Quản trị chất lượng là một trong những xu thế tất yếu trong thời đại hội nhập hiện nay, giáo dục cũng không nằm ngoài xu thế đó. Chương trình cử nhân quản trị chất lượng giáo dục là một trong những ngành học tiềm năng với cơ hội việc làm rộng mở.
Năm 2019, lần đầu tiên Trường ĐH Giáo dục – ĐHQGHN tuyển sinh và đào tạo ngành Quản trị chất lượng giáo dục – tạo nền tảng và cơ sở vững chắc cho các chuyên gia trong lĩnh vực đo lường đánh giá chất lượng giáo dục tương lai.
Hãy cùng Tuhoc.com.vn tìm hiểu sâu hơn về ngành Quản trị chất lượng giáo dục qua bài viết này nhé.
Lưu ý: Khi các bạn đã tìm hiểu tới một ngành học cụ thể, thì đó nên là một trong 3-5 ngành học phù hợp với bản thân và đang trong quá trình so sánh – lựa chọn.
Tuyệt đối không nên bỏ qua bước tìm hiểu sở thích nghề nghiệp các bạn nhé. Nếu như bạn chưa biết các để tìm ra được sở thích nghề nghiệp của mình thì hãy đọc ở bài viết Hướng dẫn 4 bước chọn ngành – chọn nghề – chọn trường, chúng tôi đã hướng dẫn rất chi tiết và cụ thể, để bạn có thể thực hiện đơn giản nhất.
Ngành Quản trị chất lượng giáo dục là làm gì?
Quản trị chất lượng là các hoạt động có phối hợp để định hướng và kiểm soát một tổ chức về chất lượng. Việc định hướng và kiểm soát về chất lượng nói chung bao gồm: lập chính sách chất lượng và mục tiêu chất lượng, hoạch định chất lượng, kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng và cải tiến chất lượng.
Quản trị chất lượng đảm bảo cho tổ chức làm đúng những việc phải làm và những việc quan trọng, theo triết lý “làm việc đúng” và “làm đúng việc“, “làm đúng ngay từ đầu” và “làm đúng tại mọi thời điểm“. Để làm được những điều này, những cán bộ quản trị chất lượng cần phải được trang bị đầy đủ kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm.
Trong giáo dục, đảm bảo chất lượng giáo dục chính là quản lý quá trình đào tạo ở các cấp học, bậc học, nhằm tạo ra nguồn lực lao động thích hợp và đáp ứng yêu cầu sử dụng. Sản phẩm của giáo dục tạo ra chính là nguồn nhân lực, chính vì vậy quản trị chất lượng giáo dục kiểm soát cả quá trình để đảm bảo sản phẩm đầu ra đáp ứng yêu cầu xã hội.
Ngành Quản trị chất lượng giáo dục học gì?
Kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về quản trị chất lượng giáo dục.
Người học được tập trung phát triển nhóm kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng nhận thức, kỹ năng bổ trợ. Các nhóm kỹ năng này giúp hình thành những năng lực cần thiết:
- Hỗ trợ phát triển chuyên môn của các giáo viên, nhân viên
- Tổ chức, hỗ trợ và giám sát hoạt động dạy học và giáo dục
- Tư vấn cho lãnh đạo và quản lý nhà trường về quản trị trường học
- Hướng dẫn, tổ chức cho giáo viên và nhân viên thực hiện nhiệm vụ nhằm đảm bảo chất lượng dạy học và giáo dục
- Hỗ trợ, tư vấn cho phụ huynh, học sinh và cộng đồng trong các hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường, từ đó từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của đơn vị.
Xa hơn nữa, nếu bạn đáp ứng đủ kĩ năng về ngoại ngữ, bạn có cơ hội nghiên cứu và tiếp cận với các chuyên gia quốc tế; trở thành các chuyên viên cốt cán về công tác so chuẩn và xếp hạng đại học, hỗ trợ tối đa để nhà trường có thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng, nâng cao vị thế nhà trường trong khu vực và trên thế giới.
Từ đó, các bạn sẽ phát triển dần lên thành các chuyên gia đánh giá cơ sở giáo dục, chuyên gia đánh giá về chương trình đào tạo, các chuyên gia về công tác so chuẩn và xếp hạng đại học, chuyên gia khảo thí tiến đến các vị trí bậc trung và bậc cao trong lĩnh vực quản trị đại học.
Tốt nghiệp chương trình đào tạo cử nhân Quản trị chất lượng giáo dục, người học có kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực, nắm vững kỹ thuật để giải quyết các hoạt động tác nghiệp; tích lũy được kiến thức nền tảng về giáo dục và đào tạo để phát triển kiến thức mới và có thể tiếp tục theo học thạc sĩ, tiến sĩ về Đo lường và đánh giá trong giáo dục, Quản lý giáo dục, Quản trị trường học tại trường Đại học Giáo dục.
Chương trình đào tạo Ngành Quản trị chất lượng giáo dục
Chương trình theo định hướng đổi mới giáo dục toàn diện. Thời gian đào tạo là 4 năm với 134 tín chỉ gồm các môn học lý thuyết và thực hành với khung chương trình được tham khảo và nhận được sự góp ý của các chuyên gia hàng đầu đến từ các trường đại học lớn trên thế giới. Ngoài kiến thức được trang bị, sinh viên luôn nhận được sự hỗ trợ tối đa của giảng viên, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quản trị chất lượng giáo dục, trang thiết bị học tập hiện đại, môi trường mở, năng động, hội nhập quốc tế.
Bạn có thể xem thêm khung chương trình đào tạo chi tiết về ngành Quản trị chất lượng giáo dục tại trường Đại học giáo dục – DHQGHN tại đây.
Các trường đào tạo và điểm chuẩn ngành Quản trị chất lượng giáo dục
Hiện nay, chỉ có trường Đại học giáo dục – ĐHQGHN có chương trình đạo tạo Cử nhân ngành Quản trị chất lượng giáo dục. Trường bắt đầu đào tạo ngành này từ năm 2019.
Mã ngành Quản trị chất lượng giáo dục là 7140103
Tên trường | Điểm chuẩn 2022 | Điểm chuẩn 2023 |
Đại học giáo dục – DHQGHN | 20.75 | 20.50 |
Các khối xét tuyển ngành Quản trị chất lượng giáo dục
Có thể xét tuyển ngành Quản trị chất lượng giáo dục vào trường Đại học Giáo dục trên theo 1 trong các khối xét tuyển sau:
- Khối A00 (Toán, Lý, Hóa)
- Khối B00 (Toán, Hóa, Sinh)
- Khối C00 (Văn, Sử, Địa)
- Khối D01 (Văn, Toán, Anh)
Cơ hội nghề nghiệp ngành Quản trị chất lượng giáo dục
Tính đến cuối năm 2017, hệ thống giáo dục của nước ta hiện có 235 trường đại học, học viện, 37 viện nghiên cứu khoa học được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ, 33 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm. Yêu cầu của Bộ Giáo dục là 100% các cơ sở này phải có đơn vị đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, hiện nay các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, phổ thông đang thiếu rất nhiều đội ngũ làm công tác đảm bảo chất lượng, công tác khảo thí. Vì thế mà cơ hội việc làm cho ngành này đang rất rộng mở.
Tốt nghiệp chương trình cử nhân Quản trị chất lượng giáo dục, sinh viên sẽ có rất nhiều cơ hội việc làm phù hợp với chuyên môn đã được đào tạo. Cụ thể:
1. Tổ chức thực hiện hoạt động đánh giá, kiểm định chất lượng nội bộ trong cơ sở giáo dục
Chuẩn bị hồ sơ, tài liệu, minh chứng thể hiện với các cơ quan có thẩm quyền hay xã hội biết về chất lượng của cở sở giáo dục. Đây là phương thức giúp các trường khẳng định chất lượng để có thể hội nhập, đáp ứng tốt các yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội.
2. Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp đảm bảo chất lượng giáo dục trong trường nhằm đáp ứng các tiêu chí đánh giá (trong nước và quốc tế) cho cơ sở giáo dục và các chương trình đào tạo
Việc tiếp cận các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới thông qua các bộ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá là cần thiết cho sự phát triển. Vì vậy, chuyên viên đảm bảo chất lượng cần hiểu rõ các bộ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá, nghiên cứu và đề xuất giải pháp giúp cơ sở giáo dục có thể đáp ứng các tiêu chuẩn này.
3. Nhận diện và định vị hoạt động đảm bảo chất lượng giáo dục tại cơ sở giáo dục đại học trên cơ sở đối sánh với các khung chuẩn chất lượng giáo dục
Quá trình học tập tại Khoa Quản trị Chất lượng – Trường ĐH Giáo dục giúp sinh viên có hiểu biết tổng về những hoạt động đảm bảo chất lượng. Sử dụng kiến thức đã học để xác định các hoạt động tại các cơ sở giáo dục. So sánh, đối chiếu với các khung chuẩn về chất lượng giáo dục ở các cơ sở giáo dục trong nước và quốc tế.
4. Tư vấn về phát triển chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, phương pháp đánh giá trong giáo dục
Tư vấn là hoạt động nhìn nhận và đánh giá các điểm mạnh và điểm yếu của chương trình đào tạo. Thông qua những hiểu biết về các nền giáo dục trên thế giới, bạn có thể hỗ trợ cải thiện chất lượng của các chương trình ở nhiều mặt khác nhau, trong đó có phương pháp giảng dạy, từ đó xây dựng phương pháp đánh giá kết quả học tập phù hợp với bối cảnh từng chương trình.
5. Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng và các dữ liệu khác phục vụ cho nghiên cứu và quản lý đảm bảo chất lượng.
Đây là công việc tiên quyết mà mỗi đơn vị làm công tác về đảm bảo chất lượng phải thực hiện. Việc thu thập và phân tích số liệu về đảm bảo chất lượng của đơn vị là vô cùng cần thiết; Các số liệu phản ánh rõ thực trạng của các đơn vị đào tạo, giúp đơn vị đảm bảo chất lượng chỉ ra sự thay đổi, điểm mạnh và điểm cần cải thiện của các cơ sở giáo dục.
6. Hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện, theo dõi kiểm tra việc thực hiện điều kiện đảm bảo chất lượng ở các đơn vị trong trường
Đơn vị đảm bảo chất lượng có trách nhiệm theo dõi và kiểm tra các đơn vị (khoa, bộ môn, phòng) định kỳ để có thể giúp các đơn vị hoạt động ổn định và hiệu quả.
7. Thu thập thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu về xếp hạng, so chuẩn đối sánh và gắn sao đại học, đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục và gửi dữ liệu phục vụ xếp hạng tới các tổ chức xếp hạng
Sau tốt nghiệp, sinh viên có được hiểu biết tổng quát về các bảng xếp hạng đại học cũng như tìm hiểu về các tiêu chuẩn, tiêu chí xếp hạng của một số bảng đại học cụ thể, từ đó, giúp đơn vị thuận lợi hơn trong quá trình tham gia gửi số liệu xếp hạng.
8. Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giảng viên và công nhân viên trong toàn trường hoặc các đơn vị giáo dục khác về công tác đảm bảo chất lượng, đánh giá, tự đánh giá
Với kinh nghiệm và kiến thức thu được thông qua đào tạo và các hoạt động thực tế, các đơn vị về đảm bảo chất lượng đủ uy tín có thể thực hiện tập huấn cho các cán bộ, giảng viên…trong trường của họ hoặc của cả các đơn vị đào tạo, giáo dục khác để trao đổi, cung cấp những kiến thức cần thiết cho các cán bộ làm công tác đảm bảo chất lượng khi có nhu cầu.
9. Thực hiện các giao dịch đối ngoại, hợp tác thường xuyên với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng giáo dục (như AUN-QA, QS, THE, Webometrics …), với các cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng giáo dục tại Việt Nam.
Hiện nay, mỗi trường đại học, cao đẳng, trung cấp đều đang và sẽ tham gia vào các bảng xếp hạng và các tổ chức đảm bảo chất lượng giáo dục tại Việt Nam cũng như trong khu vực. Phòng Đảm bảo chất lượng sẽ chịu trách nhiệm là đầu mối liên lạc, giao dịch và hợp tác với các tổ chức thực hiện xếp hạng các trường, mở rộng mối quan hệ và mạng lưới công việc.
10. Nghiên cứu, tìm kiếm, xúc tiến các cơ hội hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng giáo dục
Có thể nói nghề Đảm bảo chất lượng giáo dục đang là một nghề rất được quan tâm và vô cùng cần thiết đối với sự phát triển của ngành giáo dục nói chung và toàn xã hội nói riêng.
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.