Là nữ có nên chọn ngành Khoa học dữ liệu?
Em là nữ, có nền tảng tiếng Anh ổn, đang tìm hiểu về ngành Khoa học dữ liệu nhưng còn một số thắc mắc.
Em có tìm hiểu ngành Khoa học dữ liệu (Data Science) qua các phương tiện thông tin nhưng vẫn rất muốn lắng nghe góp ý từ những người từng học và làm trong ngành này.
Em muốn hỏi việc học và làm trong ngành Khoa học dữ liệu có vất vả, thức đêm nhiều như kỹ sư phần mềm không? Môi trường làm việc thế nào?
Ngoài ngành này, các ngành như Phân tích kinh doanh (Business Analyst) và Phân tích dữ liệu (Data Analyst) có phù hợp hơn với con gái không?
Trúc An – Câu hỏi được sưu tầm từ Chuyên mục Tư vấn tuyển sinh của báo điện tử Vnepress.net
Trả lời cho câu hỏi ‘Có nên chọn ngành Khoa học Dữ liệu?’
Trả lời từ độc giả
Anh dtn1712: Anh là kỹ sư phần mềm và cũng làm việc với data scientist khá là nhiều. Anh làm ở nước ngoài nên ko biết môi trường có khác với Việt Nam không nhưng anh thấy ngành này phù hợp với các bạn nữ, hơn phân nửa team data scientist công ty anh là nữ. Không phải thức đêm chạy deadline hay fix bug như kỹ sư nhưng mà sẽ phải viết report nhiều nên đòi hỏi kỹ năng communication tốt.
Anh Nguyễn Ngọc Tân: Mình là kỹ sư phần mềm, mảng Mobile Android và iOS, cũng từng có thời gian làm việc với các bạn DS, mình thấy nếu bạn đã có quyết tâm và khả năng (vì ngành này trung bình thì nhiều nhưng xuất sắc để đi xa thì ít), thì sẽ đi theo được, nhưng muốn tiến xa và range khoảng 3-6k+ ở VN thì phải học rất nhiều, đặc biệt sẽ phải tự học, và cú đêm liên tục.
Nếu bạn nghĩ nó đơn giản thì bởi vì task của bạn đơn giản, nhưng càng về mặt dữ liệu lớn, lúc này các môn như xác suất thống kê, vi tích phân hay đồ thị, toán rời rạc, … là những thứ bạn cần khá trở lên (Hiểu và áp dụng được), thì mới có thể đi lâu dài với ngành này và đạt target.
Sẽ có những điều kiện dữ liệu lên đến hàng chục triệu, trăm triệu records, … Càng cải thiện tốc độ và độ chính xác sau khi phân tích thì khả năng bạn trụ lại càng cao, vì mình có bạn bè đi theo và đã bỏ cuộc giữa chừng, vì đơn giản các giải thuật và cách implement từ lý thuyết số sang ứng dụng khá khó nếu không mạnh các môn nền tảng liên quan Toán, Lý, Tin (Phân tích, đồ thị hoá, biểu diễn, áp dụng)
Chúc bạn thành công.
Anh Philip Viet: Những ngành nghề em nói đều tương đối giống nhau, quan trọng là em có yêu thích hay không. Việc phải thức đêm hay không cũng do khả năng làm việc của em có cần phải làm thêm hay không hay công ty của em thuộc dạng nào. Nhưng cũng nói trước cho em biết, gần như 100% người làm về ngành computer science đều là night owls. Có thể đặc thù của nó là vậy. Chúc em may mắn và thành công.
Chị Snow Queen: Chào em chị năm nay 30t đang làm việc trong ngành này được 4 năm ở nước ngoài. Lương tính bằng ngàn đô, chị ko học ngành này mà học ngành marketing, sau nhiều năm làm marketing thấy ko hợp thì đổi ngành.
Em chọn học và làm ngành gì thì nên chọn do sở thích chứ đừng nghĩ vì công việc vì chắc gì những gì em đã học thì em sẽ làm. Ngoài ra đừng mong làm việc lương cao mà nhàn hạ. Về nhu cầu nhân lực chị cam đoan ngành này sẽ là số 1 trong thời gian tới. Đặc biệt là thị trường việt nam. Tiếng Anh là yêu cầu cơ bản ko phải lợi thế em nhé. Nên học thêm về Excel, SQL để làm phân tích data nữa.
Bổ sung từ Tuhoc.com.vn
Những câu trả lời phía trên phần nào đã trả lời cho băn khoăn ‘có nên chọn ngành Khoa học dữ liệu’ của Trúc An, Tuchoc.com.vn xin bổ sung một số thông tin các bạn cần lưu ý:
Hãy lựa chọn khi đã hiểu rõ sở thích nghề nghiệp bản thân
Năng lực phù hợp với ngành Khoa học dữ liệu
Khoa học dữ liệu là một ngành học vô cùng tiềm năng, tuy nhiên cũng đòi hỏi nhiều phẩm chất và kỹ năng. Một số phẩm chất cần có khi theo học ngành khoa học dữ liệu bao gồm:
- Tư duy phản biện
- Kiến thức về thống kê
- Kỹ năng trực quan hóa dữ liệu
- Kỹ năng thuyết trình
Giới thiệu một số công việc các bạn có thể làm sau khi tốt nghiệp để có cái nhìn thực tế hơn
- Nhà Khoa học dữ liệu (Data Scientist): cần có khả năng phân tích một lượng lớn thông tin và đưa ra xu hướng cũng như chiến lược kinh doanh phù hợp.
- Nhà phân tích dữ liệu (Data Analyst): chịu trách nhiệm chuyển đổi và thao tác các tập dữ liệu lớn để phù hợp với phân tích mong muốn cho các công ty. Họ cũng hỗ trợ quá trình ra quyết định bằng cách chuẩn bị các báo cáo cho các nhà lãnh đạo tổ chức để truyền đạt hiệu quả các xu hướng và hiểu biết sâu sắc thu thập được từ phân tích của họ.
- Kỹ sư học máy (Machine Learning Engineer): tạo kênh dữ liệu và cung cấp giải pháp phần mềm. Ngoài ra, họ cũng chịu trách nhiệm chạy các bài kiểm tra và thử nghiệm để theo dõi hiệu suất và chức năng của các hệ thống đó.
- Kỹ sư dữ liệu (Data Engineer): chịu trách nhiệm xây dựng và duy trì các đường ống dẫn dữ liệu, tạo ra một hệ sinh thái dữ liệu mạnh mẽ và được kết nối với nhau trong một tổ chức, giúp các nhà khoa học dữ liệu có thể truy cập được thông tin.
- Nhà phát triển Business Intelligence (BI): Các nhà phát triển BI thiết kế và phát triển các chiến lược để hỗ trợ các phòng ban trong doanh nghiệp nhanh chóng tìm thấy thông tin họ cần để đưa ra quyết định kinh doanh tốt hơn.
Bài viết nằm trong chuyên mục Hỏi đáp – Tư vấn hướng nghiệp – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.