Trong xã hội hiện đại với sự phát triển vượt bậc về công nghệ, Kinh tế số trở thành xu hướng tất yếu trong nên kinh tế của tất cả các quốc gia. Để bắt kịp nhu cầu đó, các trường đại học đang dần đẩy mạnh đào tạo ngành kinh tế số.
Để hiểu rõ hơn về Ngành Kinh tế số là gì? Các trường đào tạo và chương trình học ngành này như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Lưu ý: Khi các bạn đã tìm hiểu tới một ngành học cụ thể, thì đó nên là một trong 3-5 ngành học phù hợp với bản thân và đang trong quá trình so sánh – lựa chọn.
Tuyệt đối không nên bỏ qua bước tìm hiểu sở thích nghề nghiệp các bạn nhé. Nếu như bạn chưa biết các để tìm ra được sở thích nghề nghiệp của mình thì hãy đọc ở bài viết Hướng dẫn 4 bước chọn ngành – chọn nghề – chọn trường, chúng tôi đã hướng dẫn rất chi tiết và cụ thể, để bạn có thể thực hiện đơn giản nhất.
Kinh tế số và Ngành Kinh tế số là gì?
Kinh tế số là gì?
Theo Oxford, kinh tế số là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số”, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet. Kinh tế số hiện diện trên tất cả các lĩnh vực và nền kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistic, tài chính ngân hàng,…).
Về bản chất, đây là các mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Trong nền kinh tế số, các doanh nghiệp sẽ đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh truyền thống sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại đến sử dụng và điều này sẽ làm tăng năng suất, cũng như hiệu quả lao động.
Ngành Kinh tế số là ngành khoa học liên quan đến công nghệ thông tin, kinh doanh và phân tích dữ liệu, nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển đổi của nền kinh tế số.
Tại sao ngành học Kinh tế số lại cần thiết?
- Nền tảng của kinh tế số là tạo ra giá trị mới trong các mô hình kinh doanh, trải nghiệm khách hàng và năng lực của nội bộ, nhờ các ứng dụng công nghệ.
- Kinh tế số là công việc luôn mới mẻ và thay đổi không ngừng.
- Công việc hợp với các bạn trẻ đam mê tìm tòi cái mới, chịu được áp lực cao với tư duy logic.
- Lương của người lao động trong lĩnh vực này tương đối cao
Ngày nay, các doanh nghiệp ngày càng phát triển mạnh mảng kinh doanh trên nền tảng công nghệ với các lĩnh vực việc làm có thể theo đuổi như:
- Thương mại điện tử
- Truyền thông số
- Marketing số (Digital Marketing)
- Chuyển đổi số trong doanh nghiệp
Sinh viên sẽ được học gì với ngành Kinh tế số?
Ngành Kinh tế số trang bị kiến thức của các công nghệ số dẫn đầu xu thế thời đại số như AI, IoT, BigData, BlockChain,… để áp dụng giải quyết yêu cầu công việc trong Kinh tế, quản trị, quản lý.
Sinh viên ngành Kinh tế số có khả năng tổ chức hoạt động kinh doanh trên nền tảng số và các kỹ năng dẫn dắt để chuyển đổi số cho các tổ chức, doanh nghiệp. Có đầy đủ khả năng tư vấn, phân tích, thiết kế, xây dựng và triển khai các giải pháp, hoạch định chiến lược phát triển lĩnh vực doanh nghiệp số, số hóa doanh nghiệp, tài chính số và kinh doanh số. Đào tạo các cử nhân Kinh tế số, trở thành “nguồn nhân lực số” của quốc gia để trực tiếp tham gia vận hành và phát triển nền kinh tế số.
Ngành học bao gồm 2 phần kiến thức: Kiến thức công nghệ số và kiến thức kinh tế. Kiến thức công nghệ số là kiến thức về công nghệ thông tin ứng dụng trong lĩnh vực kinh tế. Kiến thức kinh tế là kiến thức cơ bản và chuyên sâu về kinh tế, tài chính, quản trị kinh doanh, thương mại điện tử.
Các trường đào tạo và điểm chuẩn ngành Kinh tế số
Ngành Kinh tế số là ngành rất mới, hiện nay chỉ có 5 trường Đại học trên toàn quốc xét tuyển và đào tạo ngành Kinh tế số, trong đó 3 trường tuyển sinh trong năm gần nhất.
Các trường tuyển sinh ngành Kinh tế số và điểm chuẩn năm 2022 như sau:
Tên trường | Điểm chuẩn 2022 |
Đại Học Thủy Lợi (Cơ sở 1) | 25,15 |
Học viện Chính sách và Phát triển | 24,6 |
Đại học Công Nghệ Thông Tin và Truyền Thông – Đại Học Thái Nguyên | 16 |
Trường Đại học Nam Cần Thơ | |
Học viện Nông nghiệp Việt Nam |
Các khối thi ngành Kinh tế số
Với ngành Kinh tế số của các trường đại học, học viện phía trên, các bạn có thể sử dụng tùy theo các tổ hợp xét tuyển.
Các khối xét tuyển ngành Kinh tế số bao gồm:
- Khối A00 (Toán, Lý, Hóa)
- Khối A01 (Toán, Lý, Anh)
- Khối C00 (Văn, Lịch sử, Địa Lý)
- Khối C01 (Văn, Toán, Lý)
- Khối C14 (Văn, Toán, GDCD)
- Khối D01 (Toán, Văn, Anh)
- Khối D07 (Toán, Hóa, Anh)
Chương trình đào tạo ngành Kinh tế số
Chương trình đào tạo ngành Kinh tế số tại các trường Đại học/học viện thường gồm 2 chuyên ngành: Chuyên ngành kinh tế và kinh doanh số và chuyên ngành Phân tích dữ liệu lớn trong Kinh tế và Kinh doanh với từng chương trình đào tạo và mục tiêc cụ thể khác nhau.
Đối với Chuyên ngành kinh tế và kinh doanh số, chương trình đào tạo hướng tới:
- Đào tạo cho người học những kiến thức cơ bản về dữ liệu lớn, công nghệ thông tin và quản lý kinh tế, nắm bắt được xu hướng chuyển đổi số của các tổ chức và doanh nghiệp trong thời đại số.
- Đào tạo những kiến thức chuyên sâu về kinh doanh và thương mại dựa trên nền tảng số; marketing số, an toàn và bảo mật dữ liệu, mạng máy tính và truyền thông trong nền kinh tế số. Ngoài ra, quá trình đào tạo cũng cung cấp cho người học kiến thức về thiết kế, vận hành và khai thác các công cụ trên nền tảng web để phát triển kinh doanh nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
- Đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng nghiên cứu khoa học, kỹ năng quản lý thời gian và làm việc nhóm; kỹ năng hoạch định và đề xuất các giải pháp kinh doanh phù hợp cho tổ chức, doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi số.
- Đào tạo nguồn nhân lực có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cần thiết của một nhà kinh tế có bản lĩnh nghề nghiệp và thái độ trung thực, có trách nhiệm trong công việc và tinh thần làm việc vì sự phát triển của nhân loại.
>>> Tham khảo chương trình đào tạo chi tiết trong 4 năm học với Chuyên ngành kinh tế và kinh doanh số tại trường Học viện Chính sách và phát triển: tại đây
Và với chuyên ngành Phân tích dữ liệu lớn trong Kinh tế và Kinh doanh:
- Có kiến thức cơ bản về dữ liệu và khai phá dữ liệu, nắm được các nguyên lý kinh tế – kinh doanh cơ bản của nền kinh tế và doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc các ngành tài chính, ngân hàng, marketing hay doanh nghiệp công nghệ trong nền kinh tế số;
- Có kiến thức chuyên sâu về việc khai thác công cụ quản trị và phân tích dữ liệu lớn như Spark, Tableau, Power BI, Machine Learning, Python, R,… Ngoài ra, cử nhân tốt nghiệp chuyên ngành “Phân tích dữ liệu lớn trong kinh tế và kinh doanh” sẽ hiểu được tác động của các công nghệ khai thác dữ liệu lớn trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 để thực hiện chuyển đổi số cho các tổ chức/doanh nghiệp;
- Có khả năng hình thành ý tưởng, thiết kế, khai thác các công cụ thống kê và triển khai các phần mềm chuyên dụng để phân tích dữ liệu trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
>>> Tham khảo chương trình đào tạo chi tiết trong 4 năm học với chuyên ngành Phân tích dữ liệu lớn trong Kinh tế và Kinh doanh tại trường Học viện Chính sách và phát triển: tại đây
Cơ hội việc làm trong ngành Kinh tế số
Ngành có nhu cầu về nguồn nhân lực lớn hiện nay
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết các vấn đề kinh tế – xã hội đang rất được chú trọng phát triển hơn bao giờ hết. Đặc biệt, nguồn nhân lực trong lĩnh vực Kinh tế số ở Việt Nam hiện nay rất khan hiếm và tình trạng này dự báo còn kéo dài. Theo một cuộc khảo sát, nguồn nhân lực chính của nền Kinh tế số đóng góp 12 tỷ đô năm 2019, dự kiến 43 tỷ đô vào năm 2025 cho nền Kinh tế cả nước.
Cử nhân Ngành Kinh tế số – chuyên ngành Kinh tế và Kinh doanh số khi ra trường có thể hoàn toàn tự tin làm việc được trong cả khu vực Nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân tại các vị trí như:
- Chuyên gia lập dự án và lập kế hoạch về chuyển đổi số, an toàn và bảo mật thông tin kinh tế tại các Bộ, Ngành từ Trung ương tới địa phương, các ngân hàng, các công ty tài chính, các công ty kinh doanh và kinh doanh trực tuyến;
- Chuyên gia tư vấn các giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp và các tổ chức có nhu cầu;
- Chuyên gia quản lý thương mại, quản lý hệ thống kinh doanh trực tuyến, quản lý kênh phân phối cho các doanh nghiệp sản xuất, tập đoàn kinh tế, công ty thương mại – dịch vụ,…
- Chuyên viên hoặc quản lý tại các doanh nghiệp cung cấp giải pháp thương mại điện tử, giải pháp kinh doanh trên nền tảng số;
- Chuyên viên truyền thông và quản trị kênh truyền thông cho các tổ chức hoặc doanh nghiệp;
- Nghiên cứu, giảng dạy về Kinh tế số, Kinh doanh số tại các Trường Đại học, Cao đẳng, Viện nghiên cứu,…
Những vị trí công việc dành cho sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Phân tích dữ liệu lớn trong Kinh tế và Kinh doanh:
- huyên viên phân tích dữ liệu và thực hiện công tác chuyển đổi số, phát triển kinh tế số tại các cơ quan quản lý của Nhà nước thuộc các Bộ/Ban/Ngành hay các Viện nghiên cứu;
- Chuyên gia xây dựng và phát triển các mô hình phân tích dữ liệu lớn và phức tạp, đề xuất các biện pháp, đề xuất các chính sách, quy định thực hiện nhằm tăng hiệu quả kinh doanh, giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức, doanh nghiệp như các tập đoàn kinh tế, ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, công ty bất động sản hay các công ty công nghệ trong nền kinh tế số;
- Chuyên gia quản trị rủi ro cho các ngân hàng và tổ chức tài chính;
- Chuyên viên thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu nghiên cứu và phân tích dữ liệu kinh doanh phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;
- Nghiên cứu viên và giảng viên giảng dạy về khoa học dữ liệu tại các cơ sở giáo dục đại học hay Viện nghiên cứu;
- Độc lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp, thành lập cơ sở đào tạo các khóa học ngắn hạn liên quan đến khai thác và phân tích dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh.
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.