Ngành Giáo dục học là ngành học tổng thể trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo giáo viên. Tuy vậy không nhiều bạn biết tới ngành học này và thực tế hiện nay chỉ có 4 trường đại học trên toàn quốc tuyển sinh và đào tạo ngành Giáo dục học.
Để hiểu rõ hơn về ngành này, đừng bỏ qua bài viết dưới đây nhé!
Lưu ý: Khi các bạn đã tìm hiểu tới một ngành học cụ thể, thì đó nên là một trong 3-5 ngành học phù hợp với bản thân và đang trong quá trình so sánh – lựa chọn.
Tuyệt đối không nên bỏ qua bước tìm hiểu sở thích nghề nghiệp các bạn nhé. Nếu như bạn chưa biết các để tìm ra được sở thích nghề nghiệp của mình thì hãy đọc ở bài viết Hướng dẫn 4 bước chọn ngành – chọn nghề – chọn trường, chúng tôi đã hướng dẫn rất chi tiết và cụ thể, để bạn có thể thực hiện đơn giản nhất.
Giáo dục học là ngành gì?
Nhìn chung, ngành Giáo dục học tập trung nghiên cứu các đối tượng và vấn đề giáo dục cũng như giải thích những quy luật của giáo dục. Nó giúp chúng ta hiểu và mở rộng kiến thức của mình về cách mọi người ở mọi lứa tuổi học tập và các yếu tố có thể tác động tích cực và tiêu cực đến điều này.
Ngành Giáo dục học bao gồm các nền tảng lý thuyết về lịch sử, nhân loại học, xã hội học và kinh tế học của giáo dục, tâm lý học và phát triển con người cùng các khóa học ứng dụng về phương pháp giảng dạy. Theo đuổi ngành học này, bạn sẽ được trang bị rất nhiều kỹ năng như khả năng làm việc và giao tiếp với trẻ em, giao tiếp hiệu quả, kỹ năng nghiên cứu và phân tích, khả năng làm việc nhóm,…
Ngành giáo dục học học gì?
Mục đích của ngành Giáo dục học là trang bị những kiến thức cần thiết về tâm lý giáo dục; quản lý giáo dục, giúp xây dựng và bồi dưỡng năng lực xây dựng kế hoạch; thiết kế, triển khai và đánh giá các hoạt động giáo dục; tư vấn, quản lý trường học, các cơ quan, cơ sở, trung tâm về giáo dục,…
Sau đây là một số môn học tiêu biểu trong ngành Giáo dục học:
Tư vấn học đường
Những người theo học chuyên ngành này sẽ dành phần lớn thời gian của họ để trực tiếp phục vụ và tiếp xúc với học sinh. Nhiệm vụ của cố vấn học đường là tập trung vào việc tư vấn cho học sinh về những trường cao đẳng và đại học phù hợp với cả mục tiêu nghề nghiệp và tài chính của họ.
Tâm lý giáo dục
Một chuyên ngành rất thú vị trong ngành Giáo dục học là Tâm lý giáo dục. Với chuyên ngành này, bạn sẽ được học về cách phân tích hành vi, tâm lý, sau đó sử dụng các kỹ năng phân tích để tìm ra nguyên nhân, giải pháp cũng như tư vấn phương pháp, chương trình học phù hợp cho từng đối tượng khác nhau.
Sư phạm
Nếu bạn muốn trở thành giáo viên, đam mê nghiên cứu phương pháp và thực hành giảng dạy, thì Sư phạm chính là chuyên ngành học dành cho bạn. Theo Salary.com, mức lương trung bình hàng năm cho cho chuyên ngành này lên tới $130,000.
Công nghệ giáo dục
Công nghệ và giáo dục là 2 lĩnh vực tiềm năng và không thể thiếu trong tương lai, vì thế, sự thành thạo trong cả 2 lĩnh vực này chắc chắn sẽ đem đến rất nhiều cơ hội cho bạn. Chuyên ngành Công nghệ giáo dục sẽ dạy bạn cách đánh giá nhu cầu và tối đa hóa việc sử dụng tiềm năng của công nghệ để giải quyết vấn đề và thúc đẩy học tập.
Lãnh đạo giáo dục
Tất cả các cơ sở giáo dục, từ mầm non, tiểu học, trung học, đại học hay các cơ sở dạy nghề đều cần có những nhà lãnh đạo trình độ cao và am hiểu ngành giáo dục. Vì thế, nếu bạn mong muốn trở thành hiệu trưởng, hiệu phó hay giám đốc của các cơ sở đào tạo thì hãy theo đuổi chuyên ngành này nhé!
Giáo dục đặc biệt
Nếu mơ ước từ nhỏ của bạn là thay đổi cuộc sống, tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của người khác thì Giáo dục đặc biệt có lẽ chính là một chuyên ngành thú vị dành cho bạn. Theo đuổi chuyên ngành này, bạn sẽ có cơ hội trò chuyện, tâm sự, thiết kế cũng như trực tiếp giảng dạy một chương trình phù hợp hơn cho những trẻ khuyết tật, chậm phát triển,…
Giáo dục người lớn
Bạn yêu thích giáo dục nhưng lại thích làm việc với người lớn hơn trẻ em? Vậy, hãy thử tìm hiểu về chuyên ngành này nhé. Theo báo cáo của Princeton Review, “Nhiều sinh viên tốt nghiệp trở thành cố vấn người lớn, làm việc với khách hàng ở một số cấp độ bao gồm quản lý gia đình, tài chính và khủng hoảng. Nhiều người cũng tiếp tục dạy người lớn trong môi trường lớp học, tại các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề hoặc các trung tâm giáo dục khác. Họ cũng có thể làm quản lý trường học, giúp quản lý đội ngũ giáo viên và chương trình giảng dạy của trường”.
Vì sao nên chọn ngành giáo dục học?
Ngành Giáo dục học sẽ đem đến cho bạn các lợi ích như sau:
- Luôn luôn học tập và nghiên cứu: Nếu bạn yêu thích học tập và nghiên cứu, chuyên ngành giáo dục sẽ mang đến cho bạn một con đường sự nghiệp mà việc học là một phần trong mô tả công việc của bạn. Bạn sẽ cần liên tục nghiên cứu tài liệu mới, học các kỹ năng, kỹ thuật và công nghệ lớp học mới,…
- Khả năng giúp đỡ và thay đổi cuộc sống của nhiều người: Là nhà giáo dục, công việc của bạn sẽ góp phần giúp những đứa trẻ thành công, cả về mặt học tập cũng như xã hội và tình cảm. Đối với nhiều người, đây cũng chính là động lực to lớn khiến họ vui vẻ đi làm mỗi ngày.
- Cơ hội việc làm rộng mở: Dù ở bất cứ đâu, dù là nước đang phát triển hay đã phát triển, nghề giáo hoặc các công việc liên quan đến giáo dục cũng đều cần thiết. Theo Cục Thống kê lao động, việc làm của giáo viên mẫu giáo và tiểu học được dự báo sẽ tăng 7% từ năm 2020 đến năm 2030, nhanh bằng mức trung bình của tất cả các nghề. Các bậc giáo dục khác cũng sẽ chứng kiến tốc độ tăng tương tự. Ngoài ra, bên cạnh việc trở thành giáo viên, sinh viên tốt nghiệp Giáo dục học cũng có thể làm các ngành nghề khác bao gồm thiết kế chương trình giảng dạy, nhà tâm lý học giáo dục và cán bộ giáo dục trong các viện bảo tàng hoặc dịch vụ cộng đồng.
Bạn có phù hợp với ngành giáo dục học không?
Đôi khi, chỉ yêu thích thôi là chưa đủ mà bạn cần phải có một số kĩ năng nhất định để có thể theo đuổi ngành Giáo dục học lâu dài. Vậy, hãy cùng tìm hiểu một số những yêu cầu cần thiết của ngành học này nhé!
Tính kiên nhẫn
Hiệp hội Giáo dục Trung cấp đã nói rằng “Kiên nhẫn là chìa khóa trong tất cả các khía cạnh của việc giảng dạy”. Các bạn cần phải kiên nhẫn giảng giải, xây dựng kiến thức và kĩ năng cho học sinh. Kỹ năng này thực sự quan trọng, nhất là khi bạn phải làm việc với những đứa trẻ khiếm khuyết hoặc chậm phát triển.
Kỹ năng giao tiếp và giải quyết vấn đề
Là một nhà giáo dục, trước tiên bạn cần biết quan sát, lắng nghe để hiểu câu chuyện của học sinh, sau đó tìm cách giải quyết vấn đề cho chúng hoặc trao đổi với phụ huynh. Một người làm giáo dục không chỉ cần ăn nói với học sinh, với đồng nghiệp, nhà trường mà còn cả với phụ huynh học sinh. Với mỗi nhóm đối tượng khác nhau, bạn cần phải có những kỹ năng giao tiếp khác nhau.
Khả năng đồng cảm
Kiến thức là vô nghĩa nếu bạn không có mong muốn sử dụng nó vì sự tốt đẹp và hạnh phúc của người khác. Sự khoan dung, lòng trắc ẩn và khả năng đồng cảm với người khác là những yếu tố quan trọng của một nhà giáo dục hiệu quả.
Các trường đào tạo và điểm chuẩn ngành Giáo dục học
Tên trường | Điểm chuẩn 2022 |
Học viện Quản lý giáo dục | |
Đại học Tân Trào | |
Đại học Sư phạm Thái Nguyên | 17 |
Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐHQG TPHCM | 22.8 – 23.6 |
Đại học Thủ Dầu Một | 15 |
Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long | 15 |
Đại học Sư phạm TP HCM | 22.4 |
Điểm chuẩn ngành Giáo dục học năm 2022 xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT của các trường đại học trên thấp nhất là 15 và cao nhất là 23.6.
Mã ngành Giáo dục học là: 7140101
Các khối xét tuyển ngành Giáo dục học
Có thể xét tuyển ngành Giáo dục học vào các trường đại học trên theo 1 trong các khối xét tuyển sau:
- Khối A00 (Toán, Lý, Hóa)
- Khối B00 (Toán, Hóa, Sinh)
- Khối C00 (Văn, Sử, Địa)
- Khối C01 (Văn, Toán, Vật lí)
- Khối C14 (Văn, Toán, GDCD)
- Khối C15 (Văn, Toán, KHXH)
- Khối C19 (Văn, Lịch sử, GDCD)
- Khối D01 (Văn, Toán, Anh)
Chương trình đào tạo ngành Giáo dục học
Mời các bạn tham khảo khung chương trình đào tạo ngành Giáo dục học của trường Đại học Sư phạm TPHCM nhé.
I. HỌC PHẦN CHUNG |
Học phần bắt buộc: |
– Triết học Mác – Lênin |
– Kinh tế chính trị học Mác – Lênin |
– Chủ nghĩa xã hội khoa học |
– Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam |
– Tư tưởng Hồ Chí Minh |
– Pháp luật đại cương |
– Ngoại ngữ HP1 |
– Ngoại ngữ HP2 |
– Ngoại ngữ HP3 |
– Tin học căn bản |
– Tâm lí học đại cương |
– Giáo dục thể chất 1 |
– Giáo dục thể chất 2 |
– Giáo dục thể chất 3 |
– HP1: Đường lối quốc phòng và an ninh của Đảng Cộng sản Việt Nam |
– HP2: Công tác quốc phòng và an ninh |
– HP3: Quân sự chung |
– HP4: Kỹ thuật chiến đấu bộ binh và chiến thuật |
2. HỌC PHẦN CHUYÊN MÔN |
Học phần bắt buộc: |
– Tâm lí học giáo dục |
– Nhập môn nghề giáo |
– Giáo dục học đại cương |
– Công tác Đảng và Đoàn thể trong trường học |
– Nhân cách và lao động của nhà giáo Việt Nam |
– Giao tiếp sư phạm |
– Hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam và các nước trên Thế giới |
– Giáo dục giá trị |
– Logic học đại cương |
– Xã hội học giáo dục |
– Chiến lược phát triển giáo dục |
– Lịch sử giáo dục thế giới |
– Lịch sử giáo dục Việt Nam |
– Kĩ năng tham vấn tâm lí cơ bản |
– Tham vấn học đường |
– Tổ chức hoạt động giáo dục |
– Tổ chức hoạt động dạy học |
– Hoạt động nhóm và kỹ năng truyền thông |
– Khoa học quản lí giáo dục |
– Phát triển chương trình giáo dục |
– Giáo dục kỹ năng sống |
– Giáo dục vì sự phát triển bền vững |
– Giáo dục hướng nghiệp |
– Ứng dụng CNTT trong giáo dục |
Học phần tự chọn (Chọn 4 tín chỉ trong các học phần sau): |
– Kinh tế học giáo dục |
– Phương pháp học tập tích cực |
– Marketing trong giáo dục |
– Tổ chức sự kiện giáo dục |
– Tư duy phản biện trong giáo dục |
3. HỌC PHẦN NGHỀ NGHIỆP |
Học phần bắt buộc: |
– Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên |
– Thực tập nghề nghiệp 1 |
– Thực tập nghề nghiệp 2 |
– Nghiệp vụ hành chính trong trường học và cơ sở giáo dục |
– Phối hợp các lực lượng giáo dục |
– Kiểm tra và thanh tra trong giáo dục |
– Lí luận dạy học Giáo dục học |
– Kĩ năng dạy học Giáo dục học |
– Phát triển tập thể người học |
– Kiểm tra và đánh giá trong giáo dục |
– Văn hóa tổ chức và văn hóa nhà trường |
– Phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục |
– Giáo dục sức khỏe sinh sản |
– Giáo dục gia đình |
– Giáo dục cộng đồng |
Học phần tự chọn (Chọn 8 tín chỉ trong các học phần sau): |
– Khởi nghiệp cho sinh viên sư phạm |
– Thống kê trong nghiên cứu khoa học |
– Cơ sở tâm lí học của quản lí giáo dục |
– Giáo dục môi trường |
– Giáo dục mầm non |
– Giáo dục nghề nghiệp |
– Giáo dục đại học |
– Giáo dục quân sự |
– Giáo dục chuyên biệt |
– Dịch vụ giáo dục trong trường học |
Sinh viên ngành giáo dục học làm gì khi ra trường?
Cơ hội việc làm dành cho sinh viên tốt nghiệp Giáo dục học nhìn chung khá rộng mở. Đa phần những người tốt nghiệp ngành Giáo dục học sẽ trở thành giáo viên, giảng dạy mầm non, tiểu học, trung học, hay giáo dục đặc biệt,…
Sinh viên hoàn thành chương trình học ngành Giáo dục học sẽ có đủ kiến thức nền tảng để đảm nhiệm nhiều vai trò công việc như nhân viên, chuyên viên, trợ lý, nhà tư vấn, nghiên cứu, giáo viên, quản lý – lãnh đạo trong lĩnh vực giáo dục thực tiễn.
Ngoài ra, nếu bạn là một người quan tâm đến các vấn đề vĩ mô thì bạn cũng có thể lựa chọn tiếp tục công việc nghiên cứu tại các dự án liên quan đến giáo dục, thiết kế chương trình giảng dạy, hoạch định chính sách giáo dục và gia nhập các tổ chức phi chính phủ về giáo dục.
Một số công việc các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Giáo dục học có thể tham khảo như:
- Chuyên viên tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục, hệ thống trường phổ thông
- Tham vấn tâm lý tại các cơ sở, trung tâm tham vấn tư vấn tâm lý ngoài xã hội cho các đối tượng có nhu cầu
- Cán bộ đánh giá giáo dục, chương trình giáo dục, đánh giá lớp học, học sinh, giáo viên…
- Giảng dạy tại các cơ sở giáo dục
- Giảng dạy về những lĩnh vực liên quan tới chuyên ngành giáo dục được đào tạo tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt
- Nghiên cứu và phát triển các dự án liên quan tới giáo dục
- Tiếp tục học và nghiên cứu lên ở bậc thạc sĩ và tiến sĩ học giáo dục.
Mức lương dành cho người làm ngành giáo dục học là bao nhiêu?
Hiện tại, mức lương của người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục học còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố. Cũng bởi vì cơ hội nghề nghiệp khá đa dạng nên mức lương cho từng công việc cụ thể cũng khác nhau. Nếu làm việc cho các cơ quan tổ chức nhà nước, mức thu nhập sẽ dựa trên mức lương quy định. Nếu vị trí công tác của bạn là của tư nhân, doanh nghiệp, mức lương khởi điểm sẽ từ 7 triệu VNĐ/tháng.
Chúng tôi sẽ cố gắng cập nhật và bổ sung ngay khi có thêm những thông tin về mức lương các công việc trong ngành Giáo dục học này.
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.