Ngành Kiểm toán là một ngành học liên quan chặt chẽ tới Kế toán. Thường học ngành Kế toán sẽ có chuyên ngành Kiểm toán. Tuy nhiên hiện nay rất nhiều trường đã tách ra đào tạo riêng ngành Kiểm toán. Nếu các bạn đang muốn tìm hiểu về ngành học này thì kéo ngay xuống để đọc bài viết này nhé.
Lưu ý: Khi các bạn đã tìm hiểu tới một ngành học cụ thể, thì đó nên là một trong 3-5 ngành học phù hợp với bản thân và đang trong quá trình so sánh – lựa chọn.
Tuyệt đối không nên bỏ qua bước tìm hiểu sở thích nghề nghiệp các bạn nhé. Nếu như bạn chưa biết các để tìm ra được sở thích nghề nghiệp của mình thì hãy đọc ở bài viết Hướng dẫn 4 bước chọn ngành – chọn nghề – chọn trường, chúng tôi đã hướng dẫn rất chi tiết và cụ thể, để bạn có thể thực hiện đơn giản nhất.
Giới thiệu chung về ngành
Ngành Kiểm toán là gì?
Kiểm toán (tiếng Anh là Audit) là ngành học đào tạo chung lĩnh vực với kế toán, có thể nói nó là ngành học đào tạo ra những người sẽ “sửa lưng” kế toán. Cụ thể thì kiểm toán viên là những người kiểm tra và xác nhận độ chính xác và tính trung thực từ những số liệu được thống kê bởi kế toán.
Kiểm toán gồm nhiều lĩnh vực như kiểm toán về thông tin, kiểm toán hiệu quả, kiểm toán tính quy tắc và kiểm toán hiệu năng. Phân loại kiểm toán theo chủ thể sẽ có ba loại là:
- Kiểm toán Nhà nước: Được thực hiện theo quy định pháp luật và do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Đối tượng của kiểm toán nhà nước là các doanh nghiệp trực thuộc nhà nước.
- Kiểm toán độc lập: Được tiến hành bởi các kiểm toán viên tại các công ty độc lập chuyên về dịch vụ kiểm toán. Ngoài việc kiểm toán những báo cáo tài chính như thông thường, các công ty kiểm toán độc lập còn có các dịch vụ khác về tài chính và kinh tế tùy theo yêu cầu của khách hàng. Đây là loại kiểm toán nhận được sự tin cậy từ bên thứ ba hay những nhà đầu tư.
- Kiểm toán nội bộ: Là những kiểm toán viên trong nội bộ một công ty, tổ chức thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của các thành viên Hội đồng quản trị hoặc Ban giám đốc. Những báo cáo kiểm toán thường chỉ được sử dụng trong nội bộ công ty.
Bộ phận Kiểm toán hiện nay là bộ phận đắc lực hỗ trợ cho quản lý kinh tế các doanh nghiệp trong nước.
Sự khác nhau giữa kế toán và kiểm toán
Kế toán và kiểm toán có 3 điểm khác nhau cơ bản như sau:
- Kế toán trình bày thông tin cụ thể về các giao dịch và tài sản trong tổ chức còn kiểm toán sẽ kiểm tra và xác nhận độ chính xác của những số liệu đó.
- Kế toán là hoạt động diễn ra liên tục quanh năm suốt tháng, trong khi kiểm toán được thực hiện định kỳ theo từng mốc thời gian cụ thể.
- Thời điểm kế toán kết thúc (chốt sổ tháng/ quý/ năm) thì kiểm toán mới bắt đầu vào cuộc
>>> Tham khảo bài giới thiệu về Ngành kế toán
Đặc điểm cần lưu ý về ngành Kiểm toán
Kiểm toán không phải là nghề tay ngang
Không giống như những ngành nghề linh động khác như IT, Marketing,… kiểm toán là nghề khó có thể theo đuổi theo con đường tay ngang mà bạn buộc phải được đào tạo bài bản qua trường lớp và có chứng chỉ hành nghề.
Theo tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 14 Luật Kiểm toán độc lập, kiểm toán viên phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán hoặc chuyên ngành khác theo quy định của Bộ Tài chính. Vậy nên nếu dấn thân vào ngành kiểm toán, bạn cần xác định dành nhiều thời gian và công sức lâu dài.
Thận trọng, trung thực và khả năng chịu áp lực lớn
Kiểm toán viên là những người có nhiệm vụ kiểm tra và xác nhận độ chính xác của những số liệu được thống kê bởi kế toán. Vậy nên tính thận trọng là cần thiết và bạn chỉ đưa ra kết luận khi có đủ bằng chứng lẫn lý luận. Để nhận được sự tin tưởng, ngoài năng lực chuyên môn, bạn cũng cần tuân theo những tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, không chịu sự chi phối từ khách hàng, phải đánh giá khách quan và thực tế, và quan trọng nhất là thượng tôn pháp luật.
Ngành kiểm toán học gì?
Sinh viên theo học ngành kiểm toán sẽ được trang bị khối kiến thức về thu thập, xử lý, kiểm tra và cung cấp thông tin tài chính, hiệu quả hoạt động kinh doanh thông qua các nghiệp vụ của kế toán như:
- Tính toán chi phí
- Làm dự toán
- Phân bổ ngân sách
- Quản lý doanh thu
Sinh viên được trang bị các kỹ năng chuyên môn cần thiết như đọc báo cáo tài chính, phân tích tài chính, các kỹ năng thương lượng, đàm phán,… Bên cạnh kiến thức chuyên môn, sinh viên còn được trang bị thêm các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, ngoại ngữ, tin học, lập kế hoạch, giải quyết tình huống trong Kế toán – Kiểm toán,… để tự tin hòa nhập vào môi trường làm việc thực tế.
Nếu bạn có tầm nhìn và tham vọng tiến xa hơn trong lĩnh vực tài chính thì nên đầu tư vào các chứng chỉ kế kiểm quốc tế uy tín như: CAT (Certified Accounting Technician), ACCA (The Association of Chartered Certified Accountants), CPA (Certified Public Accountants)… Chúng được ví như những “tấm hộ chiếu” vào thị trường kiểm toán kế toán quốc tế.
Các trường đào tạo và điểm chuẩn ngành Kiểm toán
Như chúng tôi đã nói ở trên thì Kiểm toán hầu như được coi là chuyên ngành của kế toán, chính vì vậy nó thường được tuyển sinh theo chuyên ngành thuộc kế toán ở nhiều trường. Các bạn có thể tham khảo danh sách các trường đào tạo ngành Kiểm toán dưới đây nhé.
Các trường tuyển sinh ngành Kiểm toán năm 2022 và điểm chuẩn mới nhất như sau:
Tên trường | Điểm chuẩn 2022 |
Đại học Kinh tế quốc dân | 28.15 |
Đại học Công nghiệp Hà Nội | 24.3 |
Khoa Quốc tế – ĐHQG Hà Nội | 22.5 |
Đại học Điện lực | 23 |
Đại học Thủy lợi | 24.9 |
Đại học Lao động – Xã hội | 22.5 |
Đại học Tài chính – Quản trị kinh doanh | 15 |
Đại học Công nghiệp Việt Trì | 15 |
Đại học Kinh tế Đà Nẵng | 23.75 |
Đại học Kinh tế Huế | 17 |
Đại học Hồng Đức | 15 |
Đại học Duy Tân | |
Đại học Kinh tế luật TPHCM | 26.45 |
Đại học Kinh tế TPHCM | 27.8 |
Đại học Cần Thơ | 24 |
Đại học Mở TP Hồ Chí Minh | 24.25 |
Đại học Công nghiệp TPHCM | 25 |
Đại học Kinh tế – Tài chính TPHCM | 19 |
Đại học Thủ Dầu Một | 16.5 |
Điểm chuẩn ngành Kiểm toán năm 2022 của các trường đại học trên thấp nhất là 15 và cao nhất là 28.15 (thang điểm 30).
Các khối thi ngành Kiểm toán
Dưới đây là những khối thi ngành Kiểm toán đi kèm với tổ hợp môn và số trường xét theo khối đó.
Các khối xét tuyển ngành/chuyên Kiểm toán bao gồm:
- Khối A00 (Toán, Lý, Hóa)
- Khối A01 (Toán, Lý, Anh)
- Khối A04 (Toán, Vật lý, Địa)
- Khối A08 (Toán, Sử, GDCD)
- Khối A09 (Toán, Địa, GDCD)
- Khối A16 (Toán, Văn, KHTN)
- Khối B00 (Toán, Hóa, Sinh)
- Khối C00 (Văn, Sử, Địa)
- Khối C01 (Toán, Văn, Lý)
- Khối C02 (Văn, Toán, Hóa)
- Khối C03 (Văn, Sử, Toán)
- Khối C14 (Văn, Toán, GDCD)
- Khối C15 (Văn, Toán, KHXH)
- Khối C20 (Văn, Địa, GDCD)
- Khối D01 (Toán, Văn, Anh)
- Khối D07 (Toán, Hóa, Anh)
- Khối D90 (Toán, KHTN, Anh)
- Khối D96 (Toán, KHXH, Anh)
Chương trình đào tạo ngành Kiểm toán
Nếu bạn đang thắc mắc không biết sẽ ngành Kiểm toán sẽ học những gì thì có thể tham khảo chương trình đào tạo ngành học này của trường Đại học Kinh tế – Đại học Huế nhé.
Sinh viên ngành Kiểm toán trường Đại học Kinh tế Huế sẽ được học những môn như sau:
I. KIẾN THỨC ĐẠI CƯƠNG |
1. Lý luận chính trị |
Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác -Lênin 1 |
Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác -Lênin 2 |
Tư tưởng Hồ Chí Minh |
Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam |
2. Khoa học xã hội – Nhân văn – Nghệ thuật |
Pháp luật đại cương |
Địa lý kinh tế |
Khoa học môi trường |
Quản lý nhà nước về kinh tế |
Tâm lý học đại cương |
Xã hội học đại cương |
3. Ngoại ngữ |
Tiếng Anh cơ bản 1 |
Tiếng Anh cơ bản 2 |
Tiếng Anh cơ bản 3 |
4. Toán – Tin học – Khoa học tự nhiên – Công nghệ – Môi trường |
Tin học ứng dụng |
Toán ứng dụng trong kinh tế |
Lý thuyết xác suất và thống kê toán |
II. KIẾN THỨC GIÁO DỤC CHUYÊN NGHIỆP |
1. Kiến thức của khối ngành |
Kinh tế vi mô 1 |
Kinh tế vĩ mô 1 |
Nguyên lý kế toán |
Quản trị học |
Tài chính – tiền tệ 1 |
2. Kiến thức ngành, chuyên ngành |
2.1 Kiến thức chung của ngành |
Kiểm toán đại cương |
Kế toán tài chính 1 |
Kế toán tài chính 2 |
Kế toán quản trị 1 |
Kế toán quản trị 2 |
Thuế và Kế toán thuế 1 |
Thuế và Kế toán thuế 2 |
Tài chính doanh nghiệp 1 |
Tài chính doanh nghiệp 2 |
Hệ thống thông tin kế toán 1 |
2.2 Kiến thức chuyên sâu của ngành |
Kiểm toán báo cáo tài chính 1 |
Kiểm toán báo cáo tài chính 2 |
Kiểm soát nội bộ |
Kiểm toán hoạt động |
Phân tích tài chính |
Kiểm soát quản lý |
Tài chính quốc tế |
Phân tích và đầu tư chứng khoán |
Kế toán chi phí 1 |
Hệ thống thông tin kế toán 2 |
3. Kiến thức bổ trợ |
Phương pháp nghiên cứu khoa học |
Pháp luật về doanh nghiệp |
Quản lý thuế |
Thống kê kinh doanh 1 |
Kinh tế lượng |
Tiếng Anh chuyên ngành Kế toán và Kiểm toán |
Kế toán công 1 |
Kế toán quốc tế |
Đàm phán kinh doanh |
Marketing căn bản |
4. Thực tập nghề nghiệp |
Thực tập nghề nghiệp |
5. Thực tập cuối khóa |
Khóa luận cuối khóa |
Chuyên đề tổng hợp |
Chuyên đề thực tập cuối khóa |
Cơ hội nghề nghiệp sau tốt nghiệp
Ngành Kiểm toán hiện nay có cơ hội nghề nghiệp lớn và nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Tốt nghiệp ngành Kiểm toán, sinh viên có thể đảm nhiệm các công việc và vị trí sau khi ra trường, đó là:
- Kiểm toán viên
- Chuyên viên phân tích và tư vấn tài chính – kế toán
- Chuyên viên giao dịch ngân hàng
- Kiểm soát viên, thủ quỹ
- Nghiên cứu viên và giảng dạy kiểm toán – kế toán
- Tư vấn kế toán, thuế
- Tư vấn tài chính cho các công ty, doanh nghiệp
- Quản lý tài chính
- Kế toán trưởng – trưởng phòng kế toán;
- Giám đốc tài chính – CFO (Chief Financial Officer)
- Thanh tra kinh tế
Đặc biệt, 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới bạn chắc hẳn sẽ nghe đến ít nhất một lần khi tham gia lĩnh vực này là: Ernst & Young, KPMG, PwC và Deloitte. Big4 là cách gọi quen thuộc của 4 công ty này thể hiện sự đình đám về quy mô, doanh thu lẫn bề dày lịch sử mà rất nhiều bạn học ngành kiểm toán khao khát làm việc ở một trong những nơi này.
Mức lương ngành Kiểm toán
Mức lương bình quân của các kiểm toán viên hiện nay dao động từ 10 – 15 triệu đồng. Điều đặc biệt ở ngành này chính là mức lương sẽ phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm và vị trí làm việc. Cụ thể:
- Với các sinh viên vừa ra trường, chưa có kinh nghiệm: Phải thực tập trong thời gian khá dài và mức lương chỉ từ 6 – 8 triệu đồng/tháng
- Các kiểm toán viên đã có 1 – 2 năm kinh nghiệm: Mức lương bình quân từ 9 – 12 triệu đồng/tháng
- Các kiểm toán viên tại các công ty lớn, các chức danh cao, kế toán trưởng, giám đốc tài chính: Mức lương có thể từ 20 – 50 triệu đồng tùy vào vị trí và năng lực của mỗi người.
Trên đây là những thông tin tổng hợp quan trọng về ngành Kiểm toán, hi vọng có thể hỗ trợ các bạn trong việc tìm kiếm thông tin và lựa chọn ngành nghề tương lai cho bản thân.