Thư viện “Người thật – Việc thật” là tập hợp các buổi trao đổi thực tế, những câu chuyện nghề được chia sẻ từ những khách mời đang làm về chính công việc đó. Thư viện được thu thập và sắp xếp theo các nhóm ngành nghề trên Bản đồ thế giới nghề nghiệp để các bạn có thể tham khảo được dễ dàng hơn.
Bài viết có tham khảo nội dung từ Hướng nghiệp Sông An.
Thông tin căn bản
- Tuổi: 25
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 1 năm
- Trình độ học vấn & chuyên ngành:
- Cử nhân Thiết kế đa phương tiện (chưa hoàn thành)
- Cử nhân Quản trị kinh doanh (dự kiến hoàn thành 2020)
- Số giờ làm hằng tuần: 40
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): Tập đoàn đa quốc gia – 150 nhân viên
Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?
- Đảm bảo hàng có mặt tại kho hàng đúng số lượng, chất lượng, thời điểm với chi phí thấp nhất.
- Bao quát hoạt động logistics/ xuất nhập khẩu trên toàn cầu.
- Tối ưu hóa chi phí của chuỗi cung ứng.
- Xây dựng hệ thống IT và quy trình chuẩn phục vụ cho chuỗi cung ứng.
- Xây dựng văn hóa thấu hiểu và tận tâm phục vụ khách hàng của nhân viên.
- Giúp giảm thiểu chi phí, hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp.
Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
- 2011 – 2014: Học ngành thiết kế truyền thông đa phương tiện tại một trường đại học do chưa có định hướng nghề nghiệp cũng như cảm thấy ngành này thật ngầu.
Tham gia các hội nhóm, CLB của trường, xây dựng được nhiều mối quan hệ.
- 2014 – 2015: Du học Mỹ ngành Nhà hàng & Khách sạn do cảm thấy không phù hợp với ngành trước.
- 2016: Trở về Việt Nam do kinh tế gia đình, và bắt đầu học bằng kinh tế tại một trường đại học khác. Các mối quan hệ cũ giới thiệu cho mình cơ hội làm việc cho một công ty chuyên về Giải Pháp Hoàn Tất Đơn Hàng (Fulfilment Solutions). Mình bắt đầu với vị trí Điều phối viên Kinh doanh (Account Coordinator). Lúc này mình không được lựa chọn ngành nghề do áp lực kinh tế rất lớn, và chịu ảnh hưởng của Thuyết Hỗn mang trong Hướng Nghiệp, nên quyết định nhận việc ngay mà không nghĩ về đường dài.
- 2017: Trở thành Điều phối viên các dự án lớn (Major Projects Coordinator) tại cùng công ty.
- 2018 – nay: Nhóm trưởng nhóm Hậu cần và chuỗi cung ứng (Logistics and Supply Chain Team Leader) tại cùng công ty.
Giữa năm 2018, mình xin từ chức khỏi vị trí trước do cảm thấy bản thân không còn học hỏi được kiến thức từ công việc. Mình được nhận vào vị trí bán hàng cho một Công ty Công nghệ của Mỹ. Tuy nhiên, khi trò chuyện cùng người quản lý ở công ty hiện tại, họ cố giữ mình lại và cho mình cơ hội học hỏi ở lĩnh vực Logistics & Supply Chain (Hậu Cần và Chuỗi Cung Ứng). Dù mức lương thấp so với vị trí ở Công ty Công nghệ nọ nhưng mình cảm thấy giá trị công việc mình đang làm là cao hơn và cung cấp cho mình nền tảng kiến thức chuyên ngành vững chãi hơn.
Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
5:30 – 6:30 | Kiểm tra thư. Ưu tiên sắp xếp các bưu phẩm cần xuất sớm trong ngày. |
6:30 – 8:00 | Xem xét các vấn đề tồn đọng
|
8:00 – 12:00 | Kiểm tra công việc của nhân viên. Cùng nhân viên tìm giải pháp cho công việc.Tiếp tục tự tay giải quyết các vấn đề quan trọng và phụ thuộc vào thời gian. |
1:00 – 1:30 | Giải quyết các công việc quan trọng cuối ngày. |
1:30 – 2:30 | Sắp xếp công việc ngày hôm sau.Hoạch định các kế hoạch, chiến lược dài hạn. |
2:30 – 4:00 | Thời gian dành cho các công việc nằm ngoài dự kiến |
Ghi chú | Công ty mẹ ở nước ngoài, thời gian cách Việt Nam 3-4 giờ nên phải làm sớm |
Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
- Thời gian làm việc linh hoạt.
- Công việc mang nhiều thách thức.
- Nhân viên trẻ mang tâm thế cởi mở.
- Thăng tiến không phụ thuộc vào độ tuổi mà phụ thuộc vào năng lực.
- Các dự án mới lạ so với môi trường Việt Nam.
- Giá trị cộng đồng mà công ty đem lại rất lớn.
- Những giá trị mà công việc mang lại hòa đồng với giá trị bản thân của mình:
- luôn phát triển những kiến thức, kĩ năng mới, không lặp lại những công việc đã tồn tại bên ngoài
- đồng thời mang lại giá trị lớn cho khách hàng và người dùng cuối.
Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?
- Hệ thống quản lý tại Việt Nam thiếu nhất quán, gây khó khăn cho công việc.
- Kỹ năng mềm của nguồn nhân lực tại Việt Nam chưa phù hợp với yêu cầu.
- Nhà cung cấp tại Việt Nam chưa đạt các tiêu chuẩn quốc tế, còn làm ăn chụp giật.
- Một trong những phương thức để vượt qua những thách thức hiện tại là chấp nhận và nương theo thực tại để giải quyết những công việc trước mắt.
- Về lâu dài, cần đề ra các chiến lược và chiến thuật để giải quyết các vấn đề tồn đọng.
Ví dụ: về các vấn đề với nhà cung cấp và nguồn nhân lực, cần xây dựng các tiêu chí để các bên liên quan cùng tuân theo và đi đường dài dựa trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau.
Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
- Thái độ nên được đặt lên hàng đầu.
Luôn làm việc trong tâm thế khiêm nhường và tận tâm phục vụ.
- Luôn thành tâm cân bằng lợi ích của tất cả các bên liên quan.
- Các kỹ năng mềm (khả năng tự học, tiếp thu, giao tiếp, viết email…) rất quan trọng.
- Có kiến thức vững về lĩnh vực liên quan từ lúc ngồi trên ghế nhà trường sẽ là lợi thế lớn.
- Ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh, là tiêu chí bắt buộc nếu muốn làm cho những doanh nghiệp lớn liên quan đến thương mại quốc tế.
Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
- Từ Logistics được dịch thành “hậu cần” theo mình là không nói hết bản chất công việc
- Tư duy này do mọi người chỉ thấy bề nổi của công việc là sắp xếp mọi thứ đúng trật tự.
- Logistics và Chuỗi cung ứng là khoa học và nghệ thuật để đạt được mục tiêu trong giới hạn về tài chính và thời gian nhất định chứ không bó buộc ở hoạt động hỗ trợ hậu cần.
- Công việc Quản lý là nhàn hạ và dễ dàng
-
- Tư duy này xuất phát từ việc mọi người chưa có trải nghiệm thực tế.
- Công việc quản lý không chỉ bao gồm giao việc và bám sát hoạt động của nhân viên mà còn gồm việc phải hiểu rõ công việc hằng ngày của nhân viên, có đủ năng lực để sẵn sàng xắn tay làm việc khi có yêu cầu, đồng thời hoạch định cho tương lai.
Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
- Mức lương khởi điểm không quá cao (khoảng 4 – 7 triệu đồng/tháng) nhưng có thể tự nuôi mình.
- Mức lương không tăng nhanh nếu người lao động không chủ động chứng minh khả năng bản thân.
- Mức lương trình độ quản lý cấp trung tương đối cao so với mặt bằng chung.
Thu nhập trung bình của quản lý cấp trung dao động từ 700 – 2,000 USD/tháng (Vietnam Supply Chain Insight Portal, 2018).
Mức lương này dựa trên kỹ năng giải quyết công việc, số tiền vận hành tiết kiệm được cho doanh nghiệp, kiến thức chuyên ngành…
Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
- Không có công thức hoàn hảo để phát triển sự nghiệp như mong muốn.
- Quan trọng là phải thích nghi bản thân với biến động môi trường.
- Luôn thành tâm và làm tốt nhất bất kì công việc gì mà bản thân đang làm.
- Luôn sẵn sàng và chuẩn bị tốt nhất các mối quan hệ, kiến thức, kĩ năng để tận dụng cơ hội khi nó đến.
- Các sách khuyến nghị: Đắc Nhân Tâm, Swiss made, Phương Thức Toyota, Dốc hết trái tim, v.v
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.