính
Có thể học ngành Công nghệ tài chính ở những trường nào?
Tuhoc.com.vn cung cấp danh sách các trường tuyển sinh và đào tạo ngành Công nghệ tài chính mới nhất, được cập nhật trước mùa tuyển sinh hàng năm. Các bạn có thể dựa vào đó để lựa chọn một trường phù hợp nhất với bản thân.
Các trường tuyển sinh ngành Công nghệ tài chính năm 2022 và điểm chuẩn mới nhất như sau:
Tên trường | Điểm chuẩn 2022 |
Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông | 25.85 |
Đại học Kinh tế quốc dân | 26.9 |
Đại học Kinh tế Đà Nẵng | 23.5 |
Đại học Kinh tế TP HCM | 18 |
Đại học Kinh tế – Tài chính TPHCM | 18 |
Đại học Công nghệ và quản lý hữu nghị | |
Trường Quốc tế – ĐHQGHN | 20 |
Đại học Hoa Sen | 15 |
Điểm chuẩn ngành Công nghệ tài chính năm 2022 thấp nhất là 15 và cao nhất là 26.9 điểm (theo thang điểm 30).
Các khối thi ngành Công nghệ tài chính
Thi ngành Công nghệ tài chính theo khối nào?
Để đăng ký xét tuyển vào ngành Công nghệ tài chính của một trong các trường phía trên, các bạn có thể sử dụng một trong các tổ hợp xét tuyển sau đây tùy trường:
- Khối A00 (Toán, Vật lý, Hóa học)
- Khối A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh)
- Khối C01 (Văn, Toán, Vật lí)
- Khối D01 (Văn, Toán, tiếng Anh)
- Khối D03 (Văn, Toán, tiếng Pháp)
- Khối D06 (Văn, Toán, Tiếng Nhật)
- Khối D07 (Toán, Hóa học, Tiếng Anh)
- Khối D23 (Toán, Hóa học, Tiếng Nhật)
- Khối D24 (Toán, Hóa học, Tiếng Pháp)
Chương trình đào tạo ngành Công nghệ tài chính
Ngành Công nghệ tài chính sẽ được học những môn gì?
Theo học ngành Công nghệ tài chính của Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, sinh viên sẽ được đào tạo theo chương trình học như sau:
I. KHỐI KIẾN THỨC CHUNG |
Triết học Mác-Lênin |
Kinh tế chính trị Mác-Lênin |
Chủ nghĩa xã hội khoa học |
Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam |
Tư tưởng Hồ Chí Minh |
Tiếng Anh (Course 1) |
Tiếng Anh (Course 2) |
Tiếng Anh (Course 3) |
Tiếng Anh (Course 3 Plus) |
Tin học cơ sở 1 |
Tin học cơ sở 3 |
Phương pháp luận nghiên cứu khoa học |
Giáo dục thể chất 1 |
Giáo dục thể chất 2 |
Giáo dục Quốc phòng |
Kiến thức và các môn kỹ thuật (tự chọn): |
Kỹ năng thuyết trình |
Kỹ năng làm việc nhóm |
Kỹ năng tạo lập Văn bản |
Kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức công việc |
Kỹ năng giao tiếp |
Kỹ năng giải quyết vấn đề |
Kỹ năng tư duy sáng tạo |
II. KHỐI KIẾN THỨC CƠ BẢN NHÓM NGÀNH |
Toán cao cấp 1 |
Toán cao cấp 2 |
Toán kinh tế |
Lý thuyết xác xuất và thống kê |
Pháp luật đại cương |
III. KHỐI KIẾN THỨC GIÁO DỤC CHUYÊN NGHIỆP |
1. Kiến thức cơ sở ngành |
Kinh tế vi mô 1 |
Kinh tế vĩ mô 1 |
Luật kinh doanh |
Tài chính tiền tệ |
Nguyên lý kế toán |
Kế toán quản trị |
Marketing căn bản |
Quản trị tài chính doanh nghiệp |
Cơ sở dữ liệu (Fintech) |
Lập trình Python (Fintech) |
Phân tích và thiết kế hệ thống thông tin quản lý (Fintech) |
Lập trình web (Fintech) |
Phát triển các hệ thống thương mại điện tử (Fintech) |
Học phần tự chọn: |
Phân tích hoạt động kinh doanh |
Thương mại điện tử |
Quản trị bán hàng |
E-marketing |
Thanh toán quốc tế |
Kế toán tài chính doanh nghiệp |
Kiểm toán căn bản (Fintech) |
Quản trị công nghệ |
2. Kiến thức chuyên ngành |
Tiền số và công nghệ Blockchain |
Trí tuệ nhân tạo (Fintech) |
Nghiệp vụ ngân hàng thương mại |
Đầu tư tài chính |
Quản trị rủi ro tài chính |
Kinh tế lượng tài chính |
Phân tích tài chính doanh nghiệp |
Công nghệ tài chính căn bản |
Quản lý và ứng dụng cơ sở dữ liệu trong tài chính |
Phân tích dữ liệu tài chính quy mô lớn |
Học phần tự chọn: |
Phát triển ứng dụng trên di động |
Phát triển ứng dụng tài chính trên Python |
Hệ quản trị cơ sở dữ liệu (Fintech) |
An toàn bảo mật thông tin (Fintech) |
Đổi mới sáng tạo tài chính |
Tài chính quốc tế |
3. Thực tập tốt nghiệp và Khóa luận tốt nghiệp hoặc học phần thay thế tốt nghiệp |
Cơ hội việc làm sau tốt nghiệp
Công nghệ tài chính đang được xem là ngành học có tiềm năng phát triển vô cùng mạnh mẽ trong thời đại công nghệ 4.0 bởi nó là sự kết hợp của 2 yếu tố cực kì quan trọng là tài chính và công nghệ.
Cử nhân ngành Công nghệ tài chính sau khi tốt nghiệp có thể tham khảo một số vị trí công việc như sau:
- Kỹ sư phần mềm/ Lập trình viên: Kỹ sư phần mềm là một trong những vai trò quan trọng nhất khi nói đến việc đưa công nghệ mới vào cuộc sống. Kỹ sư phần mềm hay các lập trình viên thường chuyên về blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI), big data. Ngoài ra, họ cần thành thạo các loại ngôn ngữ lập trình như: Java, Python, C ++, HTML, PHP được vận dụng trong viết mã (code) trên trang web, thiết bị di động và dễ dàng chuyển đổi giữa hai loại này.
- Chuyên viên phân tích dữ liệu: Các nhà phân tích dữ liệu lấy thông tin thô, xử lý, phân tích và biến nó thành những thông tin có giá trị cho doanh nghiệp. Những thông tin chi tiết này chủ yếu để giúp công ty nâng cao chất lượng trải nghiệm dịch vụ của khách hàng tốt hơn.
- Chuyên gia phân tích tài chính: Nhà phân tích tài chính giúp một công ty nắm bắt những xu hướng và cơ hội thị trường dựa trên thông tin được cung cấp hoặc tự tìm hiểu. Nói chung, bạn sẽ cần có bằng cấp về kế toán hoặc tài chính để thực hiện vai trò này.
- Chuyên gia an ninh mạng: Các công ty FinTech xử lý rất nhiều dữ liệu tài chính cá nhân mang tính nhạy cảm nên cần được lưu trữ an toàn. Các chuyên gia an ninh mạng có trách nhiệm đảm bảo các ứng dụng phần mềm và hệ thống được bảo mật để ngăn chặn dữ liệu quan trọng rơi vào tay tin tặc độc hại.
- Nhà thiết kế trải nghiệm và giao diện cho người dùng UX / UI: Chuyên viên Thiết kế trải nghiệm người dùng (UX designer) và Giao diện người dùng (UI designer) xác định cách một ứng dụng phần mềm sẽ trông ra sao và hoạt động như thế nào từ quan điểm của khách hàng. Các ứng dụng phải dễ sử dụng và dễ điều hướng để tối đa hóa sự tương tác của người dùng.
- Giám đốc phát triển kinh doanh: Một giám đốc phát triển kinh doanh giám sát và đảm bảo sự phát triển của toàn bộ doanh nghiệp FinTech ở mọi giai đoạn, từ khi phát triển đến khi ra mắt. Vai trò của họ là đảm bảo cả thành công của sản phẩm và lợi nhuận tài chính tổng thể.
Mức lương ngành Công nghệ tài chính
Theo thống kê, mức lương bình quân của nhân sự ngành công nghệ tài chính từ 11 – 12 triệu đồng/tháng, phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm và vị trí công việc, cụ thể:
- Các công việc của sinh viên mới ra trường: Mức lương từ 8 – 10 triệu đồng/tháng
- Mức lương của các chuyên viên phân tích tài chính: Từ 15 – 20 triệu đồng/tháng
- Các vị trí giám đốc tài chính, quản lý cấp cao: Mức lương có thể từ 35 – 50 triêu đồng/tháng tùy năng lực mỗi người.
Trên đây là bài viết chia sẻ thông tin về ngành Công nghệ tài chính, hi vọng có thể hỗ trợ các bạn phần nào trong quá trình lựa chọn ngành nghề cho tương lai.